Chốt hạn cho những tỉnh thành hứa chi tiền hỗ trợ thuê nhà
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung yêu cầu ghi rõ những địa phương đã hứa từ nay đến 20-25/8 hoàn thành việc giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Sáng 12/8, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc đôn đốc các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà ở cho người lao động. Hội nghị để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg.
Cứ "đẻ" thủ tục, bao giờ tiền mới đến tay người lao động?
Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, thành phố hiện có số lượng doanh nghiệp và lao động rất lớn, nên cần thời gian thực hiện. Tính đến ngày 12/8, địa phương này đã tiếp nhận hơn 870.000 hồ sơ (chiếm 26,88%) nhưng mới giải ngân cho trên 272.000 lao động (đạt 8,13%). Việc phê duyệt hồ sơ của quận huyện còn chậm do thận trọng khi triển khai, trùng lắp thông tin, hồ sơ còn thiếu sót…
Ghi nhận cố gắng của TPHCM, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thành phố có xấp xỉ 1 triệu người thụ hưởng hỗ trợ thuê nhà với số tiền trên 1.700 tỷ đồng, chiếm tới 1/3 tổng số đối tượng và tổng số tiền giải ngân của gói 6.600 tỷ đồng. Băn khoăn lớn nhất về tiến độ triển khai chính sách nằm ở những địa phương trọng điểm như vậy.
Theo ông Dung, TPHCM từng rất khó khăn khi phải phong tỏa để chống dịch Covid-19 nhưng đã có rất nhiều cách làm sáng tạo để "không ai bị đói". Thành phố hơn chục triệu dân thậm chí còn lo được việc "đem gạo, đem tiền" đến người dân, chi hỗ trợ hàng chục nghìn tỷ kịp thời cùng hàng triệu túi an sinh tới tay từng hộ.
Tuy nhiên, việc triển khai gói hỗ trợ thuê nhà trên địa bàn lại chậm dù TPHCM rất thuận lợi khi đã có danh sách đối tượng được BHXH xác nhận, có số tài khoản của người lao động.
Vấn đề khác, đoàn công tác của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội còn phát hiện TPHCM "đẻ" nhiều thủ tục khác nhau khi thực hiện giải ngân, chi trả tiền hỗ trợ đợt này.
"Nếu cứ "đẻ" thêm thủ tục xác nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho người lao động như đòi giấy phép kinh doanh của chủ nhà trọ, đăng ký tạm trú tạm vắng của người lao động… thì làm sao triển khai nhanh được", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nghi ngại.
Để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ triển khai gói 6.600 tỷ tại thành phố lớn nhất cả nước, Bộ trưởng Dung đề nghị BHXH Việt Nam cùng với BHXH TPHCM cùng vào cuộc quyết liệt. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM phải tham mưu UBND thành phố có văn bản gửi doanh nghiệp rà soát và gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ thuê nhà cho người lao động trước 15/8.
"Số hồ sơ đã phê duyệt thì khẩn trương giải ngân, đồng thời yêu cầu xác nhận nhanh hồ sơ đã gửi nhưng chưa được duyệt. TPHCM phải coi đây là công việc trọng tâm, trọng yếu trong tháng 8 này, Bộ sẽ có đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc và cùng TP.HCM tháo gỡ vướng mắc. Nếu TPHCM Đồng Nai, Bình Dương và các tỉnh Đông Nam Bộ giải ngân xong thì toàn quốc cơ bản thực hiện xong chính sách này", lãnh đạo Bộ nêu rõ.
Ông cũng chốt hạn, ngày 30/8, TPHCM phải cơ bản hoàn thành việc này, nhất quyết không lùi sang tháng 9.
Tại Bình Dương, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, đến nay, số hồ sơ đã chuyển sang cơ quan cấp huyện phê duyệt là hơn 860.000 lượt người với số tiền 577 tỷ đồng, trong đó số đã chi khoảng 88 tỷ, đạt 15% so với số phê duyệt. Việc giải ngân chậm do một số địa phương mới nhận được kinh phí chiều qua, trước đây phải tạm ứng một số nguồn để chi.
"Sau khi nhận đủ kinh phí được cấp chúng tôi sẽ chi trả cho người lao động tại các doanh nghiệp có quyết định phê duyệt. Bình Dương cố gắng hoàn thành việc tiếp nhận hồ sơ trong ngày 15/8, còn kết thúc thực hiện vào 31/8".
Thông cảm với Bình Dương vì có số lao động cần hỗ trợ lớn, từng là tâm dịch Covid-19, nay vẫn còn nhiều khó khăn song ông Dung vẫn "phê" việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê trọ lần này tỉnh làm rất chậm, cả ở việc tiếp nhận hồ sơ đến phê duyệt và chi trả.
