Chàng trai 30 tuổi nhiều lần định giết cha: "Xin ai đó hãy giữ mình lại!"
(Dân trí) - Thành dắt xe lao ra khỏi nhà trong đêm, bởi nếu ở lại đó, cậu sợ mình sẽ không dừng lại được. Chàng thanh niên lên diễn đàn cầu cứu, mong ai đó giúp mình thoát khỏi suy nghĩ "giết cha"...
Sự việc Tống Thị Tùng Linh, ở Bà Rịa - Vũng Tàu đầu độc cha ruột, đổ bê tông thi thể rồi dựng hiện trường giả gây ớn lạnh bởi hành vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức. Vậy nhưng, nghịch cảnh trên không phải đến giờ mới xảy ra, nhiều gia đình đã rơi vào bi kịch "cha chết, con tù tội" cũng như không ít đứa con đã từng hoặc đang nuôi suy nghĩ, ý định đáng sợ tương tự!
Mua thuốc diệt chuột, nuôi ý định giết cha
Nguyễn Đức Thành, 30 tuổi, đang làm việc tự do ở TPHCM là một trong những số đó. Không những vậy, chàng trai ít nhất đã 3 lần có ý định giết cha. Gần nhất là đợt về quê tránh dịch vừa rồi, khi Thành lại chứng kiến cảnh cha say xỉn, chửi bới, đánh đập mẹ. Ông thường xuyên đưa bạn nhậu về nhà bắt vợ phục vụ, chỉ cần không chút hài lòng là... xuống tay, lên gối.
Người đàn ông một đời say xỉn, làm thợ hồ bữa đực bữa cái, mọi việc lớn nhỏ đều một mình vợ lo hết lại ngang nhiên đập phá đồ đạc, lớn giọng chửi bới vợ con là đồ vô tích sự, ăn hại. Mẹ Thành cũng khóc, cũng gào nhưng hơn 30 năm chịu cảnh đòn roi, bà đã xem việc bị chồng bạo hành là chuyện không thể tránh.
Những hình ảnh trong quá khứ Thành đã muốn quên, đã trốn tránh lâu nay, lại trở về. Thành kể, lúc đó cậu bất giác thu nắm đấm, run lên, mắt nhìn chằm chằm vào con dao chặt ở dưới nhà bếp, chỉ muốn ngay lập tức kết thúc mọi việc.
"Cùng lắm, giết ông ấy xong, tôi sẽ chết", Thành nghĩ. Rồi không hiểu sao, cậu lao ngay vào nhà tắm, xả nước lên mặt, hít một hơi thật sâu. Thành quay ra, phi xe khỏi nhà ngay trong đêm, bởi nếu còn ở lại đó, cậu sợ mình sẽ không thể nào dừng lại.
Lang thang trong đêm, chụp bức ảnh chiếc xe dựng trên một cây cầu nhỏ trong bóng tối hiu hắt, Thành lên diễn đàn của nhóm về trầm cảm lúc 2h sáng, kể: "Là mình đây, người đã từng nhiều lần có ý định giết cha. Và đêm nay, mình lại muốn giết ông ấy bằng được. Xin ai đó hãy cứu mình, hãy giữ mình lại"...
Thành không nhớ hết nổi về những gì bản thân đã trải qua suốt tuổi thơ, không nhớ hết những vết tích đòn roi của cha in trên thân xác, để lại chi chít sẹo. Nhưng có hai cảnh hiện lên rõ nét trong tâm trí cậu, như vừa diễn ra, một là những bữa cơm, cha nổi giận bưng cả mâm hất vào mặt hai mẹ con; hai là hồi học cấp 2, cậu từng chứng kiến cha lôi mẹ vào nhà vệ sinh, lột đồ bà ra đánh, lấy dây thừng trói tay bà cho đến ngày hôm sau mới cho phép con cái vào cứu mẹ...
Từ bé, Thành từng nhiều lần suy nghĩ "ước gì cha biến mất khỏi cuộc đời này". Chỉ cần không có cha, mọi đau đớn của mẹ sẽ dừng lại, nỗi sợ hãi của chị em Thành sẽ chấm dứt. Ước mơ trong tâm trí đó dần tiến tới trong hành động của cậu.
