Cả đời đi làm không mua nổi căn nhà giá rẻ ở TPHCM
(Dân trí) - Gần 50 năm mưu sinh ở TPHCM, ông Vương Cao Phát cùng vợ về Long An mua căn nhà giá rẻ 25m2 làm chỗ "chui ra chui vào", giấc mơ mua nhà ở TPHCM của hai vợ chồng già chính thức khép lại.
Cả thanh xuân đi... ở trọ
Gần 50 năm làm nghề chạy xe ôm, ông Vương Cao Phát (71 tuổi) tự cho mình nghỉ hưu vì mắt mờ, chân chậm. Vợ ông, bà Vương Thị Kiều Hạnh (60 tuổi) cũng được cho nghỉ chế độ từ 4 năm trước, sau 36 năm làm giáo viên mầm non. Trong cả thanh xuân mưu sinh ở TPHCM, vợ chồng già nuối tiếc nhất là không thể mua nổi căn nhà làm nơi "chui ra chui vào".
"Cả cuộc đời đi ở trọ hết quận này đến quận khác, hết phòng này đến phòng kia. Mỗi lần chuyển trọ là mỗi lần buồn bã và tủi phận. Bao nhiêu năm đi làm chỉ mong có thể mua được căn nhà giá rẻ cho người thu nhập thấp nhưng không thể, buồn lắm", ông Phát tâm sự.
Ông Phát cho biết, khi còn đi làm, thu nhập của vợ chồng cũng chỉ đủ ăn và trả tiền phòng trọ. Cả đời ông bà tằn tiện từng đồng để mong có thể mua được căn nhà ở TPHCM, nơi ông bà đã gắn bó cả tuổi xuân và có biết bao kỷ niệm. Khi còn trẻ, ông vừa chạy xe vừa làm thêm đủ thứ nghề nhưng cũng chẳng dư giả được bao nhiêu.
"Ai thuê gì tôi làm nấy, vợ tôi ngoài đi coi trẻ cũng nhận thêm việc về nhà làm nhưng mỗi tháng cũng chỉ dư được vài trăm hoặc một, hai triệu đồng. Tính ra, cả năm cũng chẳng dư được bao nhiêu khi phải lo tiền thuốc thang chữa bệnh, tiền phụ nuôi mẹ già. Không chỉ chúng tôi, nhiều gia đình lao động nghèo ở các xóm trọ cũng vậy. Đi làm quần quật nhưng chỉ đủ ăn thôi, làm gì mua nhà nổi", người đàn ông 71 tuổi chia sẻ.
Năm 2018, khi tìm mọi cách để mua nhà ở TPHCM bất thành, vợ chồng ông Phát về Long An mua căn nhà giá rẻ 25m2. Mỗi ngày, hai ông bà cùng nhau tập thể dục, nấu ăn cho nhau và sống những ngày thư thái mà bao nhiêu năm ông bà chưa cảm nhận được.
"Chấm dứt ở trọ thì mừng lắm, nhà nhỏ nhưng có gác nên cũng thoải mái. Ở nhà của mình thì ngủ ngon hơn, tôi ăn cơm vợ nấu cũng ngon hơn. So với nhiều người thì nhà này chật chội nhưng với vợ chồng tôi thì rộng rãi và sạch sẽ hơn đi ở trọ rất nhiều. Nhờ vậy, tôi cũng khỏe ra, yên tâm dưỡng già hơn", ông Phát vừa cười vừa nói.
Nghe chồng chia sẻ, bà Hạnh vừa nấu ăn vừa tỏ rõ niềm hạnh phúc: "Ban đầu rời bỏ TPHCM về đây cũng buồn lắm nhưng càng sống càng vui. Mỗi khi rảnh, hai vợ chồng lại chở nhau lên TPHCM chơi và thăm người thân, bạn bè. Hy vọng sẽ có nhiều căn nhà giá rẻ tầm 300 triệu đồng, 400 triệu đồng cho lao động nghèo như chúng tôi, đi ở trọ mệt lắm".
Chẳng dám mơ mua được nhà TPHCM
Gần 20 năm ở trọ, tiết kiệm chi tiêu tối đa nhưng anh Lê Thanh Tú (44 tuổi, công nhân tại quận Bình Tân) chỉ dư được đúng 40 triệu đồng. Số tiền này anh để dành tích lũy nuôi con ăn học và phòng khi ốm đau.
"Tôi quê ở Thái Bình, vào đây làm công nhân bốc vác giấy, thu nhập gần 10 triệu đồng. Mỗi tháng trả tiền phòng trọ 2,5 triệu, còn lại nuôi hai con ăn học. Vợ tôi nhận thêu, đan ở nhà nên thu nhập cũng bấp bênh, tháng thì vài triệu, tháng không có đồng nào. Vào đây làm thuê kiếm ăn thôi, không dám mơ mua được nhà", anh công nhân chia sẻ.
Theo anh Tú, giá nhà đất ở TPHCM liên tục "phi mã" nhưng lương công nhân mỗi năm chỉ tăng được vài trăm ngàn đồng. Với mức thu nhập hiện tại, nhiều công nhân chưa thể đủ tiền lo cho con cái ăn học ở TPHCM, làm sao dư giả để mua nhà.
"Một căn nhà giá rẻ giờ thấp nhất cũng gần 2 tỷ đồng, để mua trả góp thì cũng phải có khoảng 500 triệu đồng và thu nhập hàng tháng khoảng 15 triệu đồng. Công nhân đi làm cả đời chắc gì đã dư được 500 triệu đồng mà mua nhà. Có chăng cố gắng làm đến già rồi về quê sống thôi, mua nhà ở đây không nổi", anh Tú phân tích.
Để hỗ trợ công nhân, người lao động, vừa qua, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP đang có phương án xây một triệu căn nhà giá rẻ cho công nhân và người thu nhập thấp. Thành phố sẽ phát triển nhà ở với mức giá thấp nhất có thể để người có thu nhập thấp tiếp cận được. Từ đó giải quyết nhà ở cho công nhân, người lao động, giữ chân họ ở lại thành phố làm việc.
Chia sẻ thêm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình nhấn mạnh, sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, thành phố cần rút ra những bài học về quy hoạch đô thị, đặc biệt là vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân trong khu công nghiệp, khu chế xuất.
Vừa qua, UBND TPHCM đã yêu cầu các sở, ngành lên phương án triển khai xây dựng nhà ở xã hội phục vụ công nhân. Lãnh đạo UBND TP cũng đã giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Quy hoạch và Kiến trúc, UBND huyện Bình Chánh cung cấp thông tin quy hoạch, kiến trúc khu đất tái định cư 15ha tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh để nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất phương thức đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phục vụ công nhân.