Công nhân cạn tiền, ăn mì gói sống qua ngày mong gói hỗ trợ 6.600 tỷ đồng
(Dân trí) - Theo các nhà quản lý, dịch Covid-19 đã bào mòn sức lực và tiền bạc của công nhân và gói hỗ trợ tiền thuê trọ là chính sách nhân văn, đang được người lao động mong ngóng, trông đợi.
Ngày 30/1, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Tổng gói hỗ trợ quy mô 350.000 tỷ đồng được kỳ vọng là "chất kích hoạt" giúp phục hồi tăng trưởng kinh tế trong thời gian ngắn hạn, tạo đà phát triển dài hạn và đảm bảo an sinh cho những người yếu thế.
Trong chương trình, vấn đề phục hồi thị trường lao động được người dân và các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Vấn đề này cũng được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH liên tục nhấn mạnh. Bộ đang xây dựng dự thảo chương trình hành động, triển khai gói hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động trị giá khoảng 6.600 tỷ đồng, một phần nội dung của Nghị quyết 11.
Hai nhóm đối tượng được hỗ trợ theo chính sách này là người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp (mức 500.000 đồng người/tháng x 3 tháng) và người lao động quay lại thị trường lao động (mức 1 triệu đồng/người/tháng x 3 tháng) đang phải thuê trọ.
Chia sẻ về vấn đề trên, ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, nhận định: Gói hỗ trợ 6.600 tỷ đồng là chính sách nhân văn, thiết thực, giúp người lao động giảm một phần gánh nặng sau dịch Covid-19. Chính sách này sẽ giúp người lao động nhanh chóng quay lại làm việc, hỗ trợ doanh nghiệp để không bị đứt gãy nguồn cung ứng lao động. Do vậy, không chỉ người lao động mà doanh nghiệp cũng được hưởng lợi rất nhiều.
Để chính sách nhanh được đưa vào thực tế và tiền hỗ trợ sớm đến tay người lao động, ông Việt kiến nghị, các thủ tục triển khai cần được tối giản để nhiều lao động được tiếp cận. Đồng thời, ông đề nghị chuyển việc lập hồ sơ về cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm với việc lập hồ sơ, khi phát hiện khai gian thì xử lý thật nghiêm.
"Tôi kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn cụ thể hơn nữa về đối tượng nhận hỗ trợ theo đầu người hay theo hộ gia đình. Nếu gia đình gồm vợ chồng, con cái, bố mẹ... đều đang độ tuổi lao động, đang ở trọ chung trong một phòng trọ thì hướng hỗ trợ cụ thể thế nào, cần có quy định rõ", ông Việt trao đổi.
Về dài hạn, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM kiến nghị mở rộng gói vay dành cho các chủ nhà trọ để nâng cấp, sửa chữa nhà trọ cho người lao động. Cần có quy định cụ thể về diện tích tối thiểu/đầu người tại các phòng trọ, hỗ trợ các chính sách xây nhà ở xã hội, nhà giá rẻ, đặc biệt là xây nhà công nhân ngay trong các khu công nghiệp.
Ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Khu công nghiệp TPHCM cho hay: Gói hỗ trợ 6.600 tỷ đồng rất hữu ích đối với doanh nghiệp, người lao động nhưng cần chi đúng đối tượng, kịp thời, đơn giản thủ tục để chính sách thật ý nghĩa. Vừa qua, dịch Covid-19 khiến đa số người lao động gặp khó khăn nên việc quan tâm cần được đồng bộ với mọi đối tượng lao động.
Đồng thuận với các ý kiến trên, ông Nguyễn Tiến Thuận - Giám đốc công ty Thiên An cho rằng, gói hỗ trợ là sự quan tâm, chia sẻ của Đảng, Chính phủ với người lao động gặp khó khăn. Nếu nhóm lao động tự do cũng được nhận hỗ trợ, đời sống sẽ được đảm bảo hơn, các chính sách an sinh vốn đã thiết thực, nhân văn sẽ càng ý nghĩa hơn.
Ông Thuận cũng mong muốn Bộ LĐ-TB&XH sẽ sớm có những hướng dẫn cụ thể để người lao động có thể sớm được nhận tiền hỗ trợ nhằm ổn định đời sống.
"Sau Tết, công nhân, người lao động tại các khu trọ đã tiêu hết sạch tiền rồi. Tôi gặp nhiều công nhân chỉ ăn mì gói cho qua ngày, thực sự rất thương tâm. Khi nghe thông tin có gói hỗ trợ tiền nhà trọ họ mừng lắm, họ mong muốn được nhận sớm để đỡ gánh nặng mưu sinh", ông Thuận chia sẻ thêm.