1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Bí ẩn mật khu: Có một mối tình như thế

Đơn vị cuối cùng thuộc Đoàn Tình báo chiến lược J22 rời chiến trường miền Đông Nam Bộ về "Trạm đón tiếp" của chúng tôi tại Mật khu Bời Lời vào một đêm muộn...

...Tôi được giao phụ trách khu vực hầm nghỉ của khách nữ. Đường xa, đêm muộn, tưởng quý khách đều mệt mỏi, ai dè, họ vẫn tỉnh queo, chuyện trò rôm rả.

- Chị Tư ơi! Chị Tư à... Bữa nay, em ngủ hầm, chị nghen?

- Hổng có được! Ai ở đâu yên vị đó. Chớ có giành giật chị Tư của tui.

Người được gọi là chị Tư phân giải:

- Thôi. Khỏi phải bàn. Chị tính vầy, ở đây có 2 hầm, hầm lớn dành cho hai đứa. Mình chị ở hầm nhỏ. Công bằng chưa?

Nghe giọng nói quen quen. Tôi mạnh dạn hỏi:

- Chị Tư... Chị Tư Thu phải không ạ?

- Đúng rồi! Sao đồng chí biết tên tôi?

- Dạ... Em Thái Dương đây.

Bí ẩn mật khu: Có một mối tình như thế - 1
Tôi bấm đèn pin xuống đất cho ánh sáng hắt lên. Chị vội chạy tới, nắm chặt hai tay tôi, khẽ reo lên:

- Trời đất!... Cậu Ba!... Tới đây khi nào vậy?

- Dạ... Đây là đơn vị em mà. H67 được giao nhiệm vụ đón các đơn vị và sẽ di chuyển sau cùng. Thiệt không ngờ lại được gặp chị ở đây. Vô số chuyện, chị ơi. Giờ, mời chị và cô gì đó xuống hầm lớn, em chỉ chỗ mắc võng và nơi để đèn cầy (nến).

Tôi kiếm một khúc cây khô dùng làm ghế ngồi gần miệng hầm. Chừng mười phút sau, chị Tư Thu lên. Dưới ánh sáng trăng hạ tuần, tôi vẫn nhận ra cái dáng mảnh khảnh thuở nào. Gương mặt chị có phần gầy hơn trước. Tôi vô đề luôn:

- Hồi đó, đơn vị sáp nhập B49. Căn cứ bám trụ tại Bến Chùa, Thanh An. Mấy tháng sau em được điều sang H67 cho tới nay. Hình như lúc đó, chị, anh Hai Thăng và mấy đồng chí nữa chuyển về H... Từ đó bặt tin luôn.

Phải lâu lắm, chị mới nghẹn ngào:

- Thiệt là xẻ nghé tan đàn. Anh Hai Thăng hy sinh rồi. Thiệt tội nghiệp!...

Tôi bỗng thấy nhói đau trong ngực. Nghẹn ngào hỏi:

- Từ bao giờ? Trong hoàn cảnh nào vậy chị?

- Bữa đầu... đầu tháng... địch càn vô căn cứ...

Nói được có bao nhiêu đó rồi chị bưng mặt nức nở. Tôi cố trấn tĩnh lòng mình:

- Em xin được chia sẻ nỗi buồn cùng chị. Giờ chị phải xuống hầm nghỉ để sáng mai đơn vị đưa các anh, các chị về trạm giao liên của Đoàn.

***

Trắng đêm hôm đó, tôi không sao chợp mắt được. Nằm dưới hầm sâu Mật khu, tôi thả hồn về nơi chiến trường cũ Bình Dương. Thời đó, căn cứ bám trụ của B48 chúng tôi tại rừng Vĩnh Lợi, giáp ranh giữa huyện Bến Cát và Châu Thành. Cả đơn vị có mỗi mình tôi quê miền Bắc nên anh em rất quý mến và lãnh đạo Cụm có phần ưu ái hơn. Căn cứ của các đơn vị hoạt động bí mật ở chiến trường cấu tạo thành 2 khu: Khu A và khu B nhằm đảm bảo nguyên tắc "cự ly ngăn cách". Khu B dành cho cán bộ hoạt động mật thành và giao thông viên mỗi khi cần về căn cứ. Người ở Khu A không được tiếp cận Khu B (trừ trường hợp được phép của lãnh đạo). Tôi may mắn nằm trong diện này. Số là, khách về Khu B hầu hết là người sống trong vùng địch kiểm soát, tối ngày phải nghe cái luận điệu chiến tranh tâm lý của kẻ địch, bôi nhọ miền Bắc. Tôi trở thành nhân chứng để phản bác lại. Mục đích thứ hai của lãnh đạo là để tôi có điều kiện tìm hiểu tình hình đô thị miền Nam phục vụ công tác nghiệp vụ và khi cần sẽ "đột" vô thành.

