Bảo vệ trẻ em cần phải được diễn ra từng phút, từng giờ
(Dân trí) - Theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, việc trẻ em lạm dụng và tiếp cận những nguồn tin chưa phù hợp ở trên internet có thể dẫn đến việc bị xâm hại trên môi trường mạng.
"Hàng triệu trẻ em có nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng trong thời gian cách ly, giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19..." - đó là khuyến cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), trong bối cảnh các em phải học tập và giao lưu nhiều hơn trên mạng do không thể tới trường.
Nhân dịp Ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6), PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), về vấn đề này.
Thưa bà, trước khuyến cáo của UNICEF, Cục Trẻ em đã có những đề xuất, kiến nghị như thế nào đến các cấp ban, ngành trung ương, địa phương để bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ bị xâm hại?
- Theo thống kê của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), trong quý 1/2021, trên toàn quốc phát hiện 497 vụ xâm hại 512 trẻ em, trong đó xâm hại tình dục chiếm 80,88%. Số vụ xâm hại tình dục trẻ em tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong mùa dịch Covid-19, chúng ta cần kết hợp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch và tăng cường công tác bảo vệ trẻ em.
Trên cơ sở đó, Cục Trẻ em đã đề nghị các địa phương, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em và Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em.
Cục Trẻ em đã tăng cường phổ biến kiến thức về bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch Covid-19, cũng như hướng dẫn các kỹ năng phát hiện, tố cáo kịp thời các hành vi xâm hại trẻ em. Đặc biệt chú trọng ở các điểm cách ly tập trung có đông trẻ em và tại các cơ sở giáo dục, các địa phương có trẻ em phải cách ly tại gia đình.
Đồng thời chỉ đạo các tỉnh thành trên cả nước tiếp nhận, hỗ trợ, can thiệp đầy đủ, kịp thời đối với trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, trẻ em bị xâm hại; giải quyết kịp thời, xử lý nghiêm minh các vụ việc xâm hại trẻ em.
Làm thế nào để cha mẹ có thể giám sát, bảo vệ con em trước nguy cơ bị xâm hại trong trường hợp bắt buộc phải gửi con để đi làm, thưa bà?
- Trong trường hợp bắt buộc phải gửi con, cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần chỉ bảo, hướng dẫn con cái về một số kỹ năng tự bảo vệ mình trước người xấu và trong cả trường hợp bị xâm hại.
Cha mẹ cần coi trọng công tác phòng ngừa, đặc biệt là tố giác những hành vi xâm hại và nghi ngờ xâm hại trẻ em để cơ quan chức năng kịp thời xử lý nghiêm hành vi đồi bại đó.
Trong bối cảnh Covid-19 bùng phát, trẻ em không thể đến trường và phải học tập, giao lưu nhiều hơn trên môi trường internet. Vậy, Cục Trẻ em sẽ phối hợp với các ban, ngành chức năng như thế nào để đảm bảo trẻ được an toàn trên không gian mạng, thưa bà?
- Theo tôi, việc bảo vệ trẻ em ở môi trường sống hay trên môi trường mạng cần phải được diễn ra liên tục từng phút, từng giờ.
Cục Trẻ em đã chủ động thông tin, có công văn đề nghị kiểm tra, xử lý các nội dung đăng tải trên mạng xã hội có nội dung xấu, độc, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em.
Đồng thời Cục đã phối hợp tăng cường triển khai các biện pháp kỹ thuật, chắt lọc, gỡ bỏ nội dung không phù hợp với trẻ em trên nền tảng internet. Mới đây, một số kênh youtube như: Thơ Nguyễn, Timmy TV,… có nội dung đăng tải làm ảnh hưởng xấu đến trẻ em đã được xử lý kịp thời.
Về phía gia đình, cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần làm gì để bảo vệ trẻ em khỏi những mối nguy hại trên môi trường mạng, thưa bà?
- Để hỗ trợ con em tránh gặp phải những rắc rối khi hoạt động trong môi trường mạng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em cần tạo nguyên tắc, trao đổi với trẻ để cùng đưa ra nguyên tắc về sử dụng internet và điện thoại di động.
Ngoài ra, việc sử dụng các biện pháp công nghệ như cài đặt thiết bị, phần mềm chống, chặn, lọc nội dung không phù hợp với trẻ em trên các thiết bị truy cập mạng là điều cần thiết.
Tuy nhiên, phương pháp đem lại hiệu quả cao nhất vẫn là việc trao đổi cởi mở, trò chuyện với con để biết được con thường truy cập, sử dụng nội dung nào và vì sao để hướng dẫn con cách tìm kiếm, sử dụng thông tin, hình ảnh phù hợp...
Xin cảm ơn bà