1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Bé gái nhận "bản án tăm tối" thành kỷ lục gia về ý chí

Diệp Phan

(Dân trí) - Dù thiệt thòi vì 20 năm không thấy ánh sáng nhưng với nghị lực, em Đỗ Nguyễn Anh Thư đã trở thành nữ sinh khiếm thị đầu tiên tại Việt Nam đạt Á Khoa - Khoa Piano bậc đại học, Nhạc viện TPHCM.

"Nhất định phải nuôi con thành tài"

Giữa trưa một ngày tháng 3, tại khuôn viên tòa chung cư cũ ở khu phố Mỹ Cảnh (Quận 7, TPHCM), tiếng đàn piano nhẹ nhàng thả giọt. Trong căn phòng nhỏ ở lầu 4, bà Nguyễn Thị Hoa Hồng ngồi ở bàn ăn, ánh mắt hướng nhìn về phía con gái Đỗ Nguyễn Anh Thư. Cô con gái 20 tuổi của chị đang say sưa chơi bản "Mẹ yêu con" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.

Anh Thư vừa đệm đàn vừa hát bài Mẹ yêu con của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý

"Lúc trước, tôi cho con học đàn và học nhiều môn khác như bơi, vẽ, đánh cờ… để cuộc sống của cháu có thêm nhiều màu sắc. Tôi không dám nghĩ một ngày, con được vào nhạc viện, biểu diễn piano cùng vài chục người trong dàn hợp xướng, trước hàng trăm khán giả", người mẹ 44 tuổi, quê Rạch Giá, Kiên Giang nói.

20 năm trước, chị Nguyễn Thị Hoa Hồng sinh con gái khi thai mới 28 tuần tuổi. Sau hơn một tháng nằm lồng kính, về nhà, dù thấy con khỏe mạnh, bụ bẫm nhưng người mẹ trẻ vẫn thấy có điều gì đó khác lạ, bất an khi nhìn vào mắt con.

Đi khám, bác sĩ chuẩn đoán Anh Thư bị mù vĩnh viễn, nguyên nhân có thể do bị bong võng mạc vì sinh non. Ôm con đi khắp các bệnh viện lớn nhỏ ở quê và Sài Gòn tìm cách chữa trị nhưng không có kết quả, chị Hồng chấp nhận việc con gái bị mù suốt đời.

Bé gái nhận bản án tăm tối thành kỷ lục gia về ý chí  - 1

Trước mỗi buổi biểu diễn, Thư luôn được mẹ chăm chút từng bộ trang phục (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Từ ngày đó, người mẹ trẻ thường thử nhắm mắt lúc đi lại trong nhà để hiểu cảm giác và cách sinh hoạt của người mù. Mỗi ngày, chị cụng đầu, va chạm, làm rơi đồ đạc hàng chục lần. Nghĩ thương con, chị Hồng ngày nào cũng khóc, tự dằn vặt mình vì sinh con không khỏe mạnh.

Một lần, thấy tinh thần chị Hồng suy sụp, mẹ chị khóc và nói: "Mẹ nuôi con tới hai mấy năm biết bao vất vả. Đằng này con sinh con chỉ mấy tháng mà đã đòi sống đòi chết. Con sinh con phải có trách nhiệm chăm lo cho nó. Mẹ thấy con như vậy rất đau lòng".

Sau câu nói của người mẹ và nhớ lại một em bé khác cũng sinh non cùng ngày với Anh Thư ở bệnh viện, nhưng không may qua đời, nghĩ mình và con gái vẫn còn may mắn, chị Hồng quyết vực dậy bản thân, tự nhủ "nhất định phải nuôi con thành tài".

Những nỗ lực không ngừng nghỉ

Mất đi đôi mắt nhưng bù lại, đôi tai của Thư cảm nhận âm thanh rất tốt. Từ năm 1 tuổi, em đã phân biệt được nhiều âm thanh, giọng nói của những người trong nhà. Khi nghe tiếng các vị khách đến thăm, Anh Thư luôn đoán đúng số lượng người.

Ở Rạch Giá lúc bấy giờ chưa có trường dành cho trẻ em khiếm thị, lên 3 tuổi chị Hồng xin cho con học mẫu giáo nhưng không nơi nào nhận. Vì thế, ở nhà chị tự dạy cho con. Để mô phỏng bảng chữ nổi của người mù, chị Hồng lấy những hạt cườm đính vào bìa cứng để dạy chữ, đánh vần. Ban đầu, chị làm chữ cái với những hạt lớn. Dần dần, chị thu nhỏ kích thước hạt cườm lại để Anh Thư học.

Bé gái nhận bản án tăm tối thành kỷ lục gia về ý chí  - 2

Anh Thư nhận bằng xác nhận Kỷ Lục Việt Nam - Ý Chí Kỷ Lục ngày 22/2/2022 (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Thấy con thích múa hát, có năng khiếu về nghệ thuật nên chị dẫn Thư đến nhà cô giáo, nhờ dạy đàn organ cho con. Không có giáo trình dạy đàn organ dành riêng cho người mù, chị Hồng phải tự chuyển từ giáo trình bình thường sang dạng chữ nổi bằng hạt cườm để con học.

