1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Cách tính tiền trợ cấp tuất khi người lao động đang đóng BHXH mà qua đời

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Khi người lao động đang còn làm việc, có tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) mà chẳng may qua đời, thân nhân của họ sẽ được nhận tiền trợ cấp tuất hằng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần.

Mẹ chị Thu qua đời vào giữa tháng 6 khi đang tham gia BHXH bắt buộc tại công ty. Đến cuối tháng 6, cơ quan BHXH thanh toán tiền trợ cấp một lần cho gia đình chị Thu nhưng không có thông báo cách tính chi tiết số tiền này.

Do chị Thu không hiểu cách tính tiền trợ cấp tuất một lần cho người lao động qua đời khi đang tham gia BHXH nên không biết khoản trợ cấp trên có đủ hay không.

Cách tính tiền trợ cấp tuất khi người lao động đang đóng BHXH mà qua đời - 1

Khi người lao động đang tham gia BHXH mà chẳng may qua đời, thân nhân của họ sẽ được nhận tiền trợ cấp tuất (Ảnh minh họa: Hải Long).

Theo BHXH Việt Nam, mức hưởng trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người lao động đang tham gia BHXH bắt buộc khi chết được tính theo quy định tại Khoản 1 Điều 70 của Luật BHXH và dựa trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Cụ thể, cứ mỗi năm người lao động tham gia đóng BHXH được tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng BHXH trước năm 2014; bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho các năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi. Mức trợ cấp thấp nhất bằng 3 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Điều 27 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội quy định chi tiết hơn: "Khi tính trợ cấp tuất một lần đối với người đang đóng BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH chết mà thời gian đóng BHXH có tháng lẻ thì từ 1 tháng đến 6 tháng được tính là nửa năm, từ 7 tháng đến 11 tháng được tính là một năm".

Cũng theo Điều 27 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, trường hợp tính đến trước ngày 1/1/2014, nếu thời gian đóng BHXH có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn từ ngày 1/1/2014 trở đi để làm căn cứ tính trợ cấp tuất một lần.

Ví dụ, ông T. bị ốm chết, có thời gian đóng BHXH từ tháng 10/2005 đến 3/2017. Ông T. có mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH là 5 triệu đồng/tháng.

Như vậy, ông T. có 8 năm 3 tháng đóng BHXH ở giai đoạn trước ngày 1/1/2014, có 3 năm 3 tháng đóng BHXH ở giai đoạn từ ngày 1/1/2014 trở đi.

Sau khi tính làm tròn theo quy định trên, thời gian đóng BHXH để tính trợ cấp tuất một lần của ông T. là 8 năm đóng trước năm 2014 (chuyển 3 tháng lẻ sang giai đoạn sau) và 3 năm 6 tháng đóng từ năm 2014 trở đi.

Khi đó, mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của ông T. được tính như sau: ((8 x 1,5) + (3,5 x 2)) x 5 triệu đồng = 95 triệu đồng.