Thủ tướng Chính phủ: Phát huy tiềm năng, giải phóng sức lao động của phụ nữ

Hoa Lê

(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh cần thúc đẩy hợp tác phát huy tiềm năng và giải phóng sức lao động của phụ nữ, tăng cường nền kinh tế chăm sóc và khả năng tự cường hướng tới Cộng đồng ASEAN sau 2025.

Sáng 23/8, nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandone, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu trực tuyến tại Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN lần thứ ba với chủ đề "Thúc đẩy nền kinh tế chăm sóc và khả năng tự cường hướng tới Cộng đồng ASEAN sau năm 2025".

Hội nghị có sự tham dự của các lãnh đạo cấp cao, Bộ trưởng phụ trách phát triển phụ nữ và bình đẳng giới cùng nhiều đại diện nữ doanh nhân tiêu biểu của các nước ASEAN, Timor-Leste, các nước đối tác và đại diện của Liên Hợp Quốc.

Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà và lãnh đạo Vụ Bình đẳng giới, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Tiếp nối sáng kiến của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN lần thứ ba là minh chứng rõ nét về cam kết và nỗ lực của ASEAN trong thúc đẩy bình đẳng giới, tăng cường vai trò, đóng góp to lớn của phụ nữ và trẻ em gái đối với gia đình và xã hội.

Thủ tướng Chính phủ: Phát huy tiềm năng, giải phóng sức lao động của phụ nữ - 1

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu trực tuyến tại Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN lần thứ ba (Ảnh: VGP).

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh những đóng góp to lớn của phụ nữ, vừa là hậu phương vững chắc nâng cao chất lượng cuộc sống của từng gia đình, vừa là những người tiên phong trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội.

Thủ tướng chia sẻ với Hội nghị kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 của Việt Nam, trong đó, 11/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 2025; 3/20 chỉ tiêu đạt 1 phần so với mục tiêu đề ra đến năm 2030, trong đó có 12 chỉ tiêu đạt kết quả tốt hơn so với năm 2022.

Năm 2023, số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả lương của phụ nữ bằng 1,78 lần so với nam giới, tiệm cận mục tiêu đề ra đến năm 2025 là 1,7 lần. Chỉ số bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022.

Thủ tướng nhấn mạnh cần thúc đẩy hợp tác phát huy tiềm năng và giải phóng sức lao động của phụ nữ, tăng cường nền kinh tế chăm sóc và khả năng tự cường hướng tới Cộng đồng ASEAN sau năm 2025, với cách tiếp cận toàn dân, toàn diện và toàn cầu, với sự tham gia hiệu quả của toàn xã hội, toàn chính phủ, toàn cộng đồng và toàn khu vực.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các nước ASEAN tập trung thực hiện các giải pháp thông qua "3 tăng cường", như tăng cường nhận thức, tư duy về vai trò của phụ nữ; tăng cường đổi mới, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe công lập chất lượng, dễ tiếp cận và giá cả phù hợp, nhất là tại các vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa; tăng cường đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho người lao động...

Thủ tướng Chính phủ: Phát huy tiềm năng, giải phóng sức lao động của phụ nữ - 2

Chỉ số bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022 (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà chia sẻ: "Việt Nam luôn coi trọng việc thúc đẩy bình đẳng giới, phát huy vai trò, sự đóng góp và thụ hưởng của phụ nữ trên mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, lao động".

Về thúc đẩy nền kinh tế chăm sóc, pháp luật Việt Nam quy định "Công việc chăm sóc" theo hướng công nhận, giảm bớt, phân phối lại; coi công việc chăm sóc không được trả lương có vai trò ngang bằng với công việc có trả công.

"Đây là những quy định tiến bộ và đảm bảo thúc đẩy bình đẳng giới. Chính phủ Việt Nam đã ban hành các quy định, chính sách về giúp việc gia đình, tạo hành lang pháp lý cho phát triển hệ thống chăm sóc xã hội.

Bên cạnh các dịch vụ chăm sóc xã hội công lập, Việt Nam cũng đang khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phát triển các cơ sở, mô hình chăm sóc tại cộng đồng thông qua các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng… nhằm hỗ trợ hộ gia đình dễ dàng hơn trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc xã hội theo nhu cầu", Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho hay.

Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandone đánh giá cao sự tham gia, phát biểu và đóng góp của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đại diện Lãnh đạo nữ Việt Nam tại Hội nghị và trân trọng mời Thủ tướng Phạm Minh Chính sang thăm Lào và tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44 và 45 và các hội nghị liên quan vào tháng 10/2024 tại Vientiane.