Người đầu tiên tôi được tiếp xúc là một nữ giao thông viên tuyến Sài Gòn về căn cứ. Chị thứ tư, tên Thu (chắc tên này do tổ chức đặt cho). Chị hơn tôi mười mấy tuổi, coi tôi như cậu em út trong gia đình. Khi trở thành chị em thân thiết như ruột thịt, tôi mới hiểu về cuộc đời chị. Năm 1954 tập kết ra Bắc. Công tác tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Mấy năm sau có quyết định về công tác tại Cục Nghiên cứu, Bộ Tổng tham mưu (nay là Tổng cục II, Bộ Quốc phòng). Qua một khóa huấn luyện nghiệp vụ, chị được chi viện cho Cụm Tình báo chiến lược B48, địa bàn hoạt động Đông Bắc Sài Gòn - chiến trường quen thuộc với chị trong kháng chiến chống Pháp. Bởi thời đó, chị công tác ở Hội Phụ nữ tỉnh. Chồng chị là anh Võ Thế Đại (Tư Đại), Tỉnh ủy viên. Khi anh chị cưới nhau được mấy tháng thì chị lên đường tập kết ra Bắc. Anh bám trụ hoạt động tại Thủ Biên (Thủ Dầu Một và Biên Hòa), bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt, đày đi Côn Đảo cho tới cuối thập niên 60 vẫn không có tin tức gì.

Hơn một năm sau, tôi được tiếp xúc một vị khách thuộc loại "VIP". Xuất phát từ cung cách đón tiếp của đơn vị mà đoán vậy. Tôi được phân công hằng ngày đem cơm vào khu "cách ly" ăn cùng khách, tối ngủ cùng lán để giúp khách căng võng và hướng dẫn động tác xuống hầm đề phòng khi có pháo của địch. Đó là một người có vóc dáng to cao dềnh dàng. Tính tình xơi lởi. Tuổi chừng ngoại tứ tuần. Sau lời chào của tôi, khách ngước nhìn, vẻ ngỡ ngàng.

- Ủa!... Chú em là người Bắc hả? Quê đâu ta?

- Dạ, em tên Thái Dương, quê Sơn Tây. Mời vô được gần 2 năm

- Cha!... Thiệt may cho tôi, hôm nay lại được tiếp kiến người con của xứ hai vua. Người từ nơi "Xứ Đoài mây trắng".

Chừng bấy nhiêu thôi, tôi đã mê anh - một cán bộ điệp báo nội thành, người con của Nam Bộ thành đồng mà hiểu sâu về quê tôi như vậy. Anh khẽ cười nhìn tôi:

- Bây giờ, ở chiến trường đánh Mỹ này, chú Thái Dương là cựu binh, còn anh Hai chỉ là tân binh mới toe.

Tôi ngỡ ngàng nhìn khách. Lạ nhỉ, sao lại có sự trùng hợp ngẫu nhiên như thế. Phải chăng vị khách này chính là "TQ2"?