"Tôi đề nghị lãnh đạo Sở báo cáo Chủ tịch tỉnh về các nội dung sau hội nghị hôm nay để Bình Dương tập trung chỉ đạo, phân công một lãnh đạo tỉnh phụ trách cùng các Sở, ngành phối hợp thực hiện, không chỉ "khoán trắng" cho ngành lao động. Nếu cần tôi sẽ điện thoại trực tiếp với Chủ tịch tỉnh, tinh thần là cố gắng, với những hồ sơ duyệt rồi phải chi trả ngay, nhận hồ sơ ngày nào thì phải duyệt luôn để đảm bảo sau 2 ngày tiền chi trả đến tay người lao động", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Yêu cầu các địa phương giữ đúng lời hứa
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, gói hỗ trợ tiền thuê nhà 6.600 tỷ đồng vừa qua đã được ban hành rất nhanh, là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Quốc hội, Chính phủ.
Đến nay, hầu hết các địa phương đã triển khai hỗ trợ người lao động, nơi có tỷ lệ hỗ trợ cao nhất đến nay đạt 62%, nhiều đơn vị đạt trên 50%, có khoảng 10 tỉnh có tỷ lệ đạt 30 - 40%. Kết quả này cho thấy một bước nhảy vọt kể từ phiên họp Chính phủ hôm 4/8 đến nay.
Bộ trưởng đánh giá, nhiều địa phương có số lượng người cần hỗ trợ, số lượng hồ sơ kiểm duyệt, số lượng hồ sơ tiếp nhận về kết quả đạt được chưa cao. Nhất là những tỉnh có số lượng người lao động lớn thì cả 3 yêu cầu đều thực hiện chưa tốt.
"Có 10 tỉnh có tỷ lệ giải ngân rất thấp, chỉ 1-2%. Còn 4 tỉnh đến giờ này chưa giải ngân một đồng nào cho người lao động, đều rơi vào những tỉnh có số lượng người hưởng chính sách rất ít. Đây là những nội dung cần phải nghiêm khắc rút kinh nghiệm với nhau trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo chỉ đạo.
Tôi xin nhắc lại, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm việc này. Một tuần qua, Thủ tướng, các đồng chí trong Ban Bí thư nhắn tin, gọi điện, yêu cầu báo cáo liên tục để đôn đốc việc này", Bộ trưởng bày tỏ.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nguyên nhân việc chậm thực hiện chính sách do các địa phương nhận thức chưa đúng về vấn đề này, một số địa phương còn thờ ơ với nhiệm vụ, coi việc này là trách nhiệm của riêng ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp nên chưa tập trung chỉ đạo.
Một số nơi thì phát sinh những thủ tục không đúng theo quy định như yêu cầu phải xuất trình giấy phép kinh doanh, giấy đăng ký tạm vắng tạm trú, rồi hàng loạt thủ tục nữa, cá biệt có nơi phải đưa qua Hội đồng nhân dân để duyệt danh sách đề nghị.
"Những thủ tục này về mặt pháp lý không đúng, địa phương không được ban hành văn bản trái với văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước cấp trên ban hành. Vô hình chung, chúng ta đang gây khó khăn cho người sử dụng lao động và người lao động tiếp nhận chính sách. Nhiều nơi kéo dài thời gian phê duyệt hồ sơ so với quy định. Cá biệt có nơi doanh nghiệp phản ánh với tôi nộp hồ sơ một tháng rồi chưa thấy tiền về tài khoản", Bộ trưởng nói.
Một số địa phương sợ trách nhiệm, sợ sai dẫn đến phát sinh thủ tục, kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ. Bộ trưởng yêu cầu các địa phương phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục vấn đề này.
"Chỉ sợ tiền "chạy"... nhầm chỗ"
Người đứng đầu ngành chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH các tỉnh khẩn trương thẩm định, phê duyệt hồ sơ đã tiếp nhận. Hồ sơ đã phê duyệt rồi ngay lập tức phải chi trả tiền theo quy định.
"Chúng ta phấn đấu nhận hồ sơ xong trước ngày 15/8. Chậm nhất ngày 30/8, tất cả các địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hiện nay phải xong việc. Các tỉnh có tỷ lệ giải ngân cao phấn đấu từ 20-25/8 hoàn thành giải ngân. Những địa phương đã cam kết mốc 20-25/8 phải giữ đúng lời hứa.
Bộ sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra về việc này, làm công khai, minh bạch. Chúng ta làm vì dân nên không sợ điều gì, chỉ sợ tiền "chạy" nhầm chỗ", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH giao Thứ trưởng Lê Văn Thanh, Cục Việc làm tiếp tục tổ chức các đoàn đi kiểm tra một số địa phương, cả nơi làm tốt, để khuyến khích, nêu gương và nơi giải ngân chậm, thấp để đánh giá, đôn đốc.