Chủ Mái ấm Hoa Hồng cũng không biết cơ sở có bao nhiêu trẻ
(Dân trí) - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM chỉ đạo tổng kiểm tra tất cả các cơ sở bảo trợ xã hội, kiên quyết không để những câu chuyện như Mái ấm Hoa Hồng tiếp tục xảy ra.
84 trẻ, nhiều bé không có giấy tờ quản lý
Ngày 6/9, bà Nguyễn Thành Phụng, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội Sở LĐ-TB&XH TPHCM, báo cáo về hướng xử lý sai phạm xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng (quận 12).
Theo bà Phụng, chỉ một giờ đồng hồ sau khi nhận được thông tin báo chí phản ánh về Mái ấm Hoa Hồng, phòng Bảo trợ xã hội cùng phòng Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em đã cử tổ công tác đến cơ sở để hỗ trợ địa phương về nghiệp vụ chuyên môn xử lý vụ việc.
"Ngay trong ngày, chúng tôi triển khai xong công tác quan trọng nhất là bảo vệ tốt nhóm trẻ tại cơ sở, tiếp nhận toàn bộ trẻ, đưa về các cơ sở bảo trợ xã hội công lập", bà Nguyễn Thành Phụng nói.
Thời điểm đó, lượng công việc xử lý rất lớn, địa phương và các trung tâm bảo trợ phải đối chiếu tình hình sức khỏe, làm biên bản giao nhận từng trẻ.
Trong khi đó, số lượng trẻ không thống kê được vì Mái ấm Hoa Hồng không có đầy đủ giấy tờ thông tin mọi trẻ sinh sống tại cơ sở. Đến nay, 84 trẻ được 3 trung tâm bảo trợ xã hội tiếp nhận vẫn đang được quản lý theo số hiệu vì chưa có giấy tờ.
Bà Phụng cho biết: "Ngày hôm đó, công an liên tục đưa người, nhân viên mái ấm về trụ sở lấy lời khai nên rất khó thống kê. Đến chủ mái ấm cũng không nắm được có bao nhiêu trẻ đang nuôi dưỡng tại cơ sở. Cán bộ sở phải đi kiểm tra từng phòng, từng nhà vệ sinh, tủ quần áo… để đảm bảo không thống kê thiếu, không để sót đứa trẻ nào".
Chính vì lượng công việc lớn, nhiều bên tham gia nên số liệu công bố ngày 4/9 có sự sai khác, lúc 85 trẻ, lúc 86 trẻ. Thực tế, theo số liệu tiếp nhận và đánh số thứ tự của 3 trung tâm, tổng cộng có 84 trẻ từ Mái ấm Hoa Hồng được đưa về 3 cơ sở bảo trợ xã hội công lập của thành phố.
Áp lực nhân sự chăm sóc trẻ
Trung tâm Nuôi dưỡng - Bảo trợ trẻ em Gò Vấp tiếp nhận 15 trẻ từ Mái ấm Hoa Hồng. Tuy nhiên, 15 trẻ mà trung tâm tiếp nhận đều là trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi; trong đó, có 1 bé có biểu hiện tím tái vào 16h chiều 5/9, nghi bị tim bẩm sinh và 1 bé theo dõi tim bẩm sinh, có khối u ở đầu, đang phải thở oxy. Chính vì vậy, trung tâm phải bố trí nhiều bảo mẫu chăm sóc 24/24.
Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng - Bảo trợ trẻ em Gò Vấp, cho biết: "Sáng nay, hai bé biểu hiện bệnh đã được đưa đi khám lâm sàng, các bé còn lại khỏe mạnh".
Khó khăn hiện nay là nhân sự của trung tâm khó đảm bảo để chăm sóc tốt nhất cho tất cả các bé. Vì trẻ sơ sinh thường phải chăm sóc 24/24, cho uống sữa 4-8 lần/ngày, mỗi bảo mẫu chỉ chăm được 2-3 cháu, với các cháu bị bệnh hay khuyết tật thì mỗi bảo mẫu chỉ chăm 1 bé.
