Bình Định:
Ký ức bi tráng ở đồi Xuân Sơn
(Dân trí) - Những trang sử hào hùng dân tộc được viết bởi xương máu của không biết bao nhiêu anh hùng, liệt sĩ, các anh đã nằm xuống để bảo vệ từng tấc đất quê hương.
Những chiến công chói lọi
"Cái nôi" của Sư đoàn 3 Sao Vàng (thành lập ngày 2/9/1965) nằm ở khu rừng tục danh Bà Bơi, xã Ân Nghĩa (nay là xã Bok Tới, huyện Hoài Ân). Hình ảnh "Sao Vàng" nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ hãy dũng cảm chiến đấu dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc, vì độc lập tự do của dân tộc.
Ngay sau khi thành lập, Sư đoàn 3 Sao Vàng bước vào nhiệm vụ chiến đấu. Trận đụng độ lịch sử đầu tiên với đối thủ mạnh nhất là Sư đoàn không vận số 1 của quân đội Mỹ tại thung lũng Thuận Ninh (xã Bình Tân, huyện Tây Sơn) vào ngày 18/9/1965. Sư đoàn đã bắn rơi và phá hủy 51 máy bay, giáng một đòn cảnh cáo nghiêm khắc với quân xâm lược vừa đặt chân đến chiến trường Khu 5.
Tiếp đến, đêm 26/12/1966, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy và Ban Chỉ huy Sư đoàn 3 Sao Vàng, Trung đoàn 22 đã tập kích căn cứ pháo binh thuộc Sư đoàn không vận số 1 Mỹ đóng tại đồi Xuân Sơn, xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân, ta đã phá hủy 11 khẩu pháo, bắn rơi 5 máy bay trực thăng, thu 34 súng các loại.
Thiếu tá - Cựu chiến binh Đặng Hà Thụy (79 tuổi, nguyên cán bộ Đoàn 5501, hiện ở phường Hoài Thanh Tây, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) chia sẻ: "Đây là chiến thắng có ý nghĩa rất lớn, lần đầu tiên bộ đội ta đánh và tiêu diệt trận địa pháo của địch trên địa bàn nhưng chúng ta cũng phải trả giá rất đắt. Địch phản kích dữ dội, đặc biệt quân địch sử dụng loại vũ khí lần đầu thử nghiệm ở chiến trường, hỏa lực mạnh khiến rất nhiều chiến sỹ Trung đoàn 22 thương vong. Bối cảnh lúc đó, không cho phép để ta di chuyển anh em đã hy sinh đến cứ điểm an toàn".
Cũng theo cựu binh Đặng Hà Thụy, từ thời điểm đó, chiến tranh ngày càng khốc liệt, hầu hết người dân tại xã Ân Hữu, Ân Nghĩa và các nơi lân cận bị dồn về trong vùng địch. Trong khi đó, lực lượng Sư đoàn 3 tiếp tục làm nhiệm vụ chiến đấu trên các mặt trận trong khu vực miền Nam Trung Bộ và các địa phương khác.
Các anh trở về sau 56 năm nằm trong lòng đất lạnh
Trong tiềm thức của những người con quê hương Hoài Ân, hình ảnh chiến sỹ Sư đoàn 3 Sao Vàng như một biểu tượng của sự anh dũng chiến đấu và hy sinh vì cuộc sống bình yên của quê hương. Đồng thời cũng là sự đau đáu khôn nguôi của những người trong cuộc chiến.
Với các cựu chiến binh, mong mỏi tìm thấy hài cốt đồng đội còn nằm lại đâu đó trên các ngọn đồi, bờ suối sau nửa thế kỷ chiến tranh qua đi, vẫn đau đáu. Còn những người bên kia chiến tuyến, cuộc chiến là nỗi ám ảnh, day dứt kéo dài có lẽ là cả phần đời còn lại.
Dù hàng chục năm qua, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cùng các địa phương đã không ngừng tìm kiếm nhưng nhiều hài cốt liệt sỹ vẫn không được tìm thấy. Từ những thông tin ít ỏi, cựu chiến binh Đặng Hà Thụy đã kết nối với các cựu binh Mỹ qua các trang mạng xã hội. Thông tin về khu mộ tập thể của các chiến sĩ Sư đoàn 3 Sao Vàng ngày ấy đã dần dần được hé lộ.
