Bà mẹ ở TPHCM mất loạt bạn bè vì… clip đánh ghen "trần như nhộng"
(Dân trí) - Những ngày qua, chị Trần Như Nhật Lệ đã chặn và hủy kết bạn với hàng loạt bạn bè chia sẻ, bình phẩm hả hê trước clip đánh ghen "trần như nhộng".
Không chấp nhận lấy cảnh đánh ghen ra mua vui
Chị Nhật Lệ, 38 tuổi, ở Tân Phú, TPHCM chia sẻ, những ngày trước, chị khó chịu khi trên trang cá nhân của mình không ít bạn bè, chị em chia sẻ, cười cợt về clip đánh ghen, bắt quả tang chồng và nhân tình "trần như nhộng".
Thấy nhiều người trong danh sách bạn bè chia sẻ thông tin này với trạng thái hả hê, sung sướng, cười nhạo mà chị không khỏi rùng mình, ớn lạnh. Trong đó có cả những người được xem là tri thức, được nhiều người trọng nể, thường hay chia sẻ những bài học về đạo đức, về đạo làm người.
Chị từng đọc ý kiến của một người rằng: "Chuyện ngoại tình, đánh ghen, người ta lỗi lầm, sai trái với người bạn đời, con cái, gia đình họ; họ sai về mặt pháp luật chứ không phải sai với chúng ta".
Từ đó, chị nhận ra, mình không đủ tư cách để bình phẩm, đánh giá, cười cợt người khác.
"Cảm giác ức chế, tức giận trào lên trong tôi khi một người bạn đổ trạng thái bình phẩm "Hàng nhà "khủng" thế kia, chị đánh là phải", rồi tag (gắn thẻ) nhiều người vào, có cả tôi. Dưới đó là hàng loạt bình luận cợt nhả, thô tục.
Tôi lập tức hủy kết bạn với người này và chặn, hủy thêm một loạt người trong danh sách bạn bè của mình - những người lấy chuyện đời tư của người khác ra làm thú vui", chị Lệ kể.
Chị Lệ biết rõ "vắng mợ thì chợ vẫn đông", động thái của chị chẳng ảnh hưởng gì đến họ nhưng đây là cách chị thể hiện quan điểm, suy nghĩ, giá trị sống của bản thân.
Người mẹ lý giải thêm, con gái đầu của chị 14 tuổi, cháu mới bắt đầu dùng Facebook. Chị cẩn trọng trong việc dùng mạng xã hội bởi sau lưng mình, có con đang "quan sát".
Chị thường trao đổi với các con về nguyên tắc sử dụng mạng xã hội như không để lộ thông tin cá nhân; không chia sẻ, bình phẩm những thông tin riêng tư của người khác; tránh bạo lực trên mạng xã hội về ngôn từ, lời nói, hình ảnh; không vi phạm pháp luật…
"Dạy con như vậy nên vợ chồng tôi phải là người thực hiện các nguyên tắc này đầu tiên. Thật khó chấp nhận bố mẹ một mặt dạy con không đánh bạn, biết chia sẻ đồng cảm với nỗi đau của người khác, sống nhân ái còn mặt kia đi cổ vũ, tung hê cảnh tượng đồng loại đánh đập, kéo tóc, giằng xe, lột trần nhau", chị Lệ nói thêm.
Trẻ nhỏ nhìn vào những gì người lớn làm
Cùng quan điểm, chị Nguyễn Thị Ánh, ở Đồng Nai cho biết, chị cũng đã hủy tương tác với khá nhiều người liên quan đến clip đánh ghen " trần như nhộng" những ngày qua.
Với chị, sử dụng mạng xã hội cần chỉn chu, gọn gàng hơn cả quần áo đang mặc trên người vì đây không chỉ là vẻ bề ngoài mà còn phơi bày con người, suy nghĩ, tâm hồn, giá trị bên trong của mình.
Con trẻ sẽ nhìn vào lời ăn tiếng nói, cách thể hiện, cách suy nghĩ của người lớn mà giờ đây, những điều này được thể hiện rõ nét qua mạng xã hội.
"Khi người lớn chia sẻ, hả hê với những clip đánh ghen kinh hoàng thì người tiếp cận những thông tin này chính là con cái chúng ta đấy", chị băn khoăn.
Chị Nguyễn Thị Ánh trải lòng, giờ đây người lớn rất dễ phê phán, chê bai con trẻ ngày nay bạo lực, vô cảm. Chúng ta lên án rồi lo lắng khi trẻ con đánh nhau, khi chúng vô cảm đứng hò hét, quay clip cảnh bạn bè đánh nhau. Nhưng hãy thử hỏi chúng nhìn vào ai?
"Con cái chúng ta nhìn thấy tràn lan cảnh tượng người lớn đang bạo lực hay đang cổ vũ, tung hê cho bạo lực, cho những hành vi làm nhục người khác.
Điều này các con thấy không chỉ trong đời sống thực mà còn tràn lan trên mạng xã hội, đặc biệt thể hiện rõ qua các clip đánh ghen được người lớn chia sẻ với tốc độ chóng mặt, với đủ bình phẩm tàn nhẫn, vô cảm, thô tục", chị Nguyễn Thị Ánh nói.
Chị Ánh cho hay, khi không thể mong chờ vào một mạng xã hội lành mạnh hay những người lớn lành mạnh, mỗi người vẫn có thể làm những gì trong khả năng. Chị từ chối việc cười cợt trên cảnh tượng đánh đập, xé áo xé quần, từ chối cười trên nỗi đau của người khác.
Nào chỉ có những clip đánh ghen kinh dị của người lớn, gần đây không thiếu những clip trẻ rạch mặt, kéo tóc, đánh tới tấp mũ bảo hiểm vào đầu đối phương, đánh hội đồng bạn xuất phát mâu thuẫn tình cảm, ghen tuông.
Khi được hỏi về những clip đánh ghen của trẻ nhỏ, bà Nguyễn Thùy An, chuyên viên tâm lý học đường một trường THCS tại TPHCM bày tỏ, đó là câu chuyện trẻ mới lớn rất quan tâm, rất nặng lòng vì liên quan đến vấn đề yêu đương, tình cảm.
"Trẻ đang nhìn thấy gì ở cách hành xử của người lớn trên mạng xã hội? Người lớn đánh ghen và tung hê lên mạng rồi tiếp đó là đám đông hả hê, hô hào, cổ vũ, hưởng ứng. Trẻ không nghe những gì chúng ta nói, chúng nhìn những gì chúng ta làm", bà An cảnh báo.
Cách hành xử của trẻ, theo bà An không chỉ thể hiện về quan điểm, lối sống chúng thụ hưởng mà hơn hết còn là phản ứng của việc chúng mất niềm tin vào bố mẹ, vào người lớn.