Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cần có kế sách tạo việc làm cho người cao tuổi
(Dân trí) - Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, xu hướng già hóa dân số tăng lên, người cao tuổi có năng lực ngày càng nhiều. Vì vậy cần có chương trình khởi nghiệp cho người cao tuổi như các nước phát triển đang làm.
Đây là những gợi ý của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tại buổi tiếp các đại biểu Hội Người cao tuổi Việt Nam đến làm việc tại trụ sở Bộ, sáng ngày 15/3.
Sau khi lắng nghe các ý kiến đóng góp, đề xuất kiến nghị về Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2026 của Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam, người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, vai trò và tầm quan trọng của người cao tuổi Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước, toàn xã hội đề cao. Nhất là họ đã trải qua những gian khó, chiến tranh để cho cháu con có được đất nước toàn vẹn, thanh bình ngày nay.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, trong Văn kiện Đại hội Đảng, tư tưởng nhất quán về người cao tuổi là vừa bảo vệ, chăm sóc và phát huy. Đây là tư tưởng phù hợp đạo lý của người Việt "kính già, yêu trẻ".
"Vai trò của người cao tuổi là vô cùng quan trọng. Đặc biệt tiếng nói và uy tín của người cao tuổi trong các quyết định của gia đình, vai trò quan trọng này không chỉ số lượng mà là chất lượng", ông Dung nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, công tác chăm sóc người cao tuổi của Việt Nam thời gian qua luôn được Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị quan tâm sâu sắc và có những kết quả đáng mừng.
Về chính sách chăm sóc, nuôi dưỡng và trợ giúp người cao tuổi, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH khẳng định: Người cao tuổi cả nước hiện được cả gia đình, xã hội, dòng họ chăm lo. "Họ có đời sống ngày càng tốt hơn, tuổi thọ được nâng lên, tuổi sau nghỉ hưu có sức khỏe ngày càng tăng", Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng Dung, hệ thống pháp luật, chính sách pháp luật về người cao tuổi ngày càng đồng bộ, đi vào đời sống tốt hơn. Ví dụ, số lượng người cao tuổi từ 100 tuổi ngày càng tăng lên; người cao tuổi được hưởng trợ cấp và các chính sách từ chỗ chỉ vài chục nghìn người trước đây, nay đã tăng lên vài trăm nghìn người, cá biệt có người hưởng trợ cấp hàng tháng lên đến 1,1 triệu đồng.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Việt Nam hiện có tốc độ già hóa dân số nhanh hàng đầu thế giới. Chính vì vậy, các biện pháp ứng phó, giải pháp và hỗ trợ cần được nghĩ ra, thực hiện ngay.
Ông Dung lấy ví dụ, tại nhiều vùng nông thôn của Nhật Bản, chỉ còn người già ở, thậm chí không có người ở do con cái lên các thành phố sống hết. Tiến tới, Việt Nam cũng phải nghĩ đến chính sách để ứng phó.
Bộ trưởng Dung lấy ví dụ: "Trước đây, gia đình Việt thường sống 2-3 đời trong một mái nhà. Nhưng hiện nay, mô hình gia đình đã chuyển sang con cái ở riêng với bố mẹ (gia đình hạt nhân), nhiều người già đã, đang ở riêng, sống độc lập với con cái. Thực tế này cần có chính sách phù hợp".
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, người già cần nhất chăm sóc sức khỏe, đây là việc thiết yếu với họ. Ông Dung đưa ra thực tế, hiện còn có 5% người già ở Việt Nam chưa có bảo hiểm y tế nên phương án giải quyết cần phải được thực hiện trong mục tiêu an sinh xã hội của địa phương, để người già sống bình yên, không lo lắng bệnh tật, khổ đau lúc xế chiều.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng các địa phương còn có nhiều người già chưa có bảo hiểm y tế, có thể giải quyết hỗ trợ người già bằng tiền ngân sách địa phương hoặc các khoản kinh phí khác trong chính sách an sinh.
Về biện pháp chăm sóc người già neo đơn, người già sống đơn thân và mô hình chăm sóc người già ở trong các trung tâm bảo trợ, Bộ trưởng Dung cho rằng: Cần phát triển mạnh trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi bởi xu hướng gia đình hạt nhân tăng lên.
"Nhiều người già sống đơn thân, thậm chí có con cái nhưng không muốn ở với con cái, thích sống độc lập hoặc ở các trung tâm bảo trợ xã hội. Chúng ta cần phát triển cả 2 loại hình công lập và xã hội hóa, tư nhân hóa. Đây là vấn đề đặt ra để có chính sách phù hợp, giải quyết xu hướng già hóa dân số".
Người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH đề nghị, trong bối cảnh tuổi thọ người già ở Việt Nam tăng lên, sức khỏe được chăm sóc tốt hơn và việc mong muốn tham gia vào phát triển xã hội theo kinh nghiệm và sở trường, Việt Nam cần có kế sách tạo việc làm cho người cao tuổi.
"Tạo việc làm cho người cao tuổi dựa trên sự phù hợp với sức khỏe, khả năng và nguyện vọng của người cao tuổi là điều cần làm. Các nước phát triển như Nhật Bản, Đức còn có chương trình "Khởi nghiệp cho người cao tuổi", dựa theo nhu cầu, sức khỏe và năng lực của họ", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
"Tôi đã sang thăm Nhật Bản. Một nghề mà rất nhiều người già Nhật làm là lái taxi, tối lại về nghỉ ngơi ở trung tâm bảo trợ xã hội. Họ vui vẻ với cuộc sống và không cảm thấy là người thừa. Nghề lái taxi dường như dành riêng cho người già ở Nhật. Ở Việt Nam, thế hệ trẻ chúng ta cũng cần suy nghĩ dành một nghề nào đó cho người già", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lấy ví dụ.