37 tuổi chưa chồng, suốt ngày nghe giục... "đẻ đứa con cho vui"
(Dân trí) - 37 tuổi, chưa lập gia đình, vui vẻ với việc tự do bay nhảy nhưng chị Thương vẫn thường phải chịu đựng với những lời khuyên ra rả "đẻ đi đứa con".
Qua tuổi "băm", bớt nghe giục "lấy chồng đi" thì chị Đỗ Ngọc Thương, 37 tuổi, Phó trưởng phòng tài chính tại một doanh nghiệp vàng bạc ở TPHCM lại đối mặt với "chỉ đạo": "Không lấy chồng thì cũng phải đẻ đứa con cho vui".
Xinh đẹp, giỏi giang, từng trải qua một vài mối tình, cũng qua chuyện mai mối này kia nhưng chị chưa gặp "đối tác" để tiến đến hôn nhân. Chị không miễn cưỡng việc "đến tuổi phải lập gia đình".
Tự lập, tự chủ, kiếm ra tiền, hạnh phúc với cuộc sống một mình và cũng thuộc túyp "bơ đi mà sống" nhưng chị Thương thừa nhận, thường xuyên nghe những lời khuyên can dự vào đời sống cá nhân, chị rất khó chịu, phải kiềm chế lắm mới không cự cãi, mất lòng.
Người xung quanh bất kể ai, từ đồng nghiệp, bạn bè cũ, chị gái, chị em dâu và cả những người chỉ mới gặp một lần cũng có thể mở lời giục giã "Không lấy chồng thì thôi, nhưng ráng... kiếm đứa con".
"Trong đó, có người sinh con ra, không nuôi được, vứt về cho ông bà ngoại. Có người vợ chồng suốt ngày đánh nhau, có người ly hôn, đi bước nữa để con chơ vơ... mà vẫn cứ khuyên người khác "đẻ đi, đẻ đi", chị Thương bức xúc.
Bao nhiêu lý lẽ được đưa ra như có đứa con vui lắm, có đứa con mới thật sự hiểu thế nào là cuộc sống, về già còn có người nhờ cậy...
"Phụ nữ không chồng mà sinh con là "mốt" đấy. Cô Thương tranh thủ kiếm đứa con không quá tuổi đẻ", chị Thương nhắc lại lời chị gái và em dâu hùa vào nói với mình.
Ngay cả mẹ chị, hiểu tính khí con gái, cũng thúc: "Phải kiếm đứa con!".
Theo chị Thương, chị đang sống một cuộc sống sung sướng, làm việc hăng say, chăm chỉ thiện nguyện, không gây hại gì cho xã hội, không ăn vạ ăn bám mà sao lắm người nhảy vào tội nghiệp, lo hộ. Như thể chị không lấy chồng hoặc không đẻ thì vô giá trị vậy.
"Tôi chưa sẵn sàng cho việc làm mẹ và cũng chưa tìm được một lý do nào để phải đẻ con", quan niệm này của chị Thương còn bị nhiều người