Giám đốc chi chục tỷ xây đường trả lời câu hỏi "tiền nhiều để làm gì?"
(Dân trí) - Ông Lang xắn ống quần, lội xuống ao kiểm tra lứa sen giống mới trồng, bên cạnh là cây cầu, con đường với nhiều cảnh quan do ông bỏ tiền túi xây trong 10 năm qua.
"Phố ông Lang" giữa làng
Chiều cuối tuần, ông Nguyễn Ngọc Lang, 54 tuổi lái ô tô từ nhà máy mỹ phẩm của mình ở quận Bình Tân, TPHCM về quê, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Ông giám đốc dừng xe, đi bộ vào đoạn đường rộng 4m, dài hơn 500m với hoa mười giờ nở rộ hai bên ở ấp Tân Hòa. Ngoài những dụng cụ tập thể dục, ông Lang đầu tư dựng lên những công trình tiểu cảnh làm điểm tham quan du lịch, check-in cho người dân quanh vùng.
Con đường do ông bỏ tiền xây dựng khang trang như bây giờ ngày xưa chỉ là đường mòn men theo cánh đồng lúa của gia đình. Thuở bé, ông Lang phải nghỉ học từ năm lớp 4 phụ cha mẹ việc đồng áng vì gia cảnh nghèo khó.
Sau hơn 20 năm xa quê, lên Sài Gòn lập nghiệp, từ một nhân viên tiếp thị, ông Lang trở thành Giám đốc một doanh nghiệp hơn 100 nhân viên. Cứ mỗi lần về thăm quê, ông Giám đốc lại thấy những con đường hầu như không thay đổi nhiều. Ám ảnh về những ngày mưa, men theo con đường sình lầy ra đồng trơn trượt, ông Lang đau đáu ước mơ xây con đường bê tông tặng dân làng, đền đáp quê hương.
Đó là lý do để từ năm 2012, ông Lang bắt đầu bỏ tiền túi bê tông hóa nhiều tuyến đường ở xã Giai Xuân.
Ông Huỳnh Việt Cường, Chủ tịch xã Giai Xuân cho biết, đoạn đường du lịch sinh thái này chỉ là một phần nhỏ trong 15km đường bê tông hóa mà ông Lang đã bỏ hơn 17 tỷ đồng xây trong 10 năm qua. Cùng với việc bỏ tiền túi làm đường, năm nào ông Lang cũng có chương trình tặng gạo cho người dân nghèo và sách vở, xe đạp cho các em học sinh vượt khó.
"Đặc biệt hơn, người dân địa phương gọi đoạn đường này là "Phố ông Lang". Con đường không chỉ giúp việc đi lại dễ dàng, mà nơi đây đã trở thành một điểm tham quan du lịch sinh thái hoàn toàn miễn phí", vị Chủ tịch xã chia sẻ.
Ông Giám đốc không xây dựng đồng loạt mà tùy vào lợi nhuận mỗi năm của công ty, ông lại trích một phần để làm đường cho quê nhà. Có đoạn 2m, có đoạn 4m, tùy vào địa hình từng điểm.
Năm 2018, sau khi xin phép địa phương, ông chi hơn 5 tỷ đồng xây dựng 5km đường ô tô rộng 4m thay cho đoạn đường đất trước đó.
Tuy nhiên, khác với những lần làm đường trước đây, mỗi năm chỉ bỏ vài trăm triệu, lần này, ông chi tiền tỷ. Ông Lang bảo, khi ấy cũng có chút đắn đo, sợ vợ chỉ "bằng mặt mà không bằng lòng".
Vợ ông, bà Lê Thị Truyền, 54 tuổi, cười xòa nói: "Thời điểm này, gia đình đã có sự nghiệp ổn định, người thân hai bên và con cái đều đã lo xong nên muốn đóng góp cho cộng đồng nhiều hơn".
