Cà Mau: Hạn chế tối đa trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt
(Dân trí) - Trong khi tình hình tai nạn thương tích trẻ em có giảm nhưng số vụ việc trẻ em bị xâm hại vẫn còn xảy ra nhiều ở tỉnh Cà Mau.
Ngày 24/6, thông tin với phóng viên Dân trí về công tác trẻ em 6 tháng đầu năm 2021, bà Nguyễn Thu Tư, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Cà Mau cho biết: "Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em luôn được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh. Trong đó, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt luôn được quan tâm, chăm sóc, hỗ trợ về nhiều mặt, tạo điều kiện cho các em được phát triển và hòa nhập cộng đồng".
Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 21 trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục, trong đó có 7 trẻ bị hiếp dâm, 12 trẻ bị giao cấu, 2 trẻ bị dâm ô. Về tai nạn thương tích, toàn tỉnh có 68 vụ (giảm trên 10 vụ so với cùng kỳ), trong đó có 5 trẻ em tử vong do bị đuối nước.
"Chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, động viên gia đình và hỗ trợ với số tiền hơn 80 triệu đồng", Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Cà Mau cho hay.
Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Cà Mau, đơn vị luôn chú trọng tuyên truyền việc bảo vệ chăm sóc trẻ em. Công tác này được triển khai lồng ghép trong hoạt động công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình năm 2021.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thu Tư, hiện nay công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vẫn còn những hạn chế. Phần lớn cán bộ làm công tác trẻ em cấp xã, phường đều là kiêm nhiệm nên việc quản lý, nắm thông tin, tình hình trẻ em chưa được bao quát, kịp thời, nhất là trong việc can thiệp, trợ giúp các em bị bạo lực, bị xâm hại chưa có dấu hiệu giảm.
Ngoài ra, nhận thức của gia đình và cộng đồng còn hạn chế, các kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của cha mẹ, người chăm sóc trẻ, bản thân trẻ chưa thật đầy đủ.
"Thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục triển khai, thực hiện tốt các chính sách đối với trẻ em, đặc biệt là đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hạn chế tối đa số trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt", Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Cà Mau Nguyễn Thu Tư cho biết.
Bên cạnh đó, nâng cao kỹ năng về phòng, chống xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em, để góp phần đảm bảo an toàn tính mạng trẻ em và sự phát triển bền vững của gia đình và địa phương.