Bộ Lao động giải trình gì về hoạt động thiện nguyện trước phiên chất vấn?
(Dân trí) - Báo cáo nhóm vấn đề về cứu trợ, thiện nguyện trước phiên chất vấn tại Quốc hội chiều nay, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, đã có nhiều tấm gương cao đẹp "lay động lòng người"
Báo cáo giải trình về các vấn đề được chọn cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khái quát, hiện Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm bảo đảm đời sống người dân, nhất là đối với bộ phận dân cư do ảnh hưởng thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh và đối tượng yếu thế không có điều kiện bảo đảm cuộc sống.
Về các chính sách pháp luật, Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, các chính sách hỗ trợ người dân, người yếu thế chính sách cụ thể được quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 và từ ngày 01/7/2021 được thay thế bằng Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ.
Hàng triệu túi an sinh đến người dân vùng dịch
Trong đó có các quy định như: Hỗ trợ lương thực cho hộ gia đình thiếu đói tết âm lịch, thiếu đói do thiên tai, hỏa hoạn, mất mùa hoặc các nguyên nhân bất khả kháng; Hỗ trợ chi phí mai táng; Hỗ trợ người bị thương nặng; Hộ nghèo, cận nghèo hộ có hoàn cảnh khó khăn có nhà đổ sập trôi, cháy, hư hỏng được xem xét hỗ trợ làm mới, sửa chữa chỗ ở.
Bộ trưởng khẳng định: Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo các địa phương thực hiện việc hỗ trợ khẩn cấp nơi ở cho người lang thang, cơ nhỡ, người không có chỗ ở tạm thời trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, Bộ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 1105/CĐ-TTg ngày 27/8/2021 về việc thu dung, thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với người "lang thang, cơ nhỡ".
Theo Bộ trưởng, tính đến nay, các tỉnh, thành phố đã triển khai thu dung 1.500 người vào tạm thời ở các cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm công tác xã hội như: TPHCMT thu dung hơn 1.039 người, TP Hà Nội thu dung 133 người ; tỉnh Khánh Hòa thu dung 80 người; tỉnh Đồng Nai thu dung 40 người (ở thành phố Biên Hòa)…
Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn giãn cách xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương đã triển khai mô hình "túi an sinh xã hội" để hỗ trợ khẩn cấp cho người dân trong phòng, chống dịch.
Chỉ tính riêng TPHCM đã cấp phát hơn 1,8 triệu túi an sinh xã hội, Cần Thơ đã trao tặng gần 19.000 túi an sinh cho người dân và thanh thiếu nhi gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 với tổng kinh phí gần 5,2 tỷ đồng; thành phố Hà Nội hỗ trợ cho 900.000 lượt người, hộ gia đình với tổng kinh phí đến thời điểm này là gần 272 tỷ đồng; tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ 67.000 hộ gia đình mỗi hộ 1 túi an sinh xã hội trị giá lên tới 1,8 triệu đồng,…
Theo người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH, cùng với tổ chức thực hiện đầy đủ chính sách theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, các địa phương cũng đã đẩy mạnh huy động các nguồn lực hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân cho công tác hỗ trợ khẩn cấp người dân khi có thiên tai, hỏa hoạn và dịch bệnh trên diện rộng.
Các nước, tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, kiều bào đã có đóng góp lớn bằng tiền và hiện vật với tổng giá trị nhiều chục nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch.
Nhiều tấm gương tương thân, tương ái, lay động lòng người
Đáng trân trọng hơn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Đại dịch Covid-19 xảy ra, đã có nhiều tấm gương từ cộng đồng với cách làm sáng tạo, "tương thân, tương ái" với những nghĩa cử cao đẹp, lan tỏa yêu thương, "lay động lòng người", thể hiện sâu đậm truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta".
Về vấn đề quản lý về các hoạt động cứu trợ, thiện nguyện nhân đạo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết hiện chính sách này được quy định tại Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Trong đó, quy định chi tiết về nguyên tắc, mục đích, phạm vi, phương thức kêu gọi, phương thức tổ chức vận động, tiếp nhận phân phối, tổng hợp báo cáo, kiểm tra…
Tuy nhiên, do thời gian qua chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể cách làm, nguyên tắc làm thiện nguyện, cứu trợ nhân đạo đối với các tổ chức, cá nhân, dẫn tới những bất cập, hạn chế nhất định, đặc biệt là khâu tổ chức phân phối, cấp phát, chưa tuân thủ quy định pháp luật dẫn đến cấp phát chậm, có chỗ nhiều, có chỗ ít, chưa thông tin kịp thời về kết quả hỗ trợ,...
"Điều này đã dẫn đến một số vụ việc gây dư luận xã hội không tốt, ảnh hưởng đến công tác huy động cứu trợ và hoạt động thiện nguyện", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu.
Theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, để khắc phục hạn chế về quản lý công tác huy động cứu trợ thiện nguyện, nhân đạo, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP và có hiệu lực từ ngày 11/12/2021.
Trong đó, tại khoản 1 Điều 25 giao Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân và các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, sự cố. Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức giám sát việc thực hiện theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện chính sách về trợ giúp xã hội, theo dõi, kiểm tra việc tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ Nhân dân và các địa phương.
Để sử dụng hiệu quả, lan tỏa nhanh các chính sách hỗ trợ thiện nguyện đối với người dân, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh cần ưu tiên truyền thông, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân về chính sách trợ giúp xã hội quy định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân nghèo.
Bên cạnh đó, nâng cao năng lực, kiểm tra, giám sát về thực hiện chính sách trợ giúp xã hội và quản lý vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn thiên tai, dịch bệnh.
Và cần phải xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý đối tượng, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội tại các địa phương.