Số là thời điểm đó tôi làm công tác cơ mật của đơn vị nên được tiếp cận tất cả thông tin liên lạc giữa đơn vị với trung tâm và với các lưới điệp báo nội thành. Có một đầu mối rất quan trọng, đơn vị lên phương án tiếp cận, xây dựng thành cơ sở bí mật của ta. Đó là một viên trung tá, phó cục trưởng một cục nghiệp vụ thuộc Bộ Tổng tham mưu Quân đội Sài Gòn. Quê ở miệt vườn Lái Thiêu, Bình Dương. Nhà ở khu sĩ quan cao cấp tại Sài Gòn. Cha anh ta là người có tình cảm với cách mạng. Nhờ cái cầu này để tiếp cận mục tiêu. Kẹt nỗi, lãnh đạo đơn vị không có ai thích ứng để tiếp cận. Đơn vị báo cáo và được trung tâm thông báo sẽ cử người vào hỗ trợ. Bức điện gần nhất cách đây mấy ngày với nội dung tóm tắt: "Cử người đón "TQ2". Thời gian, địa điểm, mật khẩu như đã thống nhất. Nhiệm vụ số 1 của các đồng chí trong năm 1967 là dứt điểm "L19". Kết quả báo cáo gấp". (L19 là bí số của viên trung tá). Như thế là cán bộ tăng cường sẽ đáp phi cơ từ Gia Lâm, Hà Nội đi Phnom Penh, Campuchia rồi chuyển phi cơ về Sài Gòn.

Đón khách tại phi trường Tân Sơn Nhất là giao thông viên gạo cội Tư Thu. Hôm ấy, chị diện áo dài trắng, bóp đầm trắng, ra dáng quý phái đi đón "đức lang quân" công cán ngoại quốc về.

Tôi tự lý giải cho mình, đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Bởi, nếu khách là "TQ2", sao người đi đón lại không cùng về căn cứ.

Khách ở lại 2 ngày rồi đi. Tới lúc đó tôi mới biết anh là Hai Thăng (cũng là tên tổ chức đặt cho). Anh siết chặt tay tôi với cái nhìn trìu mến.

*

3 ngày sau, nhận bản báo cáo tường trình của Cụm trưởng giao để chuyển về trung tâm, tôi ngớ người bởi những con chữ trong đó đủ yếu tố để xác định vị khách vừa rồi. Xin nêu tóm tắt như sau: "...Giao thông viên đã đưa "TQ2" về đón "ông già miệt vườn" vô Sài Gòn. Theo kịch bản, T.H (Tư Thu) sẽ chờ ở một cơ sở bí mật. H.T (Hai Thăng) cùng ông già (sắm vai cậu cháu) về nhà "L19". H.T ngồi chờ ở phòng khách. Ông già lên lầu gặp con trai. Mười lăm phút sau, "L19" xuất hiện trong bộ mông-ta-gút màu cánh kiến. Hai người gật đầu chào nhau. "L19" ngồi đối diện H.T, nhẹ nhàng chuyển ly nước lọc về phía khách. "L19" để hai tay trên bàn, mặt hơi cúi xuống. Bỗng nhiên, anh ta ngẩng lên nhìn H.T, giọng uy nghiêm:

- Nè! Tui hỏi thiệt, ông có biết ông đang ngồi ở đâu không? - anh ta chỉ tay về phía chiếc điện thoại, nhếch miệng cười - Tôi chỉ cần nhấc ống nghe là ông bị bắt liền.

H.T khẽ cười, ngả lưng vào thành ghế, gương mặt quắc thước, đôi lông mày lưỡi mác hơi nhíu lại, ném cái nhìn xói vào mắt "L19":

- Ngài cục phó của quân lực Việt Nam Cộng hòa nên hiểu rằng, một phái viên của Mặt trận Dân tộc giải phóng được cử vô đây, khi đặt chân tới vùng đất do chính quyền Sài Gòn tạm thời kiểm soát là tôi luôn có thể bị bắt, cần chi phải đợi tới lúc này.

- Hiểu! Tui hiểu chớ... Nhưng, mà nè... Tui hơi tọc mạch một chút, muốn hỏi ngài phái viên, bên phía Việt Cộng, ông giữ chức vụ gì mà dám vô gặp tới cỡ tui?

- Ồ!... - H.T khẽ thốt lên - câu hỏi quá ngạo mạn của một sĩ quan cỡ như anh. - H.T dựng thẳng lưng, hai tay nhịp nhịp xuống bàn rồi chậm rãi - ngài trung tá nên hiểu rằng, một khi vào sào huyệt đối phương để gặp anh... không phải, để gặp những người còn là cấp trên của anh, chẳng lẽ, người ta lại cử một người mà trình độ về mọi mặt chỉ bằng hoặc kém hơn đối phương, phải vậy không, thưa ngài trung tá?

