"Ai nghĩ được TPHCM lại là nơi trẻ em thiệt hại nặng nề nhất, vì Covid-19!"
(Dân trí) - Theo các chuyên gia, Việt Nam hiện có nhiều chính sách hỗ trợ trẻ em nhưng chưa có những quy định hỗ trợ trẻ trong trường hợp khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh…
Hội Bảo trợ trẻ em TPHCM là đơn vị được UBND TPHCM cho phép thực hiện dự án "Hỗ trợ thanh niên và trẻ em trong ứng phó với Covid-19" do tổ chức Save The Children (SC) tài trợ.
Trong khuôn khổ dự án, ngày 17/10, Hội Bảo trợ trẻ em TPHCM tổ chức hội thảo chủ đề "Bảo vệ trẻ em trong trường hợp khẩn cấp" nhằm trao đổi những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực tế thực hiện các chính sách có liên quan đến trẻ em.
Thông tin về tình hình trẻ em và các chính sách bảo vệ trẻ em trên địa bàn TPHCM, ông Nguyễn Văn Tính, Phó trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM nêu nhiều con số đáng chú ý. Hiện toàn thành phố có 1.355 trẻ em mồ côi cha và mẹ, 6.305 trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ. Trong số này, có gần 2.300 trẻ mồ côi là do đợt dịch Covid-19 vừa qua.
Theo ông Nguyễn Lữ Gia, cán bộ SC, tổ chức này đã làm chương trình hỗ trợ trẻ em trong trường hợp khẩn cấp ở các tỉnh từ lâu. Còn ở TPHCM, đây mới là dự án đầu tiên.
Ông Nguyễn Lữ Gia nêu quan điểm: "Ai cũng nghĩ TPHCM là nơi hiện đại, rất an toàn với trẻ em nhưng khi Covid-19 ập đến, đó lại là nơi trẻ thiệt hại nặng nề nhất. Điều đó cho thấy cần có những biện pháp ứng phó với các trường hợp khẩn cấp như trên. Nếu không chuẩn bị trước thì khi tình huống khẩn cấp xảy ra sẽ để lại những thiệt hại rất nặng nề như đợt Covid-19 vừa qua".
Các đại biểu cho rằng, cần có cơ chế để có phản ứng ngay khi xảy ra các tình huống khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh... Đó là những cơ chế khác biệt so với điều kiện bình thường để hỗ trợ trẻ em tốt hơn.
Trong giai đoạn Covid-19, nhiều vấn đề liên quan đến trẻ em phát sinh như trẻ em thiếu thốn lương thực; không gian sinh hoạt chật hẹp dẫn đến tâm lý bất ổn, phát sinh tình trạng trẻ em bị bạo hành, ngược đãi bởi chính người thân; cha mẹ cách ly, nhiều em rơi vào cảnh ly tán; cha mẹ chết nên các em thiếu người chăm sóc; khi hết giãn cách, nhiều em phải bỏ học vì theo cha mẹ đến nơi khác mưu sinh…
Theo ông Phạm Đình Nghinh, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, muốn xây dựng quy định, cơ chế hỗ trợ trẻ em trong tình huống khẩn cấp thì trước hết phải xác định rõ khái niệm trẻ em rơi vào hoàn cảnh khó khăn khẩn cấp là gì.
Ông nói: "Không nhất thiết trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thì mới được bảo vệ khẩn cấp. Rất nhiều trường hợp trẻ gia đình có điều kiện tốt vẫn có thể rơi vào hoàn cảnh khẩn cấp, cần hỗ trợ. Nhiều em buổi sáng còn bình thường, buổi chiều đã rơi vào tình huống khẩn cấp, không lường trước được".
Hiện hầu hết chính sách hỗ trợ hiện nay là dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Chính sách hỗ trợ trẻ em bình thường, khi rơi vào tình huống khẩn cấp hiện rất ít.
"Khó khăn với cơ quan quản lý đang thiếu khung kinh tế kỹ thuật, định mức kinh phí chi cho hoạt động bảo vệ trẻ em trong trường hợp khẩn cấp. Nếu các em không rơi vào hoàn cảnh đặc biệt thì không có cơ chế nào để chi hỗ trợ cho các em, phải liên hệ các tổ chức xã hội để xin", ông Nghinh cho biết.
Ông Nguyễn Lữ Gia cho rằng, trẻ em hàng ngày đều có thể phải đối mặt với những nguy cơ như bị bỏ mặc, xâm hại, bạo hành… Khi tình huống khẩn cấp xảy ra, những nguy cơ trên càng tăng lên.
Ông nhấn mạnh: "Khi xảy ra tình huống khẩn cấp sẽ có nhiều nguy cơ tác động đến trẻ, cần chính sách toàn diện và cấp bách hơn để hỗ trợ các em trong những trường hợp đó".