Những đứa trẻ trong vùng sạt lở Lào Cai đi bộ "cõng" đồ từ thiện về nhà

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Lo nhà bị sạt, không có đồ ăn, những đứa trẻ ở xã Nậm Khánh, huyện Bắc Hà (Lào Cai) đi bộ gần chục cây số, tìm đến nơi có đoàn xe cứu trợ, nhận nhu yếu phẩm "cõng" về nhà.

Mưa lũ kéo dài, đến nay nhiều khu vực tại tỉnh Lào Cai vẫn bị cô lập, đặc biệt là các xã miền núi. Con đường độc đạo dẫn từ trung tâm xã Nậm Khánh vào các thôn bản bị sạt lở nghiêm trọng, giao thông bị gián đoạn.

Người dân trong các khu vực này đã phải di chuyển hàng chục cây số, băng qua những đoạn đường núi hiểm trở để tiếp cận các đoàn cứu trợ, nhận lương thực và nước uống.

Những đứa trẻ trong vùng sạt lở ở Lào Cai băng rừng, cõng đồ từ thiện về nhà (Clip: Khuất Thị Dung).

Đoạn clip ghi lại cảnh hai em nhỏ ở xã Nậm Khánh (huyện Bắc Hà, Lào Cai) đi bộ gần chục cây số cõng nhu yếu phẩm về nhà vừa được đăng tải khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Chị Khuất Thị Dung (Bắc Hà, Lào Cai), chủ nhân đoạn clip đầy cảm xúc cho biết, chị gặp hai em bé trên đường, khi vận chuyển đồ tiếp tế vào xã Nậm Khánh. Hai em theo người lớn trong thôn, đi bộ gần chục cây số tìm tới đoàn xe cứu trợ, mong kiếm được đồ ăn mang về nhà.

"Lo sợ nhà bị sạt lở, không có đồ ăn, các em đã quyết định đi bộ tìm đoàn xe cứu trợ để xin đồ ăn mang về nhà", chị Dung nói với phóng viên Dân trí.

Hình ảnh những đứa trẻ gầy gò, lầm lũi giữa con đường gập ghềnh, mang trên vai bao lương thực nặng gần 20kg, khiến nữ tình nguyện viên thấy nhói lòng.

Những đứa trẻ trong vùng sạt lở Lào Cai đi bộ cõng đồ từ thiện về nhà - 1

Hai đứa trẻ ở xã Nậm Khánh, huyện Bắc Hà, Lào Cai cõng trên lưng bao lương thực nặng gần 20kg vượt chục cây số đường núi lở lói về nhà (Ảnh: Cắt từ clip).

Chị Dung là thành viên trong nhóm xe 0 đồng, cùng với hơn 40 người khác, đã hỗ trợ vận chuyển nhu yếu phẩm qua các điểm sạt lở vào khu vực bị cô lập, nơi người dân đã chịu cảnh đói nhiều ngày.

Theo chị Dung, việc vận chuyển nhu yếu phẩm đến các khu vực bị sạt lở không hề dễ dàng. Đoàn phải đi đường vòng, tránh các điểm nguy hiểm và đôi khi mất cả nửa ngày để tiếp cận người dân.

"Người dân ở xã khi thấy đoàn vào rất xúc động, nhiều người bật khóc. Họ khóc vì xã hội không quên họ, khi họ đã bị đói và cô lập suốt nhiều ngày liền", chị Dung chia sẻ.

Bên cạnh việc vận chuyển đồ tiếp tế, đoàn của chị Dung còn đi khảo sát và tìm kiếm những điểm thực sự cần sự trợ giúp.

"Mỗi ngày có rất nhiều đoàn cứu trợ đến Lào Cai, nhưng có nơi lại thừa, có nơi lại thiếu nhu yếu phẩm. Vì vậy, chúng tôi tự đi tìm hiểu, xác định những nơi đang bị cô lập, thực sự gặp khó khăn, sau đó thông tin cho các đoàn từ thiện để hỗ trợ kịp thời", chị Dung nói thêm.

Những đứa trẻ trong vùng sạt lở Lào Cai đi bộ cõng đồ từ thiện về nhà - 2

Hai chị em Dung không quản mưa nắng, chở đồ tiếp tế vào cho người dân vùng lũ (Ảnh: NVCC).

Trên hành trình, người phụ nữ chứng kiến không ít hoàn cảnh đáng thương. Có người đi bộ hàng chục cây số để tìm đoàn cứu trợ, sau đó lại đi bộ, cõng lương thực về nhà. Có gia đình nhịn đói 2-3 ngày, phải ăn củ sắn qua bữa.

"Tôi chỉ mong các đoàn từ thiện, khi đến hãy tìm hiểu kỹ đường đi và những nơi thực sự khó khăn. Mọi người có thể hỏi chính quyền địa phương, để họ thông báo cho người dân ra nhận quà cứu trợ.

Hãy cố gắng đi vào sâu hơn để tiếp cận những người đang gặp khó khăn thật sự", chị Dung nhắn nhủ.

Hơn một tuần qua, chị Dung đã tạm ngưng công việc kinh doanh của gia đình. Ban ngày, người phụ nữ đi tiền trạm, dẫn các đoàn cứu trợ vào những khu vực khó khăn. Ban đêm, chị thức làm bánh mì, tiếp tế cho người dân vùng lũ.

"Khi trở về nhà, ngồi bên gia đình, tôi lại rơi nước mắt, nghĩ đến những người ngoài kia không còn nhà cửa, người thân. Tôi chỉ mong góp chút sức để giúp bà con vượt qua giai đoạn khó khăn này", chị Dung xúc động nói.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chiều 18/9, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch UBND xã Nậm Khánh, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, cho biết hiện tại trên địa bàn xã có rất nhiều điểm sạt lở, đến mức không thể thống kê hết.

"Hiện nay, trong xã xuất hiện nhiều vết nứt mới, có nguy cơ sạt lở đất với khối lượng lớn. Các tuyến đường vào thôn bị chia cắt, không thể sử dụng xe để vận chuyển nhu yếu phẩm, buộc phải đi bộ.

Chúng tôi phải gửi nhờ lương thực, thực phẩm của các đoàn thiện nguyện tại xã bên cạnh, cách hơn 10km. Người dân đi bộ cả ngày trời mới mang được 20kg gạo về nhà.

Nhiều em nhỏ cũng phải theo chân cha mẹ và người lớn trong thôn tới điểm tập kết để nhận nhu yếu phẩm", ông Đạt thông tin.