Hi vọng thoát nghèo từ mô hình kinh tế 50-50

Hoàng Lam

(Dân trí) - Từ nguồn vốn của Mặt trận Tổ quốc huyện, bộ đội biên phòng hỗ trợ chuồng trại, hướng dẫn kỹ thuật, người dân đảm nhận việc chăn nuôi. Hộ dân tham gia dự án hưởng 50% lợi nhuận.

Một ngày của bà Vi Thị Dung (bản Piêng Mựn, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) là ra kiểm tra đàn dê trong chuồng, quét dọn, vệ sinh chuồng trại, bổ sung thức ăn, nước uống cho dê. Mặt trời vừa len qua đỉnh núi, bà Dung địu gùi vào rừng làm rẫy, hái thêm lá, cỏ về làm thức ăn dự trữ cho dê. "Dê bộ đội biên phòng "gửi" đấy, mình chỉ chăm thôi, hôm nào dê đẻ con thì mình được một nửa đàn dê con", bà Dung vui vẻ khoe.

Hi vọng thoát nghèo từ mô hình kinh tế 50-50 - 1

Cán bộ Tổ chăn nuôi Trạm Khe Bén, Đồn biên phòng Nhôn Mai hướng dẫn bà Vi Thị Dung chăn nuôi dê sinh sản (Ảnh: Nguyễn Thưởng).

Ngoài hỗ trợ 16 con dê giống, Tổ chăn nuôi Trạm Khe Bén, Đồn biên phòng Nhôn Mai (Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Nghệ An) trực tiếp xây dựng chuồng trại, hướng dẫn bà Dung cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh. Sau thời gian nuôi thử nghiệm dưới sự hỗ trợ, giám sát chặt chẽ của cán bộ biên phòng, đàn dê phát triển tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu vùng biên giới.

Được bộ đội biên phòng cầm tay chỉ việc, bà Dung cũng quen dần với cách thức chăn nuôi dê tập trung, quan sát, nhận biết dê bị ốm hay bị đau bụng để lên đồn nhờ giúp đỡ. Mới đây, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo xã Mai Sơn, bà Dung và chỉ huy Đồn biên phòng Nhôn Mai đã ký cam kết thực hiện mô hình sinh kế quân - dân kết hợp.

"Nay đàn dê đẻ được 8 con rồi, một số con khác đang mang thai. Bộ đội biên phòng sẽ chia cho tôi một nửa số dê được sinh ra. Từ đàn dê con này nhà mình sẽ chăm cho lớn, đẻ thêm nhiều dê con nữa rồi bán lấy tiền nuôi con ăn học, mua sắm vật dụng, sửa sang nhà cửa...", bà Dung cười, khoe dự tính với đàn dê của mình.

Hi vọng thoát nghèo từ mô hình kinh tế 50-50 - 2

Tham gia mô hình nuôi dê sinh sản bà Dung được hưởng giá trị nửa đàn dê được sinh ra. Đây được kỳ vọng là "đòn bẩy" giúp gia đình bà Dung thoát nghèo (Ảnh: Nguyễn Thưởng).

Cũng ký cam kết với Đồn biên phòng Nhôn Mai có gia đình ông Lô Văn Toản (bản Nhôn Mai, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương). Từ tháng 5/2022, ông Toản được cán bộ biên phòng "rủ" nuôi cá chép trong lồng trên sông Nậm Nơn. Gọi là rủ chứ thực ra từ việc dọn sông, chuẩn bị vật liệu, lắp lồng cá cho đến thả cá giống đều do bộ đội làm cả, ông Toản chỉ giúp một tay.

"Các anh bộ đội nói mình giúp, thực ra là đang giúp mình đấy. Trước nay bà con vẫn đánh bắt cá trên sông này để ăn và bán nhưng cá đánh bắt mãi thì cũng ít dần đi. Bộ đội nói phải nuôi thì mới có cá để bắt lâu dài được. Bộ đội bày cho mình nuôi cá như thế nào, cho ăn gì để cá lớn, cá bị bệnh, bị nấm thì làm thế nào để chữa. Bộ đội làm trước, rồi bảo mình "giúp" bộ đội một tay. Mình học được nhiều lắm đấy", ông Toản vui vẻ khoe.

Hi vọng thoát nghèo từ mô hình kinh tế 50-50 - 3

Cán bộ Đồn biên phòng Nhôn Mai hướng dẫn ông Toản kỹ thuật nuôi cá lồng (Ảnh: Nguyễn Thưởng).

Sau gần một năm, đàn cá phát triển tốt, mỗi con ước chừng nặng gần 3kg. Dự tính vào cuối tháng 4 này các lồng cá sẽ được thu hoạch. Theo cam kết ban đầu, ông Toản được chia một nửa tiền bán cá. "Tiền bán cá mình sẽ mua giống thả tiếp", ông Toản dự tính.

Đây là 2 mô hình hỗ trợ sinh kế giúp người dân thoát nghèo do Đồn biên phòng Nhôn Mai triển khai trên địa bàn đóng quân. Theo Thượng tá Phan Thanh Hồng - Đồn trưởng Đồn biên phòng Nhôn Mai, mỗi mô hình sinh kế trên có giá trị 50 triệu đồng, từ nguồn hỗ trợ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Tương Dương và quỹ vốn của đơn vị, thời hạn thực hiện đối với mỗi mô hình là 3 năm. Với 2 mô hình kinh tế này, cán bộ chuyên trách của Đồn sẽ trực tiếp cùng làm và chịu trách nhiệm hướng dẫn theo kiểu "cầm tay chỉ việc", giám sát người dân tham gia.

Hi vọng thoát nghèo từ mô hình kinh tế 50-50 - 4

Với mô hình sinh kế này, người dân được hỗ trợ nguồn vốn, kỹ thuật để làm cơ sở phát triển kinh tế, tiến tới thoát nghèo và quan trọng nhất là thay đổi tư duy trông chờ, ỷ lại (Ảnh: Nguyễn Thưởng).

"Việc ký kết cam kết nhằm đảm bảo hộ dân được thụ hưởng từ mô hình sinh kế này có trách nhiệm hơn trong việc cùng Đồn phát triển chăn nuôi, thoát nghèo, quan trọng nhất là giúp người dân thay đổi tư duy trông chờ, ỷ lại. Để mô hình phát huy hiệu quả, chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương cũng có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đôn đốc hộ dân thực hiện cam kết đã ký", Thượng tá Phan Thanh Hồng cho biết.

Kết quả thử nghiệm ban đầu cho thấy đàn dê và cá sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu ở đây. Khi thời hạn thực hiện mô hình kết thúc, hộ dân tham gia được hưởng lợi 50% từ lợi nhuận của mô hình (có thể quy ra giá trị kinh tế theo thị trường hoặc con giống), một nửa lợi nhuận còn lại thuộc sở hữu của Đồn và được sử dụng để tái hỗ trợ hộ dân khác phát triển kinh tế.