Bạc Liêu: Chi trả kịp thời chế độ cho hàng ngàn người có công cách mạng
(Dân trí) - Thời gian qua, ngành LĐ-TB&XH Bạc Liêu đã chi trả kịp thời, đầy đủ chế độ trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được hưởng thường xuyên, cũng như một lần.
Ông Bùi Minh Túy, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu, cho biết, trong năm 2020, tỉnh đã giải quyết 1.453 hồ sơ lĩnh vực người có công.
Trong đó, thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời chế độ trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng cho trên 10.380 người được hưởng thường xuyên, với số tiền hơn 180 tỷ đồng.
Chi trả cho hơn 1.250 người có công với cách mạng thường xuyên hưởng trợ cấp một lần với số tiền trên 11,3 tỷ đồng.
Theo ông Túy, trong dịp Tết Nguyên đán 2020 và kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ vừa qua, tỉnh đã chuyển cấp quà của Chủ tịch nước và của tỉnh đầy đủ, kịp thời cho 40.690 đối tượng người có công, gia đình chính sách với số tiền gần 20 tỷ đồng.
Đặc biệt, tỉnh vẫn duy trì tốt việc hỗ trợ, giúp đỡ 140 thương binh hạng 1/4 và 2/4 có mức sống trung bình kinh tế khó khăn và phụng dưỡng 90 Bà mẹ Việt Nam anh hùng với số tiền 1 triệu đồng/người/tháng.
Trong năm 2020, ngành cũng đã tổ chức đưa người có công đi tham quan được 2 chuyến, với 130 người; đưa người có công đi điều dưỡng tập trung 4 chuyến, 322 người, với số tiền hơn 714 triệu đồng (khoảng 2,2 triệu đồng/người).
Qua rà soát từ các địa phương, có 2.952 người có công và thân nhân đủ điều kiện để hưởng chế độ điều dưỡng tại gia đình, với chi phí hơn 3,2 tỷ đồng (hơn 1,1 triệu đồng/người).
Về chế độ, như huyện Vĩnh Lợi, năm qua huyện này có 45 người có công đi điều dưỡng tập trung. Ngoài kinh phí của tỉnh thì huyện còn hỗ trợ thêm 500.000/người.
Theo Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu, do năm nay dịch bệnh Covid-19 phức tạp nên đã ảnh hưởng đến việc đưa người có công đi tham quan và điều dưỡng tập trung, từ đó kế hoạch ban đầu đã phải điều chỉnh lại số lượng người, địa điểm đi.
Khó khăn nữa trong công tác này là phần lớn các đối tượng người có công đều lớn tuổi, tình hình sức khỏe không ổn định nên phần nào ảnh hưởng việ đi lại; ngoài ra, một số đối tượng do hoàn cảnh khó khăn nên phải làm ăn xa, cho nên không về được để nhận tiền điều dưỡng tại gia đình, dẫn đến có sự chậm trễ.
Tỉnh Bạc Liêu có 12.159 liệt sĩ, 6.561 thương binh, bệnh binh. Tỉnh đang quản lý 69.000 người có công với cách mạng và có 10.383 người đang hưởng chế độ hàng tháng.
Trong công tác chăm lo người có công, ông Vương Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, đề nghị thời gian tới ngành LĐ-TB&XH tiếp tục rà soát, hướng dẫn, tiếp nhận giải quyết các hồ sơ người có công với cách mạng một cách chính xác, bảo đảm người thực sự có công được thụ hưởng đầy đủ chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước.
"Đây là việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, không chỉ của riêng ngành LĐ-TB&XH mà còn cả hệ thống chính trị đối với gia đình chính sách, người có công", ông Nam nhấn mạnh.
Thực hiện có hiệu quả công tác đền ơn đáp nghĩa, trong đó huy động thêm xã hóa, cùng với nguồn lực của Nhà nước đủ sức để chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng được tốt hơn nữa, bảo đảm các đối tượng này không còn hộ nghèo, cận nghèo.
"Nhất quyết không để đối tượng người có công còn nghèo, hoặc tái nghèo. Địa phương nào để hộ chính sách, người có công tái nghèo hoặc lâm vào hoàn cảnh nghèo thì địa phương đó thiếu quan tâm", Phó Chủ tịch Bạc Liêu lưu ý.
Bà Nguyễn Thùy Như, Phó Giám đốc phụ trách Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu, đề nghị các địa phương quan tâm chỉ đạo, kiểm tra việc chi trả chế độ chính sách cho người có công, nhất là chế độ điều dưỡng tại gia.
"Phòng LĐ-TB&XH phối hợp cùng ban, ngành huyện cần quan tâm giải quyết kịp thời những yêu cầu chính đáng của người dân liên quan đến lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trên địa bàn", bà Như đề nghị.