(Dân trí) - Nhiều người khâm phục Trí vì dám lấy vợ ngồi xe lăn, chấp nhận chăm sóc cô như một đứa trẻ. Ít ai biết được Diễm, vợ anh cũng chịu nhiều giày vò khi sức khỏe không đủ để giữ lại đứa con đã tượng hình.
Chàng trai cãi lời mẹ, quyết lấy vợ chỉ ngồi một chỗ
Nhiều người khâm phục Trí vì dám lấy vợ ngồi xe lăn, phải chăm sóc cô như một đứa trẻ. Nhưng ít ai biết được, Diễm - vợ anh phải chịu nhiều giày vò khi sức khỏe không đủ để giữ lại đứa con đã tượng hình 5 tháng.
Gần trưa, Ngọc Diễm, 33 tuổi, ngồi trên xe lăn gọt rổ dưa leo vừa được hàng xóm cho để nấu canh. Trước đó, chồng cô, anh Minh Trí, 30 tuổi, đã đi chợ mua ít thịt về kho mặn. Trong khi chờ vợ sơ chế dưa, Trí rửa chén, vo gạo cắm cơm. Chốc chốc, anh xúc một muỗng nhỏ nước kho thịt chạy lại chỗ vợ đang ngồi đưa cô nếm thử.
"Ngon quá chồng ơi!", Diễm nói, mắt sáng lên, vui vẻ nhìn chồng. Cả hai cùng cười phá lên. Căn trọ chừng 15m2 của đôi vợ chồng trẻ ở thị trấn Long Thành, Đồng Nai lúc nào cũng rộn ràng, ấm áp như thế.
"Chỉ cần nghe thấy tiếng cười của bả trong nhà thì mọi mệt mỏi tan biến hết", Trí trải lòng.
"Anh lo được!"
Trí và Diễm đăng ký kết hôn ở quê nhà Long An đầu năm 2019. Họ chọn mảnh đất Long Thành để lập nghiệp vì đây là nơi họ gặp nhau lần đầu. Không được gia đình hai bên chấp nhận, cả hai chưa tổ chức đám cưới ở quê. Nhưng may mắn, vợ chồng Trí đã được nắm tay nhau tại lễ đường trong đám cưới tập thể dành cho người khuyết tật 2 năm trước, tại Sài Gòn.
Sau gần 4 năm cặp đôi ở bên nhau, mẹ Trí vẫn không chấp nhận cô con dâu tật nguyền ngồi xe lăn, mọi sinh hoạt phụ thuộc vào chồng. Trong khi đó, Trí vốn là thanh niên khỏe mạnh, có nghề nghiệp ổn định, lại nhỏ tuổi hơn nên cha Diễm cũng không tin vào tình yêu anh dành cho con gái mình.
"Nhiều lần mình nghe mẹ gọi điện thoại cho anh bảo: 'Mấy năm qua mày làm từ thiện cho nó vậy đủ rồi, về đây mẹ lấy vợ khác cho mày', mình chỉ biết khóc!", Diễm rớm nước mắt, kể.
Thương chồng nhưng không muốn Trí mang tiếng bất hiếu, lại càng sợ anh vì hai tiếng "trách nhiệm" với mình mà khổ, nhiều lần Diễm nghẹn ngào nói lời chia tay. "Bộ bà khùng hay gì!", Trí mắng vốn rồi lại gần thơm má để vợ nguôi ngoai.
Diễm sinh ra vốn bị vẹo cột sống bẩm sinh, không thể đi lại. Cô ở nhà làm nghề thêu tranh. Tuy không được đến trường, không có nhiều bạn bè nhưng đổi lại, cô được cả nhà cưng chiều. Cuộc sống của cô gái khuyết tật suốt quãng đời thơ ấu cho tới hết thanh xuân chỉ có chiếc tivi và đài radio làm bạn.
Trí thời điểm đó là một thợ hàn ở Long An, từng trải qua vài mối tình. Năm 2014, chàng trai vô tình nghe được Diễm tâm sự về cuộc sống của mình trên đài nên lưu số điện thoại rồi nhắn tin làm quen. Suốt 4 năm sau đó, cả hai thường nhắn tin qua lại, xem nhau là bạn, chưa có ý định gặp mặt.
