1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Anh hùng lực lượng vũ trang với nỗi trăn trở về đồng đội đã khuất

Bình Minh

(Dân trí) - Trong chiến đấu, ông Phạm Văn Thọ đã đánh trên 40 trận. Trở về thời bình ông miệt mài đi tìm hài cốt đồng đội và trích lương giúp đỡ gia đình chính sách.

Trăn trở tìm đồng đội

Là người con của quê hương xã Định Hải, huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa), ngày 20/3/1967 khi mới 17 tuổi, chàng thanh niên Phạm Văn Thọ tham gia nhập ngũ vào Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 (đóng tại Thanh Hóa). Đến tháng 12/1967, ông được tăng cường đến Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 3, Sư đoàn 324, Quân khu 4. 

Từ năm 1967-1975 ông tham gia đánh trên 40 trận, chỉ huy đơn vị tiêu diệt hàng nghìn tên địch. Ông trực tiếp diệt 60 tên, bắt sống 36 tên giặc, thu 50 súng, bắn rơi tại chỗ 1 máy bay lên thẳng, mở đầu cho phong trào thi đua bắn máy bay trong trung đoàn.

Anh hùng lực lượng vũ trang với nỗi trăn trở về đồng đội đã khuất - 1

Ông Phạm Văn Thọ kể về những lần ông vinh dự được gặp các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội.

Năm 1972, ông bị thương 3 lần. Cho đến ngày hôm nay, những vết thương và nhiều mảnh đạn đang còn trên cơ thể, mỗi khi trái gió trở trời vẫn khiến ông đau nhói.

Với thành tích trong quá trình chiến đấu và công tác, ngày 6/11/1978 ông đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; được trao tặng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba, hạng Nhì, hạng Nhất; Huân chương chiến sĩ giải phóng, cùng nhiều Bằng khen, giấy khen của Trung ương, tỉnh, huyện trao tặng.

Năm 1990, sau khi rời quân ngũ trở về quê hương, ông tham gia Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Tĩnh Gia, rồi giữ chức Phó Chủ tịch, Chủ tịch Hội CCB huyện.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 đơn sơ nhưng gọn gàng, ông còn có hẳn một "phòng truyền thống" lưu giữ các loại huân chương, huy chương, Bằng khen, giấy khen và rất nhiều những tấm ảnh tư liệu. 

Một số bức ảnh chụp những lần ông vinh dự được gặp các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội, như: Tổng Bí thư Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp... Mỗi bức ảnh là một câu chuyện về thành tích giết giặc, lập công của ông trong thời chiến tranh, trận mạc...

Anh hùng lực lượng vũ trang với nỗi trăn trở về đồng đội đã khuất - 2

Ông nói về nỗi day dứt khi nhiều hài cốt đồng đội vẫn chưa tìm được để đưa về quê hương.

Điều mà cho đến giờ ông vẫn trăn trở khôn nguôi, đó chính là xã Định Hải của ông có 63 liệt sĩ, thì cả 63 đồng chí chưa ai được về trở quê hương, nghĩa trang liệt sĩ của xã nhà chỉ là nơi thờ vọng.

Đã nhiều năm qua, ông cùng các thân nhân liệt sĩ miệt mài trở lại chiến trường xưa ở các địa điểm như: A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế), căn cứ Thượng Đức, ở phía tây tỉnh Quảng Nam (cách TP Đà Nẵng 40km) để tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ... Thế nhưng, dù trực tiếp an táng rất nhiều đồng đội của mình nhưng khi trở lại tìm thì không có kết quả.

Anh hùng lực lượng vũ trang với nỗi trăn trở về đồng đội đã khuất - 3

Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Văn Thọ vinh dự được chụp ảnh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

"Tôi vẫn tâm niệm, mình may mắn hơn anh em rất nhiều, mình sống được cũng là nhờ họ. Huống hồ gì, anh em hy sinh, mình là người trực tiếp an táng thì bây giờ mình phải có trách nhiệm trở lại những nơi đó để tìm anh em chứ...Không tìm thấy được anh em, mình day dứt lắm"- Anh hùng LLVT Phạm Văn Thọ tâm sự.

 Trích lương hưu giúp gia đình chính sách

Trong gần 25 năm tham gia công tác hội CCB, Anh hùng LLVT Phạm Văn Thọ đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức điều hành, xây dựng kế hoạch hoạt động công tác hội mang lại hiệu quả thiết thực.

Nhiều phong trào, mô hình hoạt động tại đây đã trở thành mô hình mẫu, được nhân rộng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Anh hùng lực lượng vũ trang với nỗi trăn trở về đồng đội đã khuất - 4

Trong gần 25 năm công tác trong Hội cựu chiến binh, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Văn Thọ luôn tìm cách giúp đỡ gia đình chính sách, thân nhân người có công.

Điển hình như các phong trào: "CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, nâng cao đời sống hội viên", "CCB gương mẫu", "Giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh, bền vững"...

Đặc biệt, trong gần 5 nhiệm kỳ trên cương vị Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội CCB huyện Tĩnh Gia, ông đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền và đoàn thể địa phương, hoàn thành 64 ngôi nhà tình nghĩa dành tặng gia đình chính sách. 

Khi kinh tế gia đình ổn định, không quên những đau thương mất mát của đồng đội, ông vẫn thường xuyên giúp đỡ gia đình người có công của địa phương, lúc là cân đường, hộp sữa hỏi thăm người ốm đau, khi là ít vốn, là giống cây trồng, vật nuôi để các gia đình chính sách phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. 

Ông còn vận động các cá nhân, nhà hảo tâm trên địa bàn quyên góp ủng hộ, giúp đỡ gia đình các CCB có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, bệnh nhân nghèo, học sinh nghèo; tổ chức thăm gia đình đồng đội cũ, thăm lại chiến trường xưa để tìm hài cốt liệt sĩ. Với ông, tình đồng chí, đồng đội luôn là tình cảm thiêng liêng nhất, bền chặt và sống mãi với thời gian. 

Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, mỗi năm cứ đến Ngày 27/7, ông lại trích một phần lương hưu, phụ cấp thương tật của mình, dành tặng 63 gia đình liệt sĩ trong xã, mỗi gia đình 100.000 đồng. 

"Đây là những nén hương thơm tri ân đồng chí, đồng đội tôi. Số tiền tuy nhỏ nhưng là tấm lòng thành kính tri ân đến đồng đội không được may mắn như tôi, đã phải nằm lại chiến trường. Vậy nên còn sống ngày nào, tôi sẽ luôn đồng hành, sẻ chia với những hy sinh, mất mát của họ" - Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Văn Thọ chia sẻ.