4 giải pháp phát triển nền kinh tế chăm sóc

Hoa Lê

(Dân trí) - Bên cạnh các dịch vụ chăm sóc xã hội công lập, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, Việt Nam khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển các cơ sở, mô hình chăm sóc tại cộng đồng.

Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN lần thứ ba với chủ đề "Thúc đẩy nền kinh tế chăm sóc và khả năng tự cường hướng tới Cộng đồng ASEAN sau năm 2025" được tổ chức vào ngày 23/8 tại Viêng Chăn, Lào.

Hội nghị có sự tham dự của các lãnh đạo cấp cao, Bộ trưởng phụ trách phát triển phụ nữ và bình đẳng giới cùng nhiều đại diện nữ doanh nhân tiêu biểu của các nước ASEAN, Timor-Leste, các nước đối tác và đại diện của Liên Hợp Quốc.

Phía Lào, dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Sonexay Siphandone. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà đứng đầu, tham dự cùng lãnh đạo Vụ Bình đẳng giới, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

4 giải pháp phát triển nền kinh tế chăm sóc - 1

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nêu giải pháp thúc đẩy phát triển nền kinh tế chăm sóc (Ảnh: TH).

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng việc thúc đẩy bình đẳng giới, phát huy vai trò, sự đóng góp và thụ hưởng của phụ nữ trên mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, lao động.

Về thúc đẩy nền kinh tế chăm sóc, pháp luật Việt Nam quy định "Công việc chăm sóc" theo hướng công nhận, giảm bớt, phân phối lại; coi công việc chăm sóc không được trả lương có vai trò ngang bằng với công việc có trả công.

"Đây là những quy định tiến bộ và đảm bảo thúc đẩy bình đẳng giới. Chính phủ Việt Nam đã ban hành các quy định, chính sách về giúp việc gia đình, tạo hành lang pháp lý cho phát triển hệ thống chăm sóc xã hội", Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

Bên cạnh các dịch vụ chăm sóc xã hội công lập, Việt Nam cũng đang khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phát triển các cơ sở, mô hình chăm sóc tại cộng đồng thông qua các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng… nhằm hỗ trợ hộ gia đình dễ dàng hơn trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc xã hội theo nhu cầu.

4 giải pháp phát triển nền kinh tế chăm sóc - 2

Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị cùng đại biểu lãnh đạo nữ (Ảnh: TH).

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, khảo sát tại Việt Nam cho thấy thời gian làm công việc nội trợ của phụ nữ nhiều hơn gần 2 lần so với nam giới.

Điều này đang tạo ra gánh nặng không nhỏ cho phụ nữ, làm giảm khả năng tham gia của họ vào thị trường lao động; nền kinh tế chăm sóc hiện nay ở Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức, chưa theo kịp với sự phát triển của ngành kinh tế có triển vọng trong tương lai.

Để giải quyết những thách thức và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế chăm sóc, Thứ trưởng Hà nhấn mạnh một số giải pháp.

4 giải pháp phát triển nền kinh tế chăm sóc - 3

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị tại Lào (Ảnh: TH).

Thứ nhất, cần quan tâm đầu tư vào các cơ sở hạ tầng chăm sóc như nhà trẻ, trung tâm chăm sóc người cao tuổi và các dịch vụ chăm sóc tại nhà; hoàn thiện và phát triển hệ thống an sinh xã hội.

Thứ hai, thúc đẩy các chính sách khuyến khích sự tham gia của nam giới vào công việc chăm sóc, giảm bớt gánh nặng cho phụ nữ và tạo điều kiện để cả hai giới có thể tham gia vào thị trường lao động một cách bình đẳng.

Thứ ba, tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin, thúc đẩy triển khai các sáng kiến nhằm nâng cao năng lực tự cường cho các doanh nghiệp và doanh nhân nữ trong thích ứng với môi trường kinh doanh không ngừng biến động.

Thứ tư, chú trọng công tác truyền thông, giáo dục để thay đổi nhận thức xã hội về vai trò của công việc chăm sóc.