Mãi đến tháng 4/2018, khi Diễm có dịp cùng nhóm bạn đồng cảnh của mình cùng nhau đến Long Thành, Đồng Nai chơi, Trí mới đòi đi theo.
Lần đầu tiên gặp nhau, Trí đẩy xe lăn dẫn nhóm bạn khuyết tật đi tham quan, ăn uống ở thị trấn. Chàng trai "đánh liều" hôn vào má Diễm một cái, sau đó quay mặt ngại ngùng. Còn Diễm thì chỉ cười rồi im lặng!
Cũng hôm đó, Trí đội mưa lái xe máy chạy theo chiếc ô tô chở nhóm bạn về nhà Diễm. "Vừa mắc mưa, vừa đói bụng, đến nỗi khi xe dừng lại, tôi thấy có giàn dưa leo bên đường nên liều hái một trái ăn luôn. Ăn xong trái dưa lấy sức, tôi lần lượt bồng Diễm và những người bạn của cô vào nhà", Trí hồi tưởng.
Thương anh bạn nhiệt tình, quần áo ướt nhẹp, Diễm xin cha mẹ cho anh được ở lại. Không ai ngờ, lúc đó Trí đã thương Diễm. Anh ở lại nhà cô đến 1 tuần với mục đích tận mắt nhìn cách cô sinh hoạt.
Đoán được tình cảm của Trí dành cho mình, nhưng Diễm không dám nghĩ xa. Cô sợ mình là gánh nặng với anh.
Trí không ngỏ lời yêu nhưng kể từ đó, cứ cuối tuần anh lại chạy xe máy hơn 50 km sang nhà bạn gái, đẩy xe lăn đưa cô đi dạo. Nghe Diễm nói chưa bao giờ được đi biển, anh thuê ô tô chờ Diễm đi Vũng Tàu.
Sau khi Trí đưa tấm hình của Diễm giới thiệu với mẹ, bà gạt ngay: "Mày yêu ai cũng được, trừ người này!". Vậy là hễ thấy cuối tuần con dắt xe ra khỏi nhà, mẹ anh chặn lại ngay. Thấy thế, Trí bỏ nhà, bỏ công việc thợ hàn lương mỗi tháng hơn chục triệu đồng lên Sài Gòn làm thợ hồ, lương ngày 250 nghìn đồng để được tự do thăm Diễm.
Tuy được mẹ và các anh chị em của bạn gái ủng hộ nhưng Trí không được cha Diễm tán thành cho tiến đến hôn nhân. "Tôi gặp ba chào mà ông không đáp lời, cũng chẳng nhìn tôi. Ông chỉ lặng lẽ bỏ đi chỗ khác", Trí kể.
Bà Nguyễn Thị Thấy, mẹ của Diễm cho biết, cha cô sợ Trí còn trẻ, tình cảm dành cho con gái mình chỉ là nhất thời, sau này lỡ anh bỏ Diễm thì cô sẽ càng đau khổ hơn. Còn trong lòng, người mẹ sợ con gái bị hàng xóm lời ra tiếng vào nên muốn cả hai đăng ký kết hôn, danh chính ngôn thuận qua lại với nhau.
Tháng 1/2019 Trí và Diễm dẫn nhau ra UBND huyện. Đối diện tờ đăng ký kết hôn, Diễm vẫn chần chừ, không dám tin một ngày mình có chồng. Cô hỏi anh: "Anh chắc chưa?", lòng vẫn sẵn sàng cho cái lắc đầu vào phút chót của Trí.
Trí ký cái rẹt, xong anh bảo: "Anh biết rồi, anh lo được hết!".
"Chỉ cần mình còn thương nhau"
Đến tháng 5, Trí dành dụm tiền mua cho Diễm đôi bông tai vàng làm của hồi môn nhưng lời hứa với nhà gái rằng sẽ thuyết phục cha mẹ sang hỏi dâu, Trí không làm được. Hôm sau, đôi vợ chồng trẻ bán đôi bông làm vốn, chuyển đến Long Thành, bắt đầu một cuộc sống mới.
Ở đây, Diễm lấy vé số đi bán, mỗi ngày được hơn trăm tờ. Cô gái gần 30 năm chỉ sống trên chiếc giường với sự giúp đỡ sinh hoạt từ người thân trong gia đình nay bắt đầu tự lập. Nhiều lần mời vé số không ai mua, Diễm cũng tủi thân khóc. Chưa kể cô còn bị giật vé số, vé ế không bán hết đành chịu lỗ…
"Khó khăn tới đâu mình cũng sẽ cố lăn tới đó", Diễm quả quyết.
