Ba mẹ cho con nổi tiếng từ sớm: "Người lớn còn sợ, huống chi con nít"
(Dân trí) - "Người lớn đứng trước máy quay còn phải tập luyện với thời gian dài. Việc để một đứa trẻ đứng trước ống kính, cùng đám đông ồn ào, sẽ gây ảnh hưởng không ít đến trẻ", chuyên gia cho biết.
Những đứa trẻ không biết mình là người nổi tiếng
Gần đây, cư dân mạng tranh cãi nhiều vấn đề xoay quanh việc bé Pam (SN 2022) - một hiện tượng nổi tiếng trên mạng xã hội - được ba mẹ cho tham gia đóng quảng cáo, đến dự những chương trình, sự kiện đông người, ồn ào, náo nhiệt.
Theo đó, Pam đã tham dự một sự kiện tại trung tâm thương mại ở TPHCM. Tại sự kiện này, có rất nhiều người kéo đến để tận mắt xem và ghi lại hình ảnh của "thần tượng nhí" đang được quan tâm trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, vì quá đông người, Pam đã òa khóc khi vừa mới bước ra. Phải mất một lúc, ba mẹ mới có thể trấn an, giúp bé bình tĩnh lại. Song trong suốt quá trình diễn ra sự kiện, dù cố gắng tương tác với khán giả theo lời ba mẹ, Pam vẫn không giấu được nét mặt hoang mang, sự nhút nhát và liên tục đòi về nhà.
Khi ra về, đám đông vẫn tiếp tục vây quanh cô bé và một số người còn chạm vào người Pam nhưng cô bé chỉ ngơ ngác, không hiểu lí do vì sao.
Đáng chú ý, khi sự kiện kết thúc, nữ MC - người dẫn chương trình - của sự kiện hôm ấy còn bị cư dân mạng "ném đá", vì cho rằng cô chính là nguyên nhân khiến Pam bật khóc. Nữ MC cũng đã lên mạng phân trần và khóc nức nở trước những lời công kích từ cộng đồng mạng.
Sau sự việc này, nhiều người đặt câu hỏi rằng: "Liệu việc cho một đứa trẻ còn quá nhỏ tham gia nhiều sự kiện đông người và trở thành người nổi tiếng từ sớm có đang ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ?".
Không riêng Pam, trên mạng xã hội, nhiều "thần tượng nhí" cũng được ba mẹ xây dựng hình ảnh từ nhỏ hay theo đuổi sự nổi tiếng kiểu KOL gia đình hay KOF (những gia đình có lượng người theo dõi lớn trên mạng xã hội, thường xuyên chia sẻ về cuộc sống thường ngày và có sức ảnh hưởng đến cộng đồng).
Trong khi nhiều KOF hạn chế hết mức việc cho trẻ xuất hiện trước công chúng, một số gia đình vẫn thường xuyên cho con tham gia các sự kiện đông người, có máy quay, đèn rọi thẳng vào mặt.
Hãy để trẻ em được yên ổn làm… trẻ em
Theo ông Lê Anh Tú, Giảng viên khoa Quan hệ công chúng - Truyền thông, trường ĐH Văn Lang, ba mẹ cần cân nhắc và cẩn trọng hết mức trong việc quyết định cho con trở thành người nổi tiếng và xuất hiện nhiều trước công chúng khi còn quá nhỏ tuổi.
"Điều này phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của đứa trẻ. Bởi một người lớn khi đứng trước máy quay, đám đông ồn ào, họ còn thấy sợ và lo lắng, huống chi là một đứa trẻ chỉ mới 2 tuổi.
Chẳng hạn như một người dẫn chương trình, nếu muốn nói tốt trước ống kính thì phải tập luyện hàng tháng, hàng năm mới vượt qua nỗi sợ và tự tin. Việc ép một đứa trẻ chỉ mới 2, 3 tuổi vui vẻ, giao lưu trước đám đông là một điều rất khó, hiếm có đứa trẻ nào đủ dạn dĩ để làm điều đó", ông Tú nói.
Ông Tú cho rằng ba mẹ chỉ nên tự ghi hình hoặc có đội ngũ ghi hình con một cách riêng tư, từ xa, tránh việc đưa con đến những sự kiện có quá nhiều người.
Chuyên gia tâm lý Hồng Hương, thường trực tại Thư Viện Lưu Trú - Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam, cho biết nếu đây không phải lần đầu tiên trẻ bị hoảng sợ, lo lắng, khóc khi đến sự kiện có đông người tham gia, ba mẹ cần xem xét và dừng ngay việc đưa con đến các sự kiện tương tự.
Trường hợp ba mẹ để con trở thành công cụ "câu" tương tác, mà quên mất con là trẻ em, khiến con cảm thấy không thoải mái thì sẽ vô tình vi phạm pháp luật về quyền trẻ em.
"Hãy để một đứa trẻ được làm một đứa trẻ thật sự. Nếu ba mẹ chỉ chụp ảnh, quay clip con để lập một kênh mạng xã hội nhằm lưu trữ kỷ niệm thì không vấn đề gì. Nhưng một khi con đã nổi tiếng thì không tránh được việc bị kẻ xấu lợi dụng, quấy rối", vị chuyên gia nói.
Xét về khía cạnh tâm lý, nếu trẻ luôn theo đà được những người xung quanh xem là "một em bé xuất sắc và nổi tiếng", đi đến đâu cũng được bủa vây và chú ý, về lâu dài, đứa trẻ có thể sẽ dễ bị mắc "bệnh ngôi sao".
Trẻ có thể sẽ nghĩ rằng "mình là nhất". Tuy nhiên, một khi không còn được chú ý nữa, trẻ sẽ có những xáo trộn về tâm lý.
"Ngoài ra, khi trở thành người có ảnh hưởng trong cộng đồng, không chỉ riêng đứa trẻ mà bất kỳ ai cũng sẽ phải giữ hình ảnh tuyệt đối trước công chúng. Điều này khiến cho sự tự do cá nhân bị thu hẹp, trẻ sẽ phải sống theo quy chuẩn mà người khác gắn cho mình", bà Hồng Hương cho hay.
Trong trường hợp trẻ đã nổi tiếng, vị chuyên gia khuyên rằng ba mẹ cần cân nhắc, không nên sa đà và xem con mình như một công cụ để kiếm tiền. Phụ huynh phải để cho con giữ được sự hồn nhiên của một đứa trẻ.
Ngoài ra, ba mẹ cần có nhà tâm lý, nhà giáo dục đồng hành cùng con và tham vấn luật bảo vệ trẻ em. Điều này để đảm bảo con được bảo vệ, phát triển đúng hướng, quản trị rủi ro và ba mẹ cũng tránh việc vi phạm pháp luật.
"Ba mẹ nào cũng yêu thương con vô điều kiện bằng lý trí và trái tim của mình. Họ cũng không thật sự muốn mang con ra để làm công cụ kiếm tiền. Có thể họ chỉ nghĩ đến những điều tốt mang lại cho con khi nổi tiếng, nhưng lại quên mất việc xem xét những mặt hại. Nếu ba mẹ biết cách kiểm soát và quản trị được những rủi ro thì sẽ không có vấn đề gì đến sự phát triển của đứa trẻ", vị chuyên gia chia sẻ.