Cá nhân có được hỗ trợ vay vốn do ảnh hưởng dịch Covid-19?
Ông Lê Văn Cao (Cần Thơ) kinh doanh mua bán văn phòng phẩm, photocopy. Do dịch bệnh kéo dài, công việc bị ảnh hưởng lớn, gia đình lại có con nhỏ.
Ông Cao hỏi, ông có nhu cầu vay vốn chính sách xã hội để lo cho cuộc sống gia đình thì cần phải làm gì?
Về vấn đề này, Ngân hàng Chính sách xã hội trả lời như sau:
Theo quy định tại Khoản 11 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP và Điều 38 Chương X Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc hoặc trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động khi có đủ các điều kiện sau:
a) Đối với người sử dụng vay vốn trả lương ngừng việc cho người lao động:
- Có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia BHXH bắt buộc đến tháng liền kề trước thời điểm người lao động ngừng việc, phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên theo quy định Khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022.
- Không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn.
b) Đối với người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2022:
- Người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022.
- Có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia BHXH bắt buộc đến thời điểm đề nghị vay vốn.
- Có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh.
- Không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn.
c) Đối với người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để phục hồi sản xuất, kinh doanh:
- Có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia BHXH bắt buộc đến thời điểm đề nghị vay vốn.
- Có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh.
- Không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đã hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn.
Như vậy, trường hợp đạt đủ các điều kiện nêu trên, người sử dụng lao động nộp hồ sơ vay vốn trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc Cổng Dịch vụ công Quốc gia đến Ngân hàng Chính sách xã hội nơi khách hàng đóng trụ sở (đối với doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã) hoặc nơi cư trú (đối với hộ kinh doanh, cá nhân).
Trường hợp khách hàng không thuộc đối tượng người sử dụng lao động được vay vốn theo Khoản 11 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP hoặc không đủ điều kiện vay vốn, công dân liên hệ với UBND xã nơi cư trú để được tư vấn và nhận hỗ trợ đối với các đối tượng khác theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP hoặc quy định của từng địa phương hoặc vay vốn tín dụng theo các chương trình khác hiện có của địa phương.
Ngân hàng Chính sách xã hội xin tiếp thu các câu hỏi vướng mắc của công dân, doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg để đáp ứng tốt nhất nhu cầu vay vốn của người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Trường hợp có vướng mắc, công dân, doanh nghiệp có thể liên hệ trực tiếp theo địa chỉ:
Ban Tín dụng người nghèo - Ngân hàng Chính sách xã hội, địa chỉ: Số 169 Linh Đường, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội; điện thoại: 08.68.23.6199; email: tdnn@vbsp.vn.