Cho đi là còn mãi
Năm 2019, trong lúc còn nhiều dự định với nhiều tuyến đường ở quê hương, ông Lang bị sốc nhiễm trùng ống mật. Hôn mê suốt 6 ngày, bác sĩ tiên lượng cơ hội sống của ông chỉ 1%. May mắn, ông Lang tỉnh lại. Những ngày nằm trên giường bệnh, ông nghĩ có lẽ nên giao lại việc quản lý công ty cho vợ con, đồng thời cũng gác lại hành trình xây đường.
Nhưng sau khi hồi phục, ông Giám đốc thấy bản thân vẫn có đủ sức khỏe để làm việc hiệu quả, việc kinh doanh của gia đình cũng tốt hơn nên thay đã đổi ý định.
"Còn sức khỏe, còn làm được thì phải cố gắng, làm để giúp người dân quê nhà, để sau này không còn gì phải tiếc nuối", ông nói.
Giữa năm ngoái, ông Lang rời Sài Gòn, về quê tránh dịch. Ông Giám đốc không tận dụng thời gian nghỉ ngơi mà liên hệ chính quyền, thuê nhân công xây dựng cây cầu dài 32 mét bắc qua sông, rút ngắn 5km quãng đường từ ấp lên xã.
Những ngày Cần Thơ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19, ông Lang tình nguyện lái xe chở nhu yếu phẩm, vật tư y tế miễn phí, tranh thủ thu mua gốc sen về trồng. Chẳng ngại chuyện là Giám đốc, lại vừa bệnh thập tử nhất sinh, ông Lang trần mình phơi nắng cùng mọi người trồng sen.
"Trồng được ít bữa, tôi phải lội xuống kiểm tra, thất bại 8 lần suốt mấy tháng liền mới có được ao sen đẹp như bây giờ", ông chia sẻ.
Giờ đây, con đường rộng 4m, chạy dọc bờ sông và cánh đồng lúa thời gắn với thời thơ ấu khó khăn trở thành điểm tham quan du lịch. Hai bên đường, ông trồng hoa, lắp hàng trăm bóng đèn năng lượng mặt trời. Ông trồng bầu bí, trồng rau sạch, người dân đến tham quan thích thì hái ăn.
Dịp Tết Nguyên đán, ông Lang biến nơi đây thành một khu chợ quê, tổ chức nhiều trò chơi dân gian có thưởng như bịt mắt bắt vịt, đập niêu đất, đua ghe… Trong khi ông còn bận công việc kinh doanh ở Sài Gòn thì bà Truyền, vợ ông, chủ động thay chồng về quê để lo việc tổ chức chương trình ở con đường du lịch sinh thái vừa xây xong.
Chứng kiến vợ mình chọn mua những bộ trang phục để bà con mặc chụp hình, hay đứng phơi nắng điều phối công nhân thiết kế, sắp xếp các tiểu cảnh để "check-in", ông Lang mới tin, vợ ủng hộ việc làm của mình tuyệt đối.
"Nỗi canh cánh sợ mình đem tiền lo cho cộng đồng nhiều quá khiến vợ con buồn của tôi bấy lâu được giải tỏa", ông Lang tâm sự.
Với những đóng góp trong 10 năm xây dựng quê hương của mình, năm ngoái ông Lang được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND TP Cần Thơ. Ông cho biết, hiện tại, khu du lịch sinh thái đang được ông triển khai giai đoạn 2 bằng cách trồng thêm hoa mười giờ, mở rộng ao sen để phục vụ người dân vui chơi tham quan dịp lễ 30/4 và Quốc khánh 2/9 sắp tới.
"Tôi chỉ cầu mong sức khỏe và công việc kinh doanh thuận lợi để tiếp tục đóng góp cho quê hương, không tiếc gì. Nhiều người hay nói "tiền nhiều để làm gì?", tôi chỉ cười và nghĩ nếu tôi có thêm nhiều tiền thì không thiếu việc để làm, để đền đáp quê hương. Vì cho đi là còn mãi", ông Lang cho biết.
Diệp Phan