"Ăn cơm đứng" giúp người dân thoát diện hộ nghèo, kiếm tiền triệu mỗi ngày
(Dân trí) - Từ vài hộ ban đầu, đến nay một xã ở Đắk Nông đã có hơn 100 hộ dân trồng dâu, nuôi tằm. Hiện giá kén đang ở mức cao, trung bình mỗi ngày, người dân có thể kiếm được cả triệu đồng từ nghề này.
Ở xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, chị Trần Thị Thoa (thôn Đắk Lang) là một trong những nông dân thành công, thoát nghèo, vươn lên làm giàu với nghề trồng dâu nuôi tằm.
10 năm trước, khi mới bắt tay vào nghề, chị Thoa trồng 5 sào dâu, mỗi tháng nuôi được 2 hộp tằm. Sau 4 năm nuôi tằm, gia đình chị này đã thoát nghèo, lại còn mua thêm được đất và mở rộng diện tích trồng dâu.
Chị Trần Thị Thoa cho biết đến nay, diện tích trồng dâu của gia đình đã phát triển lên 3ha. Mỗi lứa tằm (khoảng 15 ngày/lứa), chị Thoa nuôi 3-4 hộp, năng suất đạt 55 - 70kg kén/hộp.
Hiện tại, giá kén trên thị trường lên đến gần 200.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư, mỗi hộp tằm, chị Thoa có thể thu lãi khoảng 10-15 triệu đồng.
Chị Thoa chia sẻ: "Trước đây, việc nuôi tằm rất vất vả. Các cụ vẫn nói "nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng" mà. Thế nhưng hiện tại, cả giống, kỹ thuật và nguồn thức ăn đều bảo đảm nên sản xuất rất hiệu quả. Trong quá trình nuôi, ngoài áp dụng phương pháp nuôi tằm trên nền nhà, gia đình tôi còn dùng né gỗ cho tằm bám thay cho né tre truyền thống, từ đó làm giảm công chăm sóc hàng ngày".
Nhận thấy hiệu quả của mô hình, năm 2019, chị Đoàn Thị Út Cưng cũng trồng 1ha dâu để nuôi 3 hộp tằm/lứa. Sau 2 năm triển khai mô hình, nghề trồng dâu nuôi tằm cũng đã giúp gia đình chị Út Cưng thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã Quảng Khê.
Chị Út Cưng chia sẻ, bình quân mỗi hộp tằm chị thu được khoảng 60kg kén. Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi, gia đình còn tận dụng được phân tằm - loại phân hữu cơ giàu dinh dưỡng để chăm bón cây dâu. Mô hình khép kín giúp gia đình tiết kiệm được một khoản đáng kể chi phí đầu tư mỗi năm.
"Trước đây, cả gia đình tôi chỉ trông chờ vào xe nước mía nên thu nhập không ổn định, nhà khó khăn lắm, nghèo mãi. Sau khi chuyển sang trồng dâu nuôi tằm, có nghề có nghiệp, cuộc sống gia đình đã bớt khó khăn hơn, cả 4 con của vợ chồng tôi đều được đi học", chị Út Cưng cho hay.
Theo UBND xã Quảng Khê, vài năm trước trên địa bàn xã chỉ có 4 - 5 hộ trồng dâu nuôi tằm với quy mô nhỏ. Đến nay, toàn xã đã có trên 100 hộ nuôi với diện tích trồng dâu hơn 50ha.
So với nhiều loại cây trồng khác, chi phí đầu tư trồng dâu, nuôi tằm thấp, nhanh cho thu hoạch, giá kén tương đối ổn định. Vì vậy, nghề này được đánh giá là giúp giảm nghèo nhanh và bền vững. Trồng dâu nuôi tằm được đánh giá là mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, giúp cho nhiều hộ dân xã Quảng Khê thoát nghèo.
Ông Trần Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Khê thông tin: "Để giảm nghèo nhanh, bền vững, địa phương tiếp tục đẩy mạnh phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, tạo sinh kế cho người dân địa phương. Hiện Quảng Khê đã xây dựng Đề án hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo thực hiện mô hình trồng dâu nuôi tằm theo Chương trình mục tiêu Quốc gia về Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025".
Tuy nhiên, cũng theo lãnh đạo UBND xã Quảng Khê, dù nghề trồng dâu nuôi tằm tại xã này mang lại hiệu quả kinh tế, đạt mục tiêu đề ra nhưng cũng gặp khó khăn khi tại xã chưa có nhà máy chế biến. Điều này khiến việc tiêu thụ kén phải qua khâu trung gian, giảm lợi nhuận của người nông dân khi thu hoạch.