1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Cay đắng cô gái bị khách ép rượu, sàm sỡ, phải bỏ trốn nơi xứ người

Trí Thành

(Dân trí) - Bị quấy rối tình dục khi đi làm việc ở nước ngoài, cô gái lên tiếng nhưng không được chủ bảo vệ còn ép phải tiếp khách. Cay đắng cùng cực, cô phải bỏ trốn, mất hết tiền lương.

Tủi nhục vì bị sàm sỡ

Phạm Thanh Tâm (quê ở Hà Tĩnh) được một người môi giới qua nước ngoài làm việc. Cô kể, lúc đi người môi giới nói xin việc cho làm phục vụ quán cơm nhưng khi đến nơi thì chỗ làm lại là quán rượu.

Những ngày đầu đi làm chỉ là bưng bê bia rượu và các món nhậu. Thấy Tâm cao ráo, ưa nhìn nên làm đến tháng thứ 2, bà chủ bảo Tâm lên ngồi bàn tiếp rượu với khách. Ban đầu các ông khách chỉ bảo Tâm rót rượu. Nhưng ngồi được hồi, họ ép cô phải uống và còn có những hành động sờ chân tay, ôm ấp, sờ soạng...

Cay đắng cô gái bị khách ép rượu, sàm sỡ, phải bỏ trốn nơi xứ người - 1

Tâm bị khách sàm sỡ khi sang nước ngoài làm phục vụ tại quán rượu. (Ảnh minh họa)

Cô không đồng ý và đứng dậy ra khỏi bàn. Mấy ông khách gây khó dễ với Tâm, gọi bà chủ lên nói nhân viên này không biết làm việc và đề nghị chủ quán đuổi việc Tâm. Sau đó bà chủ gọi Tâm ra ngoài hỏi tại sao khách họ lại nói vậy.

Cô kể lại tưởng bà chủ sẽ hiểu. Ai ngờ, bà chủ này nói đã trả một khoản tiền môi giới rồi thì bắt buộc cô phải quay lại bàn tiếp rượu, cho dù khách có yêu cầu gì cũng phải chấp thuận. Nếu không chịu, lương mấy tháng qua bà ấy sẽ không trả.

Cay đắng cô gái bị khách ép rượu, sàm sỡ, phải bỏ trốn nơi xứ người - 2

Tâm chấp nhận mất tiền lương, bỏ trốn khỏi quán rượu vì không muốn bị ép phục vụ khách theo ý bà chủ. (Ảnh minh họa)

Trong lòng không muốn thỏa hiệp nên nửa đêm cô đã trốn đi, đành chấp nhận mấy tháng qua làm việc không lương. Sau đó, Tâm đã chọn một môi trường mới phù hợp với sức lao động để có một tương lai tốt đẹp hơn.

Phụ nữ di cư bị quấy rối tình dục như Tâm không ít. Chị Nguyễn Thị Thu (quê Hà Tĩnh) vẫn còn sợ hãi mỗi khi kể lại ký ức bị ông chủ quấy rối tình dục rồi báo công an bỏ tù khi sang Thái Lan làm việc. Vì cuộc sống khó khăn, chồng chị đi Đài Loan làm việc 3 năm trở về lương thấp nên cuộc sống gia đình rơi vào bế tắc. Vợ chồng chị đành gửi lại quê nhà 4 đứa con thơ cho mẹ già chăm sóc để sang Thái Lan làm ăn.

Vợ chồng chị Thu được nhận vào làm ở một gia đình làm công việc là trồng hoa, cấy chiết cành thành những chậu nhỏ rồi mang ra chợ bán. Cứ tưởng công việc thuận lợi mà 2 vợ chồng lại ở gần nhau, ngày qua ngày cứ thế rồi đến tháng lại được nhận lương về cho con thơ và mẹ già ở quê nhà nên vợ chồng chị yên tâm.

Thế nhưng ở đời mọi việc khó lường, chị đã lọt vào tầm ngắm của ông chủ. Theo chị Thu, ông chủ này thường đi làm xa lâu lâu mới về, và mỗi lần về thường cho thêm vợ chồng chị ít tiền. Chị cứ tưởng đó là do vợ chồng chị thật thà siêng năng nên ông chủ thương và cho thêm, mà không hay biết mình đã bị ông chủ để ý từ lâu.