"L19" ngồi thừ ra, khuôn mặt chữ điền chùng xuống, hai mắt rưng rưng. Bỗng anh ta đứng dậy, cúi gập người rồi vội chạy sang nắm chặt tay H.T, miệng lập bập:

- Anh... Anh Hai! Xin anh bỏ qua cho những lời khiếm nhã vừa rồi. Thiệt tình... Thằng em chỉ là giỡn với anh

H.T vội xua tay:

- Không có chi, không có chi... Hãy ngồi xuống, còn nhiều chuyện tôi cần nói.

"L19" trở về vị trí, ngước nhìn khách

Trầm ngâm giây lát, H.T tiếp lời:

- Chiến trường diễn biến phức tạp. Mỹ ồ ạt đưa quân vô, càng lộ rõ bộ mặt xâm lược, bị loài người tiến bộ, trong đó có nhân dân Mỹ ủng hộ chính nghĩa Việt Nam, lên án. Vậy, hà cớ gì, những người mang dòng máu Việt lại nhẫn tâm tiếp tay cho kẻ thù. Cách mạng rất thông cảm với những số phận bị xô đẩy bởi thời cuộc. Thời gian chưa quá muộn, họ có thể làm một việc gì đó có lợi cho cách mạng để chuộc lại lỗi lầm quá khứ. Thời gian kẹt lắm. Nửa giờ nữa tôi đã có cuộc hẹn. Cứ suy nghĩ đi. Có gì thì nói lại với ông già nghen".

***

Tết năm đó, chị Tư Thu về ăn Tết tại căn cứ. Tôi hỏi thăm về vị khách. Chị cho biết, cùng ở trong thành nhưng cách xa nhau. Tới chuyến liên lạc mới gặp. Anh Hai vẫn khỏe. Ảnh khen em nhiều lắm. Đắn đo hồi lâu, chị khẽ cười, hỏi tôi:

- Có một chuyện tức cười lắm, chị tham khảo ý em...

- Chuyện gì hả chị?

- Anh Hai hỏi mượn chị một tấm hình để về cho mẹ ảnh coi. Số là, trước ngày đi tập kết, ảnh yêu một cô gái cùng quê. Tưởng chỉ 2 năm sẽ gặp nhau. Ai dè... thời gian quá lâu, cô ấy vẫn đợi chờ rồi qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi. Bà già hỏi chuyện vợ con, ảnh nói đã có người thương ngoài Bắc. Bà già biểu cho coi hình, kẹt nỗi...

- Kẹt nỗi anh ấy không có hình nào của phụ nữ phải không? Theo em, chị nên cho mượn, góp phần làm công tác tư tưởng cho bà già. Có gì mà lăn tăn. Tình đồng chí, đồng đội phải giúp nhau chớ.

Thế là hai chị em cùng cười.

Mấy tháng sau, chị về căn cứ họp, tôi lại được "triệu" vào Khu B. Chị nói với tôi nội dung mang tính "thông báo sự việc":

- Hôm rồi anh Hai... ảnh hỏi ý kiến chị về chuyện anh Tư... ngoài Côn Đảo. Nếu anh Tư có bề nào thì cho ảnh xin được kết bạn với chị. Chị cảm ơn nhưng không thể trả lời ảnh một khi chưa có tin chính thức từ Côn Đảo. Chị khuyên ảnh nên tìm người khác phù hợp hơn với hoàn cảnh. Ảnh khẽ lắc đầu nói: "Tôi nhất trí quan điểm với Tư nhưng dẫu sao thì tôi vẫn chờ... dù cho đến bao giờ cũng chờ...".

Đó là lần tâm sự cuối cùng của chị với tôi giữa cánh rừng Bào Chữa trên đất Bình Dương trước khi chị trở về Sài Gòn. Vậy mà, hôm nay, giữa Mật khu Bời Lời, tôi vui mừng được gặp lại chị và xót đau nhận tin buồn về người đồng chí, người anh, một điệp viên tài trí tôi vô cùng ngưỡng mộ. Vì cuộc chiến tàn ác của kẻ thù xâm lược mà vĩnh viễn rời xa chúng tôi.

Theo Thiếu tướng, nhà văn Khổng Minh Dụ - Công an nhân dân