Bạo hành tại Mái ấm Hoa Hồng: Khi xã hội vẫn còn thờ ơ, vô tâm!
(Dân trí) - Trước sự việc bạo hành tại Mái ấm Hoa Hồng, chuyên gia về trẻ em cho hay có nhiều vấn đề còn tồn đọng, trong đó, một phần nguyên nhân là do cộng đồng chưa thật sự lưu tâm một cách thường xuyên.
Xót xa vô tận!
"Tôi cảm thấy rất sốc khi xem đoạn clip trẻ em bị bạo hành tại Mái ấm Hoa Hồng", ông Trần Công Bình, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục TPHCM, người làm việc hàng chục năm trong lĩnh vực về trẻ em, vẫn chưa thôi bàng hoàng trước sự việc này.
Ông Bình cho biết trước đây đã có một số vụ việc sai phạm xảy ra tại các cơ sở bảo trợ trẻ em nhưng chuyện bạo hành như vậy là rất hy hữu. Sự việc ở Mái ấm Hoa Hồng thể hiện tính chất đặc biệt nghiêm trọng, bởi không chỉ một trẻ mà nhiều trẻ tại đây bị đối xử vô cùng khủng khiếp trong thời gian dài.
Theo ông Bình, các nghiên cứu đã chỉ ra, việc chăm sóc tập trung số lượng lớn trẻ em sẽ dễ gây ra tình trạng bạo hành, với tỷ lệ xảy ra khoảng 70-80%. Nguyên nhân là sức ép công việc chăm sóc khiến các nhân viên, đặc biệt là những người không được chọn lọc và đào tạo bài bản, không kiểm soát được tâm lý.
Điều này dẫn đến những bức xúc và hành động xâm hại, bạo hành trẻ của nhân viên trong thời gian dài, nếu không được phát hiện kịp thời. Nhân viên chăm sóc trẻ phải là những người được tuyển chọn và đào tạo chuyên nghiệp.
Họ cần tiến hành công việc theo những chuẩn mực, quy định đặc thù và được kiểm soát, nhắc nhở thường xuyên thì mới tránh được những hành vi bạo hành trẻ.
"Công ước Liên hợp quốc về Quyền của trẻ em (UNCRC) đề ra nguyên tắc, việc chăm sóc tập trung chỉ là giải pháp sau cùng. Nghĩa là trong các trường hợp bất khả kháng thì mới cho phép các cơ sở tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ như vậy, còn chủ yếu vẫn là tìm gia đình thay thế cho trẻ.
Kiểu chăm sóc tập trung chỉ diễn ra một thời gian nhất định. Sau đó, các em cần được chăm sóc tại cộng đồng, trong môi trường gia đình hoặc gần như gia đình để đảm bảo sự phát triển an toàn, bình thường với trẻ", ông Bình chia sẻ.
Cần phân bổ lại nguồn lực
Bên cạnh đó, vị chuyên gia bày tỏ trăn trở việc cộng đồng vẫn chưa ý thức và bận tâm đến các vấn đề bạo hành và xâm hại trẻ em. Sự việc lần này chính là một hồi chuông cảnh báo.
"Tại các hội thảo, diễn đàn, tôi luôn nhắc đi nhắc lại vấn đề này nhưng dường như mọi người không quá quan tâm. Tức là chỉ khi một vụ việc nổ ra cộng đồng mới dậy sóng bức xúc, lên án các hành vi, đặt vấn đề kiểm tra, giám sát. Đến khi sự việc lắng xuống, mọi việc lại... đâu vào đấy", Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục TPHCM phân tích.
Ngoài ra, vị chuyên gia chia sẻ việc phân bổ nguồn lực quản lý và cơ chế vận hành vẫn chưa được sử dụng hiệu quả.
"Khi xảy ra những sự việc như Mái ấm Hoa hồng, cần phải đặt câu hỏi ai là người chịu trách nhiệm và xử lý vấn đề một cách rốt ráo. Tôi thấy mừng là sự việc này, rất nhiều cơ quan chức năng vào cuộc rất nhanh chóng, trẻ được chuyển ngay tới những nơi an toàn hơn", ông Bảo nhận định.
Vị chuyên gia cho hay, nếu có thể khắc phục những bất cập bộc lộ, kèm theo nỗ lực đào tạo, giám sát, hỗ trợ cả đột xuất và định kỳ thì sẽ giảm được tình trạng bạo hành trẻ em. Ông nhấn mạnh, yếu tố tiên quyết là phòng ngừa để phát hiện những nguy cơ và ngăn chặn kịp thời.
Xử lý nghiêm cá nhân vi phạm
Ông Nguyễn Tăng Minh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, bày tỏ: "Chúng tôi rất tiếc khi đã để lọt trường hợp vi phạm tại Mái ấm Hoa Hồng. Đây là cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý của quận, vì thế, thành phố không thể vươn cánh tay dài để kiểm soát hết tất cả các cơ sở".
Sau sự việc này, ông cho hay các cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Sở sẽ thực hiện nghiêm việc kiểm soát, quản lý các cơ sở bảo trợ trên địa bàn.
Dự tính, sắp tới, các đơn vị trực thuộc Sở sẽ phải báo cáo thường xuyên, kiểm tra đột xuất hằng tháng về tình hình hoạt động tại các cơ sở bảo trợ do từng quận quản lý.
Theo luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn luật sư TPHCM, những đưa trẻ được nuôi dưỡng tại các cơ sở như tại các mái ấm, nhà tình thương thường là những trẻ em mồ côi, vốn đã thiếu thốn tình cảm của gia đình. Những hành vi bạo hành của các bảo mẫu là đã vi phạm một trong những điều cấm của Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Các bảo mẫu này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 đến 20 triệu đồng với hành vi xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em. Riêng hành vi gây tổn hại tinh thần, họ sẽ tiếp tục bị phạt tiền ở mức tương tự.
Ngoài ra, các bảo mẫu còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm: buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em; tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe trẻ em đối với hành vi thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.
Các bảo mẫu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác và tội hành hạ người khác. Tùy vào mức độ và hành vi, họ sẽ đối mặt với những mức phạt từ cải tạo không giam giữ 3 năm cho đến tù chung thân.