60.000 trẻ em khuyết tật được phục hồi chức năng sống
(Dân trí) - Trong những năm qua, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam đã hỗ trợ gần 60.000 em phục hồi được chức năng sống, gần 5.000 em có việc làm, thu nhập từ 2 đến 4 triệu đồng/tháng.
Sáng 20/6, nhân Tháng hành động vì trẻ em, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam tổ chức hội thảo "Lan tỏa yêu thương, giúp đỡ trẻ em khuyết tật hòa nhập cộng đồng".
Phát biểu tại hội thảo, ông Ngô Sách Thực, Chủ tịch Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam cho biết, những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và có nhiều chính sách bảo trợ xã hội để giúp người nghèo, người khuyết tật, tàn tật cùng vươn lên, không bỏ ai lại phía sau.
Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự chung tay, giúp đỡ của toàn xã hội có ý nghĩa quan trọng, góp phần tăng nguồn lực xã hội trợ giúp cho đối tượng yếu thế, thể hiện truyền thống "tương thân, tương ái".
Ông Thực nhấn mạnh, với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức xã hội - từ thiện mang tính đặc thù, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể xây dựng gần 50 cơ sở tiếp nhận chữa trị, dạy dỗ, phục hồi chức năng cho hàng trăm nghìn lượt trẻ em tàn tật.
"Gần 60.000 em phục hồi được chức năng sống, gần 5.000 em có việc làm, thu nhập từ 2 đến 4 triệu đồng/tháng. Có những em lớn lên từ các trung tâm có gia đình riêng, cuộc sống hạnh phúc, gần 2.000 em được chuyển ra học tập tại các lớp hòa nhập, góp phần chăm sóc hơn 2 triệu trẻ em khuyết tật ở Việt Nam", ông Thực khái quát.
Theo Chủ tịch Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thực hiện chính sách với trẻ em khuyết tật vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc, chưa phù hợp với điều kiện kinh tế trong nước.
Tiến độ thực hiện các chính sách còn chậm, việc bao quát các hoạt động trợ giúp trẻ em khuyết tật còn chưa đầy đủ. Việc xác định mức độ khuyết tật chưa hoàn thành, chưa chính xác, do đó việc trợ cấp xã hội hằng tháng cho trẻ em khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn.
"Một số chính sách chưa đến đúng đối tượng, đặc biệt với trẻ em vùng sâu, vùng xa, con em đồng bào dân tộc thiểu số vùng nông thôn…", Chủ tịch Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam cho biết.
Tại hội thảo, bà Đinh Thị Thụy, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Người khuyết tật Việt Nam (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, những năm qua công tác bảo đảm an sinh xã hội cho người khuyết tật đã được triển khai chủ động, toàn diện, đồng bộ. Quyền của người khuyết tật ngày càng được bảo đảm tốt hơn.
Hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách để thực hiện các chính sách về giáo dục, việc làm, bảo hiểm xã hội, những chính sách đặc trưng, xuất phát từ những khó khăn của người khuyết tật, trong đó có trẻ em khuyết tật.
Trong năm 2023, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến người khuyết tật sẽ được rà soát, chú trọng đến những chính sách đột phá để tăng cường khả năng tiếp cận giao thông, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, tạo sinh kế ổn định, tự chủ cho người khuyết tật.
Đặc biệt, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2023, các địa phương cần ưu tiên triển khai dự án đa dạng hóa sinh kế đối với người khuyết tật không có sinh kế ổn định.
Các mô hình sinh kế hiệu quả, như: Mô hình khởi nghiệp; mô hình đào tạo nghề gắn với việc làm tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; mô hình đào tạo nghề gắn với sinh kế cho người khuyết tật; mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng…
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã tham gia 15 bài tham luận cũng như trao đổi nhiều thông tin liên quan đến các vấn đề như thực trạng, giải pháp chăm sóc, hỗ trợ trẻ em khuyết tật; tổ chức các hoạt động tư vấn pháp luật...
Ban tổ chức hy vọng, những ý kiến đóng góp từ những người trong cuộc sẽ làm sáng tỏ nhiều vấn đề đang được quan tâm, từ đó giúp đỡ người khuyết tật, đặc biệt là trẻ em khuyết tật vươn lên trong cuộc sống.