Cô gái giết cha, đổ bê tông thi thể: Bi kịch của chửi mắng, bạo hành?
(Dân trí) - Cô gái 21 tuổi ở Bà Rịa - Vũng Tàu bị cáo buộc đầu độc cha ruột sẽ phải trả giá hành vi tàn ác của mình. Nhưng có thể lắm, bi kịch xuất phát từ hậu quả của bạo lực gia đình....
Vụ việc cô gái 21 tuổi Tống Thị Tùng Linh (21 tuổi) ở Bà Rịa - Vũng Tàu bị tạm giữ để điều tra về hành vi "Giết người", nạn nhân ông Tống Đồng Đ. là cha ruột của Linh làm nhiều người phải bủn rủn.
Thông tin từ cơ quan điều tra, ngày 18/1 vừa qua, Linh mua chất độc xyanua về pha trong nước, đầu độc cha ruột. Sau đó, Linh mua gạch, xi măng bịt kín thi thể rồi phóng hỏa đốt nhà tạo hiện trường giả.
Con giết cha và vòng quay của bánh xe bạo lực!
Sự việc đang trong quá trình làm rõ nhưng thông tin ban đầu, được biết, cô gái lên kế hoạch giết cha vì thường xuyên bị cha mắng chửi, cha đối xử không tốt với mình và cả mẹ dẫn đến ức chế từ lâu, người bố cũng thường xuyên nhậu nhẹt, say xỉn...
Theo lời khai của Linh, người mẹ đã chuyển đến ở nhà người thân, chỉ còn Linh sống cùng cha. Gần đây, mâu thuẫn giữa hai cha con ngày càng nghiêm trọng, thường xuyên cãi nhau dẫn đến việc cô gái nảy sinh ý định giết cha...
Tội ác của cô gái làm tất cả phải ớn lạnh. Hiển nhiên, cô phải trả giá cho tội lỗi của mình. Nhưng xem xét hành vi phạm tội của cô gái trẻ trong mối quan hệ gia đình, có thể lắm, đó là một vòng quay của bánh xe bạo lực. Cô gái là thủ phạm, nhưng sâu xa, có thể cũng là nạn nhân của bạo lực.
Cha mẹ trong quá trình nuôi dạy con cái có thể đã đẩy con vào sự uất ức, hận thù. Trong bối cảnh đó, cách này hay cách khác, các em sẽ có những biểu hiện, hành vi, lối sống bất ổn. Có đứa trẻ tự hủy hoại bản thân, hủy hoại người khác và cũng không ít trường hợp đứa con trở thành thủ phạm sát hại đấng sinh thành.
Quay ngược lại, trước cô nữ sinh 21 tuổi giết cha gây rúng động này, chúng ta đã biết đến không ít trường hợp con giết cha xuất phát từ hoàn cảnh phạm tội đặc biệt. Gia đình tan nát vì cha sa vào rượu chè, đánh đập vợ con và đứa con trở thành thủ phạm giết cha sau thời gian dài chịu đựng, dồn nén...
Nhiều người chưa quên sự việc Phan Minh Mẫn, khi đó là sinh viên một trường cao đẳng ở TPHCM chích điện để giết cha ruột.
Từ nhỏ, Mẫn đã nhiều lần bị cha đánh đập, bạo hành cũng như chứng kiến thường xuyên cảnh cha uống rượu say rồi chửi mắng, đánh đập mẹ, em gái...
Vụ án là một chương dài ngập nước mắt của thảm kịch gia đình... Nhiều người lên tiếng mong cho Mẫn một cơ hội được sống. Đặc biệt, nhiều người cho biết, họ hiểu được phần nào động cơ của Mẫn vì họ cũng đã và đang trải qua thảm cảnh sống trong bạo lực triền miên, chỉ muốn... cha biến mất khỏi thế gian này.
Hành vi của Mẫn được đánh giá đặc biệt nguy hiểm, không chỉ vi phạm pháp luật và còn vi phạm đạo đức. Nhưng xét về bối cảnh phạm tội có nguyên nhân từ bạo hành gia đình, Mẫn thoát án tử, bị xử tù chung thân.
Hay trường hợp tử tù H.T.N (cũng ở TPHCM), từ bé đã sống trong cảnh cha rượu chè đánh đập và chứng kiến mẹ hàng chục năm thường xuyên bị bố lôi ra đánh... Cậu con trai ít nói, hiền lành, lẫm lũi từ bé ấy sau đó sa vào ma túy, nghiện ngập trước khi dùng kéo đâm chết cha.
Ngày nhận án tử, N. bình thản đón nhận...
Bố mẹ gieo hận thù cho con trẻ
Trong một chương trình về tư vấn tâm lý cho học sinh, sinh viên, một bác sĩ tâm lý ở TPHCM kể, nhiều trường hợp bà tiếp xúc, điều trị, người đứa trẻ hận thù nhất chính là.. cha mẹ . Cha mẹ nhiều người, dường như vô thức, có những hành động rất độc hại với con cái, từ chê bai, so sánh, áp đặt tới chửi mắng, đánh đập... làm đứa trẻ từ chán nản, sợ hãi đến mang uất ức, thù hận.
"Thương cho roi cho vọt", quan niệm khủng khiếp đó, nhiều người lớn, với quyền uy làm cha làm mẹ vẫn cho rằng, cha mẹ chửi mắng, đánh đòn con là chuyện bình thường, vì yêu mới đánh mới phạt... Nhưng không, không có thứ ngôn ngữ giao tiếp nào bằng chửi mắng, đòn roi lại có thể bình thường, nó chỉ gieo tổn thương và cả tội ác lên con trẻ.
TS tâm lý Lê Nguyên Phương, người sáng lập tổ chức Liên hiệp Phát triển tâm lý học đường tại Việt Nam khẳng định trong tọa đàm về bạo lực gia đình mới đây, hậu quả của bạo lực gia đình lên con trẻ như đòn roi, lời nói sỉ nhục, chế giễu từ thể xác tới tinh thần, bỏ rơi con trẻ không chỉ về cơm ăn áo mặc và về cảm xúc... có thể không thấy ngay thời điểm đó mà khi đứa trẻ lớn lên mới bộc lộ rõ.
"Đứa trẻ sống trong bạo lực gia đình, theo ông, bị tác động tiêu cực không khác một cựu chiến binh bị chấn thương qua lửa đạn. Trẻ bị ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe thể chất, đến các rối loạn tâm thần, các hành vi tự bại, tự hại, tự sát, các tệ nạn xã hội... Chúng già trước tuổi cả 7 - 10 năm, không chỉ trong tâm lý mà cả ADN Tỷ lệ trẻ tự tử trong gia đình bạo hành cao gấp 6 lần, phạm vào tội ác nhiều hơn 74%, nghiện ngập nhiều hơn 50%..." - TS Phương phân tích.
Và ông Phương cũng từng cảnh báo: "Cuộc đời đứa trẻ sẽ là minh chứng rõ nét nhất với những hậu quả khủng khiếp của bạo hành".
Không ai có thể bao biện lý do giết người vì bị bạo lực. Nhưng thực tế, sống trong bạo lực, làm sao đứa trẻ có thể "lành lặn" để bước đi trong cuộc đời này?
Từ hành vi tội phạm của con trẻ, người làm bố làm mẹ thật sự phải nghiêm khắc tự hỏi trách nhiệm giáo dục của mình đối với con cái. Liệu mình có đang góp phần biến con mình thành nạn nhân và sau này sẽ là thủ phạm của bạo lực hay không?