Hiện trung tâm đang nuôi dưỡng 202 trẻ, trong đó có 86 trẻ sơ sinh, chủ yếu là trẻ khuyết tật nên cần lượng nhân viên rất lớn.
Ông Đinh Hữu Tuyến, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ em Tam Bình, nơi tiếp nhận 32 trẻ từ 1 tuổi đến 6 tuổi, cũng cho biết có khó khăn về nhân sự chăm sóc trẻ.
Trong thời gian ngắn, nhân viên trung tâm nỗ lực có thể đảm bảo công tác nhưng về lâu dài cần bổ sung thêm nhân sự để đảm bảo chăm sóc trẻ tốt nhất.
Về vấn đề này, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, chỉ đạo: "Dùng mọi biện pháp có thể để chăm lo cho các cháu tốt nhất, khó khăn thì cùng nhau tháo gỡ".
Theo ông Thinh, biên chế năm 2024 đã giao, nếu đơn vị nào chưa tuyển dụng đủ thì cố gắng tuyển dụng cho đủ. Nếu tuyển dụng hết biên chế mà vẫn thiếu nhân sự thì báo cáo đề xuất Ban giám đốc sở để xử lý.
Ông đề nghị tất cả các đơn vị của ngành lao động thành phố rà soát lại tình hình biên chế của đơn vị, báo cáo lại trước ngày 10/9 để cân đối, nơi nào còn dư nhân sự thì điều chuyển, hỗ trợ nơi thiếu.
Kiểm tra cơ sở bảo trợ toàn thành phố
Điều Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM quan tâm nhất là không để câu chuyện đau lòng như ở Mái ấm Hoa Hồng tái diễn.
Ông Thinh nói: "Đối với sự việc xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng phải xử lý nghiêm, có tính răn đe để những đối tượng đang có hành vi tương tự cảnh tỉnh".
Mở rộng ra, ông nhấn mạnh đến công tác giám sát của ngành lao động đối với hoạt động này chưa thực sự phát huy hiệu quả. Do đó, thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH TPHCM sẽ tổ chức nhiều đoàn kiểm tra tất cả 80 cơ sở bảo trợ xã hội (16 cơ sở công lập và 64 cơ sở ngoài công lập) trên địa bàn thành phố.
Theo ông Thinh, sau sự việc xảy ra ở Mái ấm Hoa Hồng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH có công điện chỉ đạo rà soát tất cả các cơ sở bảo trợ trẻ em trên địa bàn. Không dừng lại ở đó, Sở LĐ-TB&XH Thành phố quyết định kiểm tra tất cả, kể cả các cơ sở nuôi dưỡng người già, trẻ khuyết tật…
Ông Lê Văn Thinh cũng nhắc nhở các phòng ban liên quan, phải tiến hành kiểm tra chặt chẽ, đảm bảo thực chất. Ông đề cập hiệu quả giám sát khi các ban ngành quận 12 kiểm tra Mái ấm Hoa Hồng 4 lần nhưng không phát hiện ra sai phạm, để sự việc đau lòng xảy ra.
"Phải nhìn thẳng với nhau là công tác kiểm tra giám sát, nhất là hậu kiểm sau cấp phép đối với cơ sở bảo trợ xã hội nói chung, Mái ấm Hoa Hồng nói riêng là còn lỏng lẻo", ông Thinh nói.
Ngoài trách nhiệm kiểm tra chuyên môn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết sẽ báo cáo Bộ LĐ-TB&XH và tham mưu cho UBND Thành phố, đề xuất các địa phương rà soát các cơ sở do địa phương quản lý, tăng cường công tác tiếp nhận và kiểm tra các thông tin phản ánh tiêu cực xảy ra, kể cả phản ánh trên mạng xã hội để đảm bảo có biện pháp xử lý kịp thời.