Bộ trưởng Lao động nói gì về số phận 81 trẻ mồ côi cha mẹ vì Covid-19?
(Dân trí) - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu vấn đề trên khi nói về việc đại biểu, dư luận đặc biệt quan tâm với số phận hơn 2.500 trẻ mồ côi cha, mẹ vì đại dịch Covid-19, tại phiên chất vấn ở Quốc hội.
Cụ thể, phiên chất vấn chiều 10/11 tại nghị trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) băn khoăn việc có nhiều trẻ mồ côi trong cùng một thời điểm, tập trung tại một khu vực sẽ tạo áp lực và gánh nặng lớn cho hệ thống bảo trợ xã hội của địa phương, và yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH có giải pháp căn cơ.
81 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ vẫn đang ở với người thân
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, thời gian vừa qua, do tác động của đại dịch COVID-19 trên thế giới đã có khoảng 1,5 triệu trẻ em bị mồ côi; Tại Việt Nam, theo con số sơ bộ tính đến nay có 2.532 trẻ bị mồ côi, trong đó 81 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH nhấn mạnh, thời gian vừa qua, toàn ngành đã chủ động để ban hành các chính sách liên quan đến trẻ em nói chung và các đối tượng bảo trợ nói riêng, trong đó đã đề xuất Chính phủ sửa đổi thay thế Nghị định 136 bằng Nghị định 20, có hiệu lực từ 1/7/2021.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Dung, cùng với ban hành chính sách thay thế, Bộ LĐ-TB&XH đã có quy định về chính sách đối với trẻ em được hưởng các chính sách trong các làng SOS.
Theo Bộ trưởng, trước khi ban hành chính sách này cơ quan soạn thảo đã tham khảo mức chung hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và nhận thấy, chính sách chung chăm sóc trẻ em mồ côi của Việt Nam tương đối đồng bộ với thế giới.
Ông Dung nêu: Kinh phí hỗ trợ các em bình quân khoảng 1,1 triệu đến 1,8 triệu đồng, đối với trẻ em dưới 4 tuổi, có người chăm sóc, người thân đỡ đầu, mức hỗ trợ cũng là 1,8 triệu đồng.
Về vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm là hơn 2.500 trẻ mồ côi bố, mẹ vì Covid-19, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh chính sách và kinh phí hỗ trợ với các trẻ mồ côi nói trên cũng tương tự từ 1,1 đến 1,8 triệu đồng/cháu.
"Ngoài các chính sách đã có, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể đã vận động, hỗ trợ các cháu tương đối tốt", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung xúc động kể.
Theo người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH, riêng Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam đã quyết định tất cả các cháu mồ côi cha hoặc mẹ thì đều được hỗ trợ 5 triệu đồng.
Đối với các trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, thiệt thòi hơn do mất cả bố, mẹ, mỗi cháu sẽ được cấp một sổ tiết kiệm 20 triệu đồng và phương châm của ngành LĐ-TB&XH là vận động để mọi cháu đều có mái ấm gia đình, đều có người thân để đỡ đầu.
"Đến nay thì cả 81 cháu này đều đang sống với người thân của gia đình", ông Dung xúc động nói.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong trường hợp nếu không có người thân nuôi dưỡng các trẻ em mồ côi, ngành LĐ-TB&XH đã bàn với Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam sẽ có các mẹ đỡ đầu các cháu.
"Trường hợp xấu nhất thì mới đưa vào các cơ sở bảo trợ xã hội vì các cháu còn những yếu tố về mặt tinh thần, tâm lý v.v.. ", Bộ trưởng Dung nhấn mạnh.
Vì sao không lấy tiền bảo hiểm xây nhà cho công nhân?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Hoàng Hải (Đồng Nai) về việc đề xuất chi kết dư Quỹ bảo hiểm hiện nay để xây nhà ở cho công nhân, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: "Không thể!".
Giải thích cụ thể, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, các Quỹ bảo hiểm của Việt Nam hiện phát triển tương đối lành mạnh, kết dư tương đối bền vững và thời gian tới sẽ điều chỉnh các chính sách cho phù hợp hơn.
Ông Dung lý giải tại sao hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp tại Nghị định 116 mà không phải là các quỹ bảo hiểm khác. "Vừa qua, được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã quyết định bằng Nghị quyết 116 trích ra 38.000 tỷ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp và bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp và trong gói 68 thì cũng khoảng hơn 10.000 tỷ nữa", người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH nêu.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: "Thời gian qua, chúng ta đã sử dụng khoảng trên 50.000 tỷ từ các quỹ bảo hiểm ngắn hạn để hỗ trợ cho người lao động và sử dụng lao động. Hiện nay, quỹ chúng ta còn xấp xỉ 1 triệu tỷ đồng. Nhưng trong 1 triệu tỷ đồng, gần 900.000 tỷ là của quỹ hưu trí, tử tuất".
"Quỹ hưu trí, tử tuất là quỹ dài hạn, đó là lương, là cuộc sống của vài triệu người", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Theo ông Dung, với quỹ hưu trí, tử tuất thì về nguyên tắc không thể sử dụng cho việc khác được. Các nước cũng không bao giờ cho phép như vậy, bởi vì đây là quỹ ngoài ngân sách.
"Quỹ của những người tham gia bảo hiểm, nguyên tắc quan trọng nhất là có đóng thì mới có hưởng, đóng ít, hưởng ít, đóng nhiều, hưởng nhiều", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, dù Quỹ bảo hiểm còn có khoảng 900.000 tỷ đồng nhưng mỗi năm, cả nước phải chi tiền lương cho người nghỉ hưu khoảng hơn 200.000 tỷ đồng nên mức kết dư chỉ gấp 4 lần. "Về nguyên tắc, quỹ phải bảo toàn và phát triển bền vững", ông Dung khẳng định.
Về đề xuất đề xuất sử dụng kết dư Quỹ Bảo hiểm để xây dựng nhà ở cho công nhân, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh là "không thể" bởi tiền để chi lương hưu trí, tử tuất không thể dùng vào việc khác!