Cay đắng cô gái bị khách ép rượu, sàm sỡ, phải bỏ trốn nơi xứ người - 3

Chị Thu bị ông chủ người Đài Loan quấy rối tình dục rồi gọi điện báo công an bắt 2 vợ chồng đi tù. (Ảnh minh họa)

Một hôm vào ngày chủ nhật, ông chủ về nhà bảo chồng chị Thu ra chợ bán hoa một mình và chị ở nhà giúp ông một số việc. Và điều không may đã xảy ra với chị khi bị ông chủ bất ngờ sàm sỡ. Bị sàm sỡ 2 lần nhưng chị Thu đành ngậm đắng nuốt cay để yên ổn làm ăn kiếm tiền gửi về quê nhà.

Trong một lần chồng chị đi bán hoa về thấy cảnh ông chủ sàm sỡ vợ mình nên vô cùng căm giận. Mặc dù vậy, vợ chồng vẫn nhịn nhục ở lại làm việc kiếm kế sinh nhai. Nhưng lòng người khó đoán trước, một ngày vợ chồng chị Thu đang dọn dẹp đống gạch nát ở vườn thì thấy ba người vào.

Chị cứ tưởng là khách của chủ nhà, nhưng ngay lúc đó vợ chồng chị bị bắt về đồn công an. Chị gọi điện cho ông chủ nhờ chuộc ra nhưng ông chủ không đồng ý. Sau này chị mới biết ông chủ đã báo công an bắt vợ chồng. Hai vợ chồng chị bị bỏ tù 3 tháng.

"Nếu không vì hoàn cảnh bắt buộc thì không ai muốn đi cả!"

Chuyện của Tâm và chị Thu nằm trong số hơn 70 câu chuyện được chia sẻ trong cuốn sách "Hành trình di cư lao động nước ngoài của phụ nữ Việt: Những câu chuyện bây giờ mới kể" vừa ra mắt tại Hà Nội. Cuốn sách này là tập hợp những câu chuyện về cuộc sống của phụ nữ Việt Nam khi đi lao động xa xứ, do chính các thành viên của mạng lưới phụ nữ Hà Tĩnh di cư lao động ở nước ngoài kể lại.

Hàng trăm câu chuyện do chị em chia sẻ được chắt lọc, sắp xếp lại theo từng nhóm chủ đề nổi bật như: Hành trình xa xứ; bất đồng ngôn ngữ khi ở nước bạn, điều kiện làm việc, bạo lực giới, mang thai và chăm sóc sức khỏe ở nước bạn, chuyện chạm trán với cảnh sát và những ngày ở trong trại giam, những khó khăn do dịch Covid-19, ngày trở về và xây dựng lại cuộc sống ở quê nhà.

Cay đắng cô gái bị khách ép rượu, sàm sỡ, phải bỏ trốn nơi xứ người - 4

Cuốn sách là tập hợp những câu chuyện đa màu về cuộc sống của phụ nữ Việt Nam khi đi lao động xa xứ.

Cuốn sách là kết quả của dự án "Thúc đẩy bình đẳng giới và di cư lao động an toàn cho phụ nữ" do Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) thực hiện với sự tài trợ của Quỹ Canada dành cho các sáng kiến địa phương (CFLI), do Đại sứ quán Canada tại Việt Nam quản lý.

Dự án được triển khai từ tháng 9/2021 đến tháng 2 vừa qua tại huyện Can Lộc, thị xã Hồng Lĩnh và huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, nhằm mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới và an toàn khi di cư lao động ở nước ngoài cho phụ nữ.

Theo Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng ISDS, có rất nhiều phụ nữ Việt Nam đi lao động nước ngoài theo đường phi chính thức và hầu hết không biết tiếng bản địa nên chịu rất nhiều thiệt thòi khi bị bóc lột sức lao động, quấy rối tình dục...

Cay đắng cô gái bị khách ép rượu, sàm sỡ, phải bỏ trốn nơi xứ người - 5

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng ISDS, giảng viên chính của buổi tập huấn cho 21 phụ nữ di cư lao động đến từ huyện Can Lộc, Hà Tĩnh hồi đầu tháng 1 vừa qua.

Số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, đến năm 2018, có khoảng 540.000 người Việt Nam đang làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài, hơn 30% trong số đó là phụ nữ. Con số này không bao gồm những người di cư lao động phi chính thức.

Theo Ngân hàng Thế Giới, trong 5 năm qua, Việt Nam luôn thuộc 10 nước trên thế giới nhận được lượng kiều hối cao nhất. Đỉnh điểm là 17,2 tỷ đô la Mỹ vào năm 2019. Một phần đáng kể trong số tiền đó là đóng góp của người lao động di cư.

Trong quá trình di cư lao động ở nước ngoài, không ít người phải đối mặt với các rủi ro và nguy cơ bị bóc lột, bạo lực, thậm chí có thể là nạn nhân của những đường dây mua bán người. Những người di cư lao động không chính thức khi chưa có thỏa thuận hợp tác lao động giữa Việt Nam và quốc gia nơi đến, nhất là phụ nữ, vị thành niên là các nhóm đặc biệt dễ bị tổn thương.

Nhiều người trong số họ do thiếu hiểu biết và mong muốn thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn đã rơi vào bẫy của những kẻ môi giới lao động dẫn đến vay nợ để ra đi. Khi sang đến nước ngoài, họ trở thành người lao động bất hợp pháp và buộc phải chấp nhận những điều kiện làm việc tồi tệ khác xa thỏa thuận ban đầu.

Cay đắng cô gái bị khách ép rượu, sàm sỡ, phải bỏ trốn nơi xứ người - 6

Chị em di cư lao động ở huyện Can Lộc, Hà Tĩnh trong buổi tập huấn do Viện ISDS tổ chức.

Do thiếu thông tin, hạn chế về ngôn ngữ, họ không thể tìm kiếm sự bảo vệ của pháp luật và sự hỗ trợ của các tổ chức bảo vệ người lao động ở nước sở tại. Bất chấp những khó khăn và các rủi ro hàng ngày, những người lao động Việt Nam vẫn tích cực làm việc, chắt chiu, tiết kiệm để gửi tiền về cho gia đình.

Những đóng góp của họ cho gia đình và quê hương đã được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí là tính mạng. Đặc biệt là khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều người lao động sống trong tình trạng bấp bênh, căng thẳng triền miên do bị mất việc làm, mất thu nhập, không thể trang trải tiền nhà, sinh hoạt phí, khám chữa bệnh. Họ cũng không thể tiếp tục chu cấp cho gia đình, con cái, chi trả các khoản nợ và không thể về nước.

Nhiều người đã phải sống trong những điều kiện tồi tệ của trại giam người lao động cư trú bất hợp pháp khi không thể gia hạn giấy tờ, hộ chiếu. Thậm chí có những phụ nữ mang thai, phải sinh nở ngay trong trại giam khi không có tiền mua vé máy bay, hoặc không thể đi máy bay về nước.

Dù đi nước nào, đi làm nghề gì, đi theo hình thức nào, đi với ai thì tất cả đều nung nấu cùng một mục đích ra đi để thoát nghèo, kiếm tiền trả nợ và giúp đỡ gia đình. Nhiều chị em ra đi với suy nghĩ hi sinh đời mình để cho đời con được đủ đầy, hạnh phúc hơn. Những người khác thì muốn giúp đỡ bố mẹ xây nhà, chữa bệnh như một cách báo hiếu hay để cho các em ăn học.

Cay đắng cô gái bị khách ép rượu, sàm sỡ, phải bỏ trốn nơi xứ người - 7

Chị em đến từ huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh thảo luận trong chương trình tập huấn về bình đẳng giới và di cư lao động an toàn do Viện ISDS tổ chức.

Trong cuốn sách này, tất cả các chị em đều nói đến nỗi nhớ nhà đến quặn thắt, nhất là các chị phải xa con nhỏ. Hầu như các chị đều có chung một tâm sự: "Nếu không vì hoàn cảnh bắt buộc thì không ai muốn đi cả!".

Các câu chuyện trong cuốn sách giúp cộng đồng và các nhà làm chính sách hiểu rõ thêm về những khó khăn, thách thức và rủi ro mà nhiều phụ nữ Việt Nam đi lao động ở nước ngoài gặp phải. Đồng thời ghi nhận giá trị của những hi sinh, đóng góp của họ cho gia đình và quê hương. Điều này sẽ thúc đẩy các nỗ lực để hành trình di cư lao động ở nước ngoài của phụ nữ nói riêng và người lao động nói chung trở nên thực sự an toàn và bình đẳng.