Từ ngày 11/3 đến 15/4 vừa qua, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định đã tiếp tục tìm kiếm, khai quật trên diện tích rộng hơn 1.200m2, phát hiện và cất bốc rất nhiều sinh phẩm như răng, xương, cùng với nhiều di vật như võng dù, bọc ni lông, tấm tăng che võng, dây thắt lưng, dép cao su, túi cơm, túi đựng gạo, bật quẹt, viết, ví, dây buộc, lọ thuốc, lược...
Qua nhân chứng, qua các mẫu xương, răng và nhận dạng rất nhiều di vật được tìm thấy, cơ quan chức năng đã xác định đây chính là hài cốt của các liệt sĩ hy sinh trong trận tập kích cứ điểm đồi Xuân Sơn.
Tuy nhiên, do nhiều yếu tố lịch sử chiến tranh, đến nay, các lực lượng mới chỉ xác định được danh tính 60 liệt sĩ tại đồi Xuân Sơn, hy sinh vào cuối tháng 12/1966. Trong đó, có 51 liệt sĩ là cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 22 Sư đoàn 3 Sao Vàng và quân, dân, chính đảng địa phương.
Ngày 17/4 vừa qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Bình Định long trọng tổ chức lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ hy sinh năm 1966 tại đồi Xuân Sơn, xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân, đưa các liệt sĩ về nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân.
Vừa qua, có mặt tại buổi lễ truy điệu chồng cùng các đồng đội của ông hy sinh tại đồi Xuân Sơn, cụ Võ Thị Tịnh (83 tuổi, ở xã Thiệu Tân, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) - vợ liệt sĩ Đỗ Ngọc Đương xúc động: "Cứ như giấc mơ vậy, suốt 56 năm qua tôi không biết tin tức về chồng. Biết tin tìm thấy mộ tập thể, tôi băng băng vào Bình Định thăm chồng nhưng ứa nước mắt vì cũng không biết cụ thể hài cốt nào là chồng tôi".
Cố gắng tìm hết các anh!
Bà Đỗ Thị Diệu Hạnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Hòa Ân bày tỏ: "56 năm qua, di cốt của các anh vẫn nằm trong lòng đất mẹ. Sự "trở về" hôm nay của các anh trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Hòa Ân là điều vô cùng thiêng liêng. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hoài Ân vô cùng biết ơn và xúc động nhưng vẫn còn nhiều day dứt khi không thể xác định từng danh tính, chưa thể tìm ra hết những người lính đã nằm xuống trên Đồi Xuân Sơn nói riêng và các chiến trường nói chung".
Bà Diệu Hạnh bày tỏ: "Chúng tôi, thế hệ sinh ra, lớn lên trên mảnh đất này luôn tâm niệm rằng phải bằng tất cả những gì có thể, cố gắng hết sức để tiếp tục tìm ra những hài cốt các anh để xoa dịu những đau thương, mất mát của những người thân; đồng thời để tỏ lòng thành kính, tri ân và giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau".
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng chia sẻ: "Các liệt sĩ của chúng ta nằm ở đây đã 56 năm, không ai biết, không người hương khói, không có một nén nhang để thắp cho các anh. Giờ đã bước đầu phát hiện được một số hài cốt liệt sĩ rồi thì phải làm sao cố gắng tìm được hết các anh, đưa về nơi an nghỉ cuối cùng trang trọng, thiêng liêng; tạo điều kiện cho cán bộ, nhân dân và các thế hệ trẻ đến dâng hương tưởng nhớ, tri ân các liệt sĩ".
Ông Hồ Quốc Dũng cho biết thêm, những liệt sĩ còn lại chưa được tìm thấy, tỉnh giao Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tiếp tục tìm kiếm, kết nối với các cựu chiến binh Mỹ để xác định nhanh các điểm còn lại, cố gắng quy tập trong thời gian sớm nhất.