Chế độ bảo hiểm xã hội của dân quân tự vệ từ ngày 23/3

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Từ ngày 23/3, dân quân thường trực được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Dân quân tự vệ không tham gia bảo hiểm xã hội được tăng trợ cấp khi ốm đau, tai nạn, hy sinh…

Chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) của dân quân tự vệ vừa được Chính phủ quy định chi tiết tại Nghị định số 16/2025/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 23/3.

Nghị định này sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2020/NĐ-CP quy định chi tiết về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ.

Chế độ bảo hiểm xã hội của dân quân tự vệ từ ngày 23/3 - 1

Từ ngày 23/3, dân quân thường trực được tham gia BHXH bắt buộc (Ảnh minh họa: Hoàng Lam).

Dân quân thường trực tham gia BHXH bắt buộc

Tại Mục b Khoản 5 Điều 1, Nghị định 16/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 12 Nghị định 72/2020/NĐ-CP, quy định chi tiết về chế độ BHXH đối với dân quân thường trực.

Theo đó, dân quân thường trực thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Thời gian đóng BHXH được tính từ khi có quyết định thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân thường trực đến khi có quyết định công nhận hoàn thành nghĩa vụ, hoặc thôi thực hiện nghĩa vụ trước thời hạn.

Mức đóng BHXH hằng tháng cho dân quân thường trực bao gồm 2 khoản. Thứ nhất là đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thứ hai là đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Dân quân thường trực có quyết định công nhận hoàn thành nghĩa vụ hoặc thôi thực hiện nghĩa vụ trước thời hạn mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng, nếu không có nguyện vọng bảo lưu thời gian đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, thì được hưởng BHXH một lần.

Dân quân thường trực chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất hằng tháng, hoặc trợ cấp tuất một lần.

Dân quân thường trực nếu bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà có đủ các điều kiện theo quy định thì được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Kinh phí đóng BHXH cho dân quân thường trực do ngân sách địa phương bảo đảm, hằng tháng ngân sách địa phương đóng vào quỹ BHXH do BHXH Việt Nam thống nhất quản lý.

Dân quân thường trực khi làm nhiệm vụ mà bị thương hoặc hy sinh, được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận thì ngoài việc được hưởng chính sách ưu đãi người có công do ngân sách nhà nước bảo đảm, vẫn được thực hiện chế độ tai nạn lao động, tử tuất như quy định đã nêu ở trên.

Trường hợp dân quân còn đang phục vụ trong đơn vị dân quân thường trực trong khoảng thời gian từ ngày 1/7/2020 đến trước ngày Nghị định 16/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (23/3/2025), nếu chưa được đóng, hoặc đóng chưa đầy đủ BHXH thì địa phương có trách nhiệm đóng, truy đóng BHXH cho họ theo quy định của Nghị định này.

Tăng trợ cấp cho dân quân tự vệ không đóng BHXH

Dân quân tự vệ không phải là lực lượng thường trực không tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, khi họ bị ốm đau, tai nạn, chết, bị thương, hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ, được điều động… thì vẫn được hưởng chế độ chính sách.

Theo Điều 14 Nghị định 72/2020/NĐ-CP, trong thời gian dân quân tự vệ thực hiện nhiệm vụ, nếu bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương được khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quân, dân y theo quy định.

Chi phí khám bệnh, chữa bệnh như mức hưởng bảo hiểm y tế cho hạ sĩ quan, binh sĩ đang tại ngũ. Trong thời gian điều trị nội trú được bảo đảm tiền ăn bệnh lý.

Trường hợp dân quân tự vệ đang điều trị nội trú, nhưng hết thời gian làm nhiệm vụ thì được thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh và tiền ăn bệnh lý nhưng tối đa không quá 15 ngày; nếu hết 15 ngày bệnh vẫn chưa ổn định thì điều trị đến khi ổn định và được thanh toán 100% tiền khám, chữa bệnh.

Tại Khoản 7 Điều 1, Nghị định 16/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 15 Nghị định 72/2020/NĐ-CP, quy định chi tiết về mức hưởng chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ không tham gia BHXH nếu bị tai nạn, chết.

Theo đó, trường hợp dân quân tự vệ bị tai nạn, trong thời gian điều trị tai nạn được hưởng chi phí khám bệnh, chữa bệnh, kể cả trường hợp vết thương tái phát cho đến khi xuất viện.

Nếu tai nạn làm suy giảm khả năng lao động 5% thì được hưởng trợ cấp một lần bằng 11,7 triệu đồng. Sau đó, cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng 1,17 triệu đồng. Suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì được hưởng 140,4 triệu đồng.

Trường hợp dân quân tự vệ bị tai nạn dẫn đến chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất một lần bằng 84,24 triệu đồng; người lo mai táng được nhận tiền mai táng phí bằng 23,4 triệu đồng.

Trường hợp dân quân tự vệ bị ốm đau dẫn đến chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất một lần bằng 11,7 triệu đồng; người lo mai táng được nhận tiền mai táng phí bằng 23,4 triệu đồng.