Có lần, Thành muốn đổ cả nguyên chai thuốc trừ sâu vào bình rượu của cha. Hay một lần khác, Thành từng đi mua thuốc diệt chuột, nhét dưới ngăn bàn học, chỉ chờ cơ hội ra tay... Vài hôm sau, chính cậu cầm gói thuốc ra đào hố chôn ngoài vườn.
Ở bên ngoài, với bạn bè, với mọi người, Thành luôn cố tỏ ra là một người bình thường. Nhưng cậu biết bản thân không ổn tí nào. Thành chán chường, dễ bỏ cuộc, tính khí nóng nảy, khó hợp tác với mọi người...
Cậu rơi vào trầm cảm nhiều năm qua, cũng có vài lần đến viện thăm khám, lấy thuốc. Chỗ trút nỗi lòng duy nhất của Thành là những diễn đàn trên mạng. Cậu tìm chia sẻ từ những người xa lạ giống mình hoặc hiểu phần nào cho hoàn cảnh của mình.
Cha chết, con gái khóc cười vì được... giải thoát
Con giết cha, phải nói là một bi kịch kinh khủng không ai dám nghĩ đến, dám hình dung. Nó vượt xa mọi sự tưởng tượng về cái ác, về luân thường đạo lý. Vậy mà trên thực tế, có không ít câu chuyện đau lòng như thế len lỏi, xuất phát từ những đứa con từng phải chứng kiến hay sống trong cảnh bạo hành kéo dài.
Vẻ ngoài hiền lành, tốt tình, hòa nhã, ít ai biết chị Trần Thị Thơm, 32 tuổi, trưởng phòng khách hàng một công ty điện máy ở TPHCM từng không ít lần nuôi ý định giết cha, xuất phát vì bạo lực gia đình và cả những ký ức bị chính cha ruột "đụng chạm" mỗi khi ông say mà chị không bao giờ muốn nhắc lại, nhớ đến.
Nhưng khi chị chống lại được "cám dỗ chết người" đó, gia đình vẫn không thoát ra được cảnh bạo lực, bi kịch. Không làm gì được cha, chị chuyển sang căm ghét mẹ mình. Chị ghét bà vì bà chịu đựng, vì bà không tự giải thoát cho mình, cho con cái. Chị ghét bà vì bà không bảo vệ được con nhưng lúc nào cũng ôm hai chữ "vì con" như thể các con là thứ nợ cuộc đời bà phải mang...
Chị Thơm kể, ngày ba chị mất cách đây 6 năm vì đột quỵ, chị ngồi khóc rồi cười như một người điên. Chị thừa nhận, bản thân khóc cười trong đau đớn lẫn sung sướng vì từ nay gia đình được giải thoát...
"Ai nói tôi bất hiếu tôi cũng chịu, nhưng tôi đã không thể đối xử với ông ấy một cách bình thường nhất, chứ chưa dám nói là yêu thương, ngay cả lúc ông ấy chết... ", chị tránh nhắc đến từ "ba" trong lời kể của mình.
Sau khi ba mất, không còn phải đối diện với ông, chị mới bắt đầu bước vào mối quan hệ tình cảm nam nữ, lập gia đình với những thương tổn vẫn không thể lành trong tâm hồn.
Nhắc đến những sự việc đau lòng này, ThS tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Trung tâm đào tạo Ý Tưởng Việt chia sẻ, vòng quay bạo lực trong gia đình rất kinh khủng. Bà từng nghe một sinh viên của mình tâm sự ý định giết cha vì đã hết sức chịu đựng cảnh cha nát rượu đánh đập hai mẹ con. Đứa con đã nghĩ đến viễn cảnh dùng dao như thế nào và chấp nhận mọi hình phạt để bảo vệ, để giải thoát cho mẹ. Cũng may em đã nói ra, đã chia sẻ được để tránh điều khủng khiếp nhất.
Theo bà Hạnh, bạo lực làm chính những đứa con hận cha mẹ. Có nhiều trường hợp, lý do chính là các bà mẹ không dám tự giải thoát, cố chịu đựng vì để duy trì gia đình cho con mà không biết hành động đó đang đẩy con vào bi kịch khác...
Bạo lực gia đình không chỉ là những vết lằn trên da, trên thịt, những vết cứa trong tâm hồn mà còn là những vết sẹo đi theo cả cuộc đời một con người...
*Tên nhận vật trong bài đã được thay đổi.