Bà chủ lấy lại mặt bằng cho thuê 10 triệu đồng/tháng để mở cửa hàng 0 đồng
(Dân trí) - Với đam mê làm từ thiện, bà Uyên quyết định lấy lại bằng mặt mà mình đang cho thuê hằng tháng để mở cửa hàng 0 đồng, tặng quần áo miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn.
Người nghèo cũng cần mặc đẹp
9h, cửa hàng 0 đồng ở tầng trệt của lô 9, cư xá Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TPHCM) bắt đầu mở cửa. Như thường lệ, cửa hàng vừa mở đã có nhiều người tiến vào bên trong lựa quần áo.
Cửa hàng mở cửa từ 9h-11h, vào các ngày thứ hai, thứ năm, thứ bảy. Cứ mỗi ngày như thế lại có hàng trăm người đến nhận đồ 0 đồng. Không những vậy, cửa hàng còn có một chiếc xe tải đến và chở hơn 1 tấn đồ từ thiện, mang phân phát cho các chùa ở nhiều tỉnh, thành khác.
Chốc lát, lại có vài người tới tặng mấy bao quần áo. Họ không để lại tên mà chỉ để lại nụ cười và lời cảm ơn.
Bà Bùi Thị Thu Uyên (52 tuổi, ngụ tại TP Thủ Đức), chủ cửa hàng 0 đồng, cho hay bà và 5 tình nguyện viên khác luôn đến từ 8h. Họ tranh thủ khui các kiện hàng mới do mạnh thường quân quyên góp, phân loại, giặt, ủi rồi treo trên sào để bà con dễ chọn lựa.
"Ngày nào cũng có rất nhiều quần áo của mạnh thường quân gửi đến, lắm lúc chật kín cả lối đi. Dù có hơi bận rộn sắp xếp, không thể nghỉ ngơi, chúng tôi vẫn cảm thấy rất vui", bà Uyên nói.
Bà Uyên cho hay những tình nguyện viên tại cửa hàng đều là bạn bè, người quen của bà. "Cái đầm này đẹp nè, chị bỏ vào bao hàng chở đi miền Tây đi. Ở dưới đó người ta đi ăn đám cưới hay mặc cái này lắm", bà Thủy (56 tuổi), tình nguyện viên tại cửa hàng, nói với bạn của mình.
Bà Thủy bộc bạch người nghèo họ cũng cần mặc đẹp. Vì thế, các tình nguyện viên luôn chọn lọc rất kỹ rồi mới xếp vào bao. Quần áo dài, thích hợp mặc vào thời tiết lạnh sẽ được chuyển đến bà con vùng cao. Số còn lại thì được phân phát đi các tỉnh miền Tây.
Bản thân trẻ trung nhờ làm thiện nguyện
Bà Uyên chia sẻ bà đã ấp ủ ý định mở một cửa hàng 0 đồng cho người có hoàn cảnh khó khăn từ rất lâu. Trước đó, bà và nhóm bạn còn thường xuyên nấu cơm chay, tặng cho các bệnh nhân ở nhiều bệnh viện trên địa bàn thành phố.
"Tôi muốn mở cửa hàng 0 đồng nhưng không tìm được địa điểm hợp lí. Trong lúc tôi đang trăn trở, tháng 10/2023, người thuê của tôi thông báo sẽ trả mặt bằng.
Vậy nên tôi quyết định lấy mặt bằng đó mở cửa hàng luôn. Người ta hỏi tôi có tiếc 10 triệu đồng cho thuê mỗi tháng không, tôi nói làm từ thiện thì không tiếc gì cả. Có người còn hỏi tôi làm từ thiện có khó không, tôi chỉ nói rằng chỉ cần làm bằng cái tâm thì sẽ làm được", bà Uyên trải lòng.
Thời gian đầu, cửa hàng chưa nhận được nhiều sự quyên góp nên bà Uyên và các tình nguyện viên phải vận động bạn bè, người thân, thậm chí còn bỏ tiền túi ra để mua thêm quần áo. Dần dà, tiếng lành đồn xa, cửa hàng hoạt động được 2 tháng thì bắt đầu có nhiều người biết tới và đến ủng hộ. Từ chỉ đủ tặng 3 bộ/người, cửa hàng tăng số lượng lên 10 bộ/người.
"Có nhiều người đến nhận mà tỏ vẻ ngại ngùng, bẽn lẽn, chúng tôi cảm thấy thương họ lắm. Tôi cũng phụ họ lựa những bộ đồ thích hợp, khuyến khích mang về. Nhưng trong quá trình điều hành cửa hàng, tôi cũng chứng kiến những kỷ niệm không vui.
Bởi có nhiều người đến nhận đồ 0 đồng về để bán lại, nhân viên cửa hàng phát hiện, ngăn cản thì bị họ chửi bới. Chúng tôi cũng tránh cự cãi, để không làm ảnh hưởng đến những người thật sự khó khăn khác", bà Uyên cho hay.
Bà Thủy, tình nguyện viên, bộc bạch bên cạnh những kỷ niệm không vui, bà cũng chứng kiến nhiều câu chuyện xúc động. Chẳng hạn như trường hợp của đôi vợ chồng ở tận Bình Phước. Mặc dù nhà xa nhưng họ vẫn thức dậy thật sớm rồi tự chở một bao tải đồ từ thiện đi từ nhà đến cửa hàng.
"Có nhiều người ở tận miền Bắc, chịu trả mức phí giao hàng rất cao chỉ để gửi đồ quyên góp cho cửa hàng. Những hình ảnh đó khiến cho chúng tôi có thêm động lực để giúp đỡ nhiều người hơn.
Tôi thì về hưu rồi, chủ yếu làm nội trợ, nhưng hằng tuần tôi vẫn cố sắp xếp thời gian để ra cửa hàng, phụ được gì thì phụ. Nhờ vậy, bản thân lúc nào cũng thấy trẻ trung", bà Thủy cười, nói.