1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

"Chăm lo 42,8 triệu người trong bối cảnh dịch bệnh là việc đặc biệt khó"

Thái Anh Quang Phong

(Dân trí) - Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nêu nhận xét đó khi nói về hoạt động hỗ trợ an sinh xã hội trong năm đặc biệt 2021. Công tác an sinh được đánh giá toàn diện tại hội nghị chiều 12/1 của Bộ LĐ-TB&XH.

"Chăm lo 42,8 triệu người trong bối cảnh dịch bệnh là việc đặc biệt khó".

Chăm lo 42,8 triệu người trong bối cảnh dịch bệnh là việc đặc biệt khó - 1

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Mạnh Quân).

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đúc kết, năm 2021, cả nước trải qua một năm khó khăn rất lớn do tác động, ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19. Với nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, quyết tâm của người dân cả nước, kinh tế đã từng bước phục hồi, đời sống người dân đã từng bước ổn định.

Bộ trưởng nêu những con số cho thấy mức độ tác động sâu rộng của đại dịch. Ước tính số người bị mất việc làm trong năm 2021, đặc biệt là từ đợt bùng phát dịch lần thứ 4 chiếm khoảng 5%. Có 32% số người phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh, gần 50% người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên.

Đây là một mức giảm đáng kể, làm suy yếu sức mua của thị trường và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người lao động.

Trong bối cảnh đó, an sinh xã hội cùng với phòng, chống dịch và phát triển kinh tế là ba trụ cột chính để phát triển kinh tế - xã hội.

Chính sách ra đời "thần tốc"

Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH nhận định, thực hiện nhiệm vụ được giao, ngành đã triển khai bài bản, căn cơ các chính sách xã hội, tập trung chăm lo ngày một tốt cho người có công với cách mạng, đối tượng trợ giúp xã hội, đối tượng yếu thế… nhằm đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt trong giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch.

Cụ thể, Bộ đã tham mưu trình Chính phủ ban hành 2 nghị định quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công, đảm bảo chăm lo tốt hơn cho người có công cả về vật chất và tinh thần, Nghị định số 20 mở rộng diện bao phủ và tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội từ ngày 1/7/2021 lên 360 nghìn đồng/tháng.

Ngành cũng kịp thời trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 05 và tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2030, với quyết tâm đổi mới, phát huy nội lực vươn lên "thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no" của người dân và cộng đồng, phấn đấu "Vì một Việt Nam không còn đói nghèo".

Chăm lo 42,8 triệu người trong bối cảnh dịch bệnh là việc đặc biệt khó - 2

Quang cảnh hội nghị (Ảnh: Mạnh Quân).

Cũng trong năm 2021, Chính phủ ban hành nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng có hiệu lực thi hành từ năm 2022 (Nghị định 108), với mức điều chỉnh tăng thêm 7,4% mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng cho người hưởng lương hưu thấp, người về hưu trước năm 1995. Dù ngân sách khó khăn, Nhà nước vẫn dành hơn 12.000 tỷ đồng cho việc tăng lương hưu, trợ cấp xã hội này.

Thành quả thể chế khác ngành Lao động đạt được trong năm là Hiệp định song phương Việt Nam - Hàn Quốc về bảo hiểm xã hội với Chính phủ Hàn Quốc. Đây là hiệp định đầu tiên cấp Chính phủ về bảo hiểm xã hội mà Việt Nam ký kết với một đối tác nước ngoài, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động của hai quốc gia.

Chăm lo trực tiếp cho công tác an sinh xã hội trong một năm khó khăn đặc biệt, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ đã chủ động, quyết liệt và linh hoạt phối hợp với các bộ, ngành tham mưu để các cấp lãnh đạo ban hành nhiều chủ trương, chính sách, trong đó có những chính sách chưa có tiền lệ như Nghị quyết số 68 của Chính phủ, Quyết định số 23 của Thủ tướng và Nghị quyết số 116 của Chính phủ, Quyết định số 28 của Thủ tướng, thực hiện nhiều giải pháp, ban hành nhiều gói hỗ trợ kịp thời hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động vượt qua khó khăn, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch.

Chăm lo 42,8 triệu người trong bối cảnh dịch bệnh là việc đặc biệt khó - 3

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Ngành LĐ-TB&XH quán triệt không hy sinh xã hội để lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. (Ảnh: Mạnh Quân).