"Tôi nói với con rằng, nếu con không có đôi mắt để nhìn, hãy hít thở thật sâu, hãy lắng nghe thật kỹ và sờ mọi vật xung quanh thật nhiều để bù lại khiếm khuyết của mình", chị Hồng chia sẻ.

Con chuẩn bị lên lớp một, chị Hồng giấu gia đình, nói mang con lên Sài Gòn khám mắt, nhưng lại đến trường phổ thông khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu để xin nhập học. Sau những bài kiểm tra về tư duy, Anh Thư đủ điều kiện theo học. Có kết quả, chị mới dám về nhà "hậu tấu" với chồng và gia đình nội ngoại. Sau đó, chị nghỉ việc ở quê, khăn gói lên Sài Gòn thuê nhà trọ sống để chăm con.

Từ năm 9 tuổi, Thư được mẹ cho học piano một cách bài bản. Trước khi tìm được nơi chịu nhận Thư, chị Hồng từng bị từ chối nhiều bởi lý do đơn giản là giáo viên không biết làm thế nào để dạy cho người mù. "Nhiều người khuyên tôi nên cho con học nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, đàn tranh, còn piano... chưa có tiền lệ nên họ không dám nhận", chị Hồng kể.

Ở lớp, chị học cùng con, thay con bắt chuyện với các bạn khác trong lớp. Về nhà, hai mẹ con cùng ngồi chuyển ngữ những bản hòa tấu dài hàng trăm trang. Mẹ đọc tên nốt, con soạn lại bằng chữ nổi để tự tập luyện.

Bé gái nhận bản án tăm tối thành kỷ lục gia về ý chí  - 3

Anh Thư từng tham gia nhiều cuộc thi, biểu diễn piano trên những sân khấu lớn trong và ngoài nước (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Năm 2017, Anh Thư giành giải nhì trong cuộc thi Piano ở TPHCM. Nhờ đó, em được đặc cách tuyển thẳng vào Nhạc viện TPHCM. Sau 4 năm, vào tháng 10/2021, Thư trúng tuyển lên bậc đại học Khoa Piano với điểm lý thuyết 9, điểm thực hành 9,5.

Với thành tích này, ngày 22/2, Anh Thư được Tổ chức Kỷ Lục Việt Nam trao tặng Kỷ lục - Ý Chí Kỷ Lục Việt Nam - "Nữ sinh khiếm thị đầu tiên tại Việt Nam đạt Á Khoa - Khoa Piano trong kỳ tuyển sinh Đại học của Nhạc viện TPHCM, năm học 2021-2022".

Kết quả này không chỉ là sự rèn luyện của Thư trong hơn 10 năm qua mà là sự nỗ lực gấp rút trong những ngày cận kề kỳ thi. Thời điểm đó, Thư thường dành khoảng 7-8 tiếng mỗi ngày để tập đàn. Có khi, em ngồi trước đàn piano liên tục suốt một buổi sáng.

Sợ con quá sức, chị Hồng thường khuyên Thư đi ngủ sớm. Nhưng cứ canh mẹ ngủ, vào 1-2 giờ sáng, Thư thức giấc, để âm lượng đàn ở mức nhỏ nhất rồi say sưa tập luyện.

"Em không nghĩ đó là sự cạnh tranh thành tích với sinh viên khác mà chỉ nghĩ là mình phải luôn cố gắng hết sức, làm tốt nhất có thể cho kỳ thi. Với em, cuộc thi hay buổi biểu diễn nào cũng đều quan trọng như nhau", Thư chia sẻ.

Bước vào đại học, ngoài ngành chính là piano, Thư còn đang thử sức với việc học thêm sáng tác, thanh nhạc để khám phá khả năng bản thân.

Bé gái nhận bản án tăm tối thành kỷ lục gia về ý chí  - 4

Hành trình của Anh Thư luôn có mẹ đồng hành (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Là người trực tiếp giảng dạy cho Anh Thư trong 4 năm ở bậc trung cấp và tiếp tục bậc đại học, Thạc sĩ Nguyễn Thùy Yên chia sẻ những trở ngại của Anh Thư khi đến với piano, do thiếu giáo trình giảng dạy chuyên biệt.

"Khi dạy Anh Thư, mình có khá nhiều điều phải thay đổi trong cách làm việc. Đầu tiên phải tự xem như mình cũng khiếm thị để phần nào hiểu cảm giác của con, tìm những cách giải quyết kỹ thuật phù hợp với con mà vẫn phải đảm bảo yêu cầu của bài. Bên cạnh đó sách vở, tài liệu cũng là một khó khăn đáng kể khi trường chưa có tài liệu âm nhạc cho người khiếm thị", Thạc sĩ Thùy Yên nói.

Từ năm cuối trung cấp ở Nhạc viện, Thư đã có thể đi biểu diễn ở nhiều nơi rất chuyên nghiệp. Song song với đam mê được mang những âm thanh đẹp của đàn piano lên sân khấu, Thư còn tham gia vào các lớp dạy piano thiện nguyện tại trường cũ Nguyễn Đình Chiểu.

"Ước mơ của em là trở thành một giáo viên dạy piano. Nên khi được làm người tiếp nối, chia sẻ và truyền lại những gì mình đã học cho người khác, em thấy có ý nghĩa", Anh Thư chia sẻ.