1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Mục tiêu thực hiện hiệu quả chính sách tiền lương trong năm 2022

Quang Phong

(Dân trí) - Một trong những nhiệm vụ lớn với cả nước năm 2022 là thực hiện hiệu quả kế hoạch về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động.

Đây là một nội dung được tập trung thể hiện trong báo cáo về việc triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Bộ LĐ-TB&XH. Bộ có nhiệm vụ phối hợp cùng các Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính thực hiện chủ trương cải cách tiền lương.

Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH nêu đánh giá, 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng và là năm bản lề thực hiện các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Mục tiêu được ngành LĐ-TB&XH đặt ra cho năm 2022 là phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, liên thông, kết nối chặt chẽ cung - cầu, tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ngành LĐ-TB&XH định hướng cho năm 2022 là phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, đa dạng và nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản của các nhóm đối tượng, nhất là đối tượng yếu thế; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội đã ban hành, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Hỗ trợ người dân vượt khó khăn

Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành LĐ-TB&XH tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và gắn với thực thi nghiêm pháp luật; Phục hồi, củng cố và vận hành thị trường lao động phù hợp với tiến trình phục hồi nền kinh tế; Thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng…

Cụ thể, ngành LĐ-TB&XH sẽ tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ trong Chương trình phòng, chống dịch Covid-19, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm, xây dựng thị trường lao động ổn định và phát triển, góp phần hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; phục hồi và phát triển kinh tế.

Mục tiêu thực hiện hiệu quả chính sách tiền lương trong năm 2022 - 1

Người dân TP Đà Nẵng gặp khó khăn do dịch Covid-19 nhận tiền hỗ trợ.

Tiếp tục chủ động, tích cực triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Xây dựng phương án và chuẩn bị các nguồn lực dự phòng hỗ trợ để bảo vệ cuộc sống của người lao động trong trường hợp xảy ra rủi ro, tránh để họ khủng hoảng tâm lý, không đủ điều kiện sống trong thời gian dịch bệnh, tạo ra các làn sóng di chuyển tự phát trở về như vừa qua, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ người dân, người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Tổ chức chăm lo, trợ giúp các đối tượng chính sách (người có công với cách mạng, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng yếu thế khác) được đón Tết Nguyên đán năm 2022 đầy đủ, với tinh thần không để người dân nào không có Tết, không để ai bị bỏ lại phía sau, hỗ trợ người dân vượt lên những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Về lao động, việc làm, trong năm 2022 sẽ tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030, Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động nhằm ổn định và phát triển thị trường lao động, hỗ trợ giải quyết việc làm, thu hút lao động quay trở lại làm việc; cơ cấu lại lực lượng lao động phù hợp với kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế.

Ngành LĐ-TB&XH cũng đặt mục tiêu cho năm 2022 sẽ triển khai đồng bộ các chính sách, hoạt động hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đặc biệt là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động sinh sống tại vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lao động đã hết hợp đồng về nước.

Tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, các ngành nghề trọng điểm. Triển khai thành lập trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao và trung tâm đào tạo và thực hành vùng để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế. Tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp. 

Giảm đối tượng hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Trong năm 2022, ngành LĐ-TB&XH tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ và của Bộ thực hiện các Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; Nghị quyết 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tăng cường công tác giám sát về tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Mở rộng bao phủ và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện. Phấn đấu giảm số đối tượng hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần, giảm tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội.

Triển khai hoạt động của Hội đồng Tiền lương quốc gia, Ủy ban Quan hệ lao động. Tiếp tục hoàn thiện các quy định về tiền lương nhằm khuyến khích, thu hút người lao động quay trở lại làm việc; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong bối cảnh mới, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. 

Làm tốt công tác quản lý, cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có sử dụng lao động thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý lao động cho các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, chủ đầu tư, nhà thầu và người lao động.

Thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng

Một trong những nhiệm vụ giải pháp ngành LĐ-TB&XH đặt ra là tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tăng cường công tác chăm sóc người có công với cách mạng, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng nhằm bảo đảm mọi người có công đều được xác nhận, công nhận, tôn vinh và thụ hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách của Nhà nước.

Thực hiện đầy đủ, hiệu quả, công khai, minh bạch các chính sách và chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng. Thực hiện chi trả trợ cấp người có công thông qua tổ chức dịch vụ bưu chính công ích. Triển khai quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau khi được phê duyệt).

Tiếp tục thực hiện Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; xác nhận, công nhận người có công với cách mạng và tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Tổ chức các hoạt động tri ân, thăm hỏi, tặng quà người có công với cách mạng và thân nhân nhân dịp Tết Nguyên đán và Lễ kỷ niệm 75 năm ngày thương binh, liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022); làm tốt các các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn"…