Kết quả, chỉ trong thời gian vài tháng, với điều kiện rất khó khăn trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội, việc thực hiện Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116 đã đem lại hiệu quả rất thiết thực, dư luận xã hội, người lao động, chủ sử dụng lao động đồng tình cao. Tính chung, gần 71.500 tỷ đồng kinh phí đã được chi để thực hiện các chính sách hỗ trợ gần 742 nghìn lượt người sử dụng lao động và trên 42,8 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác.

Bộ trưởng nhắc lại nhận xét của Thủ tướng Phạm Minh Chính trước chính phủ: "Bình thường, cả nước lo an sinh cho hơn 1 triệu đối tượng người yếu thế đã không dễ. Nay trong một thời gian ngắn phải chăm lo cho 42,8 triệu người, để người dân không thiếu ăn thiếu mặc  trong bối cảnh dịch bệnh, giãn cách xã hội căng thẳng thì thực sự là một việc đặc biệt khó".

Ngành LĐ-TB&XH, theo đó, đã quán triệt chủ trương, định hướng không hy sinh xã hội để lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Trước Chính phủ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng từng khẳng định, cán bộ ngành đã làm ngày làm đêm để xây dựng chính sách đáp ứng kịp thời yêu cầu của cuộc sống, thực hiện triệt để chủ trương, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về ý nghĩa của công tác an sinh xã hội.

Theo Bộ trưởng, Nghị quyết 116 về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã ra đời một cách "thần tốc". Chính sách thể hiện sự chia sẻ của nhà nước với người khó khan, chống đứt gãy thị trường lao động, nỗ lực thích ứng với trạng thái bình thường mời, phát huy ý nghĩa bảo hiểm thất nghiệp là chỗ dựa, điểm nâng đỡ với người lao động.  

"Đến nay, cả 2 Nghị quyết 68 và 116 đều đã thực hiện đạt và vượt kết hoạch đề ra. Nghị quyết 68 ban đầu xác định giá trị 26.000 tỷ, thực tế đã thực hiện với mức 33.000 tỷ. Nghị quyết 116  trị giá 38.000 tủ đồng, đến nay đã hoàn thành 100% mục tiêu. Các chính sách đã triển khai với nguồn lực tuy chưa thật lớn, song đã đáp ứng kịp thời các yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ an sinh xã hội, hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt là các trung tâm, các địa bàn tăng trưởng trọng điểm vượt qua giai đoạn khó khăn" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá.

"Sức bật" mới của thị trường lao động

Nhiệm vụ khác, toàn ngành đã dồn lực tập trung tham mưu, cảnh báo và đề xuất thực hiện các biện pháp kịp thời nhằm khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động cục bộ, ổn định thị trường lao động, sớm phục hồi thị trường.

Lãnh đạo Bộ khẳng định, sự nỗ lực vượt bậc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành LĐ-TB&XH, ngành bảo hiểm xã hội, ngân hàng chính sách xã hội và các cơ quan liên quan, nhất là sự vào cuộc của các địa phương đã góp phần làm cho bức tranh kinh tế - xã hội 11 tháng đầu năm đang khởi sắc trở lại, thị trường lao động phục hồi nhanh chóng và bắt đầu tạo được "sức bật" mới cho thời gian tiếp theo.

7 nhiệm vụ trọng tâm năm 2022

Một trong những nhiệm vụ trong năm 2022, ngành LĐ-TB&XH đặt ra nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và gắn với thực thi nghiêm pháp luật. Về vấn đề lao động, việc làm, ngành LĐ-TB&XH đặt mục tiêu phục hồi, củng cố và vận hành thị trường lao động phù hợp với tiến trình phục hồi nền kinh tế; Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề thích ứng với điều kiện sản xuất mới; Thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, tiền lương, quan hệ lao động và an toàn, vệ sinh lao động. 

Thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, cũng là một trong những nhiệm vụ mà ngành đặt ra cho năm 2022. Trong đó, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tăng cường công tác chăm sóc người có công với cách mạng, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng nhằm bảo đảm mọi người có công đều được xác nhận, công nhận, tôn vinh và thụ hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách của Nhà nước. 

Về các lĩnh vực xã hội, ngành LĐ-TB&XH đặt ra nhiệm vụ thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo và triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; Thực hiện hiệu quả các chính sách trợ giúp thường xuyên và đột xuất đối với các đối tượng yếu thế; Xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để trẻ em được phát triển toàn diện. 

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tăng cường thanh tra, kiểm tra; cải cách hành chính, ứng dụng công nghề thông tin; tăng cường hợp tác quốc tế; Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của ngàng cũng là những vấn được ngành LĐ-TB&XH đặt ra trong năm 2022.