Còn Trí, dù biết nghề thợ hàn có thu nhập cao nhưng anh chỉ dám xin việc ở cửa hàng bán xe đạp vì phải dành thời gian lo cho vợ.
Buổi sáng, Trí bồng cô đi vệ sinh, thay quần áo rồi cho vợ lên xe để đi bán vé số. Sau đó phải lo việc nhà, nấu cơm. Gần trưa, khi vợ bán vé số về, anh phải tắm rửa, cho vợ đi vệ sinh rồi mới ăn cơm để đi làm.
Hơn 1 năm nay, Trí may mắn tìm được công việc ổn định ở cửa hàng bán đồ nội thất. Sau khi kết thúc công việc vào khoảng 9h tối, anh về nhà ăn cơm, cho vợ vệ sinh lần cuối trước khi đặt cô lên giường ngủ.
"Hôm nào có hàng lắp đặt khuya, mình nhịn tiểu đến 12h đêm, có khi mệt quá nằm ngủ gục trên xe lăn", Diễm kể. Cũng vì thế mà Trí không thể nào bỏ vợ đi đâu quá được nửa ngày.
Bên nhau gần 4 năm nhưng Diễm mới có dịp về nhà Trí được 2 lần nhờ sự "bảo kê" của bà ngoại Trí. Chứng kiến con trai chăm bẵm Diễm từng chút một, mẹ Trí dù thương nhưng vẫn một mực không chấp nhận cô làm con dâu, khuyên anh bỏ Diễm để lấy người khác.
"Mẹ là người chưa bao giờ cản con làm việc thiện, giờ con thương Diễm, mong mẹ hiểu và chấp nhận cô ấy", Trí tâm sự với mẹ.
Hạnh phúc tuy không được trọn vẹn nhưng Trí và Diễm luôn cảm thấy may mắn vì cả hai hiểu và yêu thương nhau. Cuộc sống có lẽ sẽ yên ổn nếu năm ngoái Diễm không mắc bệnh, phải phẫu thuật tốn hơn 100 triệu đồng. Tiền dành dụm đã cạn, vợ chồng anh phải đi vay mượn. Mới đây, trong lúc lái xe ba gác của chủ tiệm giao hàng, bị phạt, Trí cũng phải bỏ tiền để đóng.
Cặp đôi biết kinh tế còn khó khăn nhưng đầu năm nay, "duyên con cái" đến vợ họ. Nhưng thai nhi ở trong bụng mẹ được hơn 5 tháng thì tự sảy. Bác sĩ khuyên, sức khỏe của Diễm không tốt, không nên để có thai lần nữa.
Biết chồng thích con nít và mong con đến mức gợi ý "Hay mình xin con nuôi" nhưng Diễm không dám thử, vì sẽ khiến Trí vất vả thêm. Cũng từ lần sảy thai, sức khỏe Diễm giảm sút. Nhiều đêm cô không ngủ được vì nỗi lo về món nợ chưa trả dứt, về sự áy náy khi bản thân không thể sinh con và cả về sự cự tuyệt của mẹ chồng.
"Lần đầu tiên khi được ăn cơm chung với mẹ, tôi thấy rất hạnh phúc. Tôi không còn điều ước lớn lao nào ngoài việc mong được mẹ chấp nhận", Diễm tâm sự.
Gần 2 giờ chiều, Trí lấy lược chải đầu, cột tóc cho vợ. Ngồi trên xe lăn, Diễm mân mê chiếc nhẫn cưới trên tay mình, hỏi chồng: "Anh ơi, hình như đây là cặp nhẫn cưới thứ 4 của tụi mình rồi nhỉ?".
Vì những khó khăn trong cuộc sống, nhiều lần cả hai phải đem bán tài sản cuối cùng là cặp nhẫn đang đeo để trang trải, khi làm có tiền, họ lại vội vàng sắm lại ngay.
Trí nhíu mày, suy nghĩ chốc lát rồi cười bảo vợ: "Còn người còn của. Nước chảy thì đá mòn. Chỉ cần mình thương nhau thì anh tin mình sẽ làm lại được và rồi mẹ anh cũng sẽ hiểu em à!".
Diệp Phan