Cần thúc đẩy chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vay trả lương ngừng việc

Nguyễn Quang Xuân Hinh

(Dân trí) - "Tỉnh Trà Vinh nên sớm có đối thoại để giúp doanh nghiệp tiếp cận chính sách vay trả lương cho người lao động và phục hồi sản xuất kinh doanh", Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi kiến nghị.

Cần thúc đẩy chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vay trả lương ngừng việc - 1

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi - Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ tại các tỉnh thành phía Nam cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với tỉnh Trà Vinh.

Thực hiện sự phân công của Bộ LĐ-TB&XH, kế hoạch công tác của Tổ công tác đặc biệt của Chính Phủ, chiều 8/9, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi - Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ tại các tỉnh thành phía Nam, cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với tỉnh Trà Vinh để kiểm tra công tác phòng, chống dịch và đôn đốc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23.

Cần thúc đẩy chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vay trả lương ngừng việc    - 2

Thứ trưởng ân cần thăm hỏi và tặng quà cụ ông neo đơn bị cụt một tay, nhà ở huyện Châu Thành tỉnh Trà Vinh. 

Trước buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Hồi và đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH đã tiến hành khảo sát về việc đảm bảo an sinh xã hội, thăm hỏi tình hình đời sống bà con người dân tộc Khmer tại một số hộ dân có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Châu Thành.

Chia sẻ với những khó khăn, vất vả với người dân trong thời gian địa phương áp dụng giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid - 19, Thứ trưởng Hồi đánh giá cao sự tin tưởng, đồng lòng, ủng hộ của người dân đối với các biện pháp phòng chống dịch của Chính phủ và địa phương trong thời gian qua.

Cần thúc đẩy chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vay trả lương ngừng việc - 3

Thứ trưởng lắng nghe tâm sự của một số người dân về việc đảm bảo an sinh trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. 

"Tôi mong bà con tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, truyền thống tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn để cùng hệ thống chính trị các cấp sớm chiến thắng dịch bệnh", Thứ trưởng Hồi chia sẻ.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quỳnh Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: "Số ca F0 trên địa bàn đã giảm rõ rệt. Toàn tỉnh chỉ còn 6 xã "vùng đỏ". Tỉnh đang lên kế hoạch nới lỏng giãn cách với "vùng xanh", hướng tới trạng thái bình thường mới để người dân, doanh nghiệp quay lại sản xuất".

Cần thúc đẩy chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vay trả lương ngừng việc - 4

Ông Nguyễn Quỳnh Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết tỉnh sẽ chi khoảng 90 tỷ đồng hỗ trợ người dân bị tạm ngưng hoạt động ở lĩnh vực thủy, hải sản...

Tỉnh cũng đã cơ bản hoàn thiện việc hỗ trợ người dân khó khăn theo tinh thần Nghị quyết 68, Quyết định 23. Tuy vậy, để đảm bảo đời sống an sinh cho người dân, UBND tỉnh đã giao Sở LĐ-TB&XH sớm có phương án hỗ trợ 50.000 hộ kinh doanh bị tạm ngưng hoạt động ở các nhóm sản xuất nông nghiệp thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ, thương mại dịch vụ sản xuất.

"Tỉnh sẽ chi kinh phí khoảng 90 tỷ đồng để hỗ trợ những nhóm lao động trên. Việc này phải làm sớm, làm trước khi nới lỏng giãn cách để tiền hỗ trợ kịp thời đến tay ngay lúc người dân khó khăn", ông Thiện thông tin.

Cần thúc đẩy chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vay trả lương ngừng việc - 5

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi đánh giá cao công tác phòng, chống dịch và đảm bảo an sinh tại Trà Vinh. 

Sau khi trực tiếp đi kiểm tra đời sống một số hộ dân ở TP Trà Vinh và nghe báo cáo từ các Sở, ngành, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi đánh giá cao tỉnh Trà Vinh trong công tác phòng, chống dịch, đảm bảo an sinh.

"Tỉnh Trà Vinh đã cơ bản duy trì, kiểm soát được dịch thời gian gần đây. Tuy vậy, công tác chỉ đạo, lãnh đạo không được lơ là, chủ quan. Phải lấy nhiệm vụ phòng chống dịch là ưu tiên số một, phấn đấu sớm trở thành một tỉnh "sạch" Covid-19, đưa người dân trở lại trạng thái bình thường mới", Thứ trưởng kiến nghị.

Cần thúc đẩy chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vay trả lương ngừng việc - 6

Trà Vinh cần sớm giải quyết hỗ trợ dứt điểm những lao động tự do trước ngày 15/9. 

Thứ trưởng nhận định UBND tỉnh Trà Vinh đã chủ động, kịp thời triển khai hỗ trợ người dân theo tinh thần Nghị quyết 68, Quyết định 23. Công tác chăm lo cho các hộ nghèo, người hưởng Bảo trợ xã hội cũng được triển khai tốt.

"Tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn với số tiền 150 tỷ đồng. Chính sách giảm đóng bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp triển khai nhanh. Tuy vậy, cần giải quyết sớm hỗ trợ dứt điểm những lao động tự do trước ngày 15/9", Thứ trưởng đánh giá.

Cần thúc đẩy chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vay trả lương ngừng việc - 7

Thứ trưởng kiến nghị Trà Vinh cần thúc đẩy chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vay trả lương ngừng việc. 

Theo Thứ trưởng, thời gian tới, Trà Vinh cần tập trung triển khai chính sách cho doanh nghiệp vay để trả lương, tạm ngưng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Tỉnh cần phải đối thoại với các doanh nghiệp giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận chính sách và tạo điều kiện để doanh nghiệp khôi phục sản xuất.

"Nên sớm giải quyết hỗ trợ cho 10.000 lao động từ TPHCM và các tỉnh trở về quê tránh dịch. Đồng thời, cần triển khai nhanh việc hỗ trợ 53.000 lao động ngưng việc ở các doanh nghiệp thủy, hải sản không có hợp đồng lao động. Tập trung hỗ trợ gạo trước để họ đảm bảo an sinh", Thứ trưởng đề nghị.

Cần thúc đẩy chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vay trả lương ngừng việc - 8

Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ bằng phương thức không trả tiền mặt. 

Thứ trưởng cũng cho rằng, Trà Vinh cần đẩy mạnh hỗ trợ bằng phương thức không trả tiền mặt để người dân tiếp cận các chính sách nhanh, minh bạch, thuận lợi. Những kiến nghị của UBND tỉnh, Tổ công tác sẽ tổng hợp, báo cáo Bộ LĐ-TB&XH cùng các cơ quan xem xét, giải quyết.

Theo ông Nguyễn Văn Út - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Trà Vinh, đến nay, tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ 105.000 người, số tiền gần 161 tỷ đồng theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ.

Cần thúc đẩy chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vay trả lương ngừng việc - 9

Ông Nguyễn Văn Út - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Trà Vinh.

Trong đó, hơn 85.000 lao động tự do, hơn 8.000 người bán lẻ vé số, hơn 2.200 người thực hiện cách ly y tế, trẻ em; 772 lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương; 1.225 hộ kinh doanh tạm ngưng hoạt động; 7.252 lao động bị ngừng việc.

Các địa phương đã thực hiện chi hỗ trợ gần 100.000 người, số tiền trên 149 tỷ đồng, đạt 92,8% so với tổng kinh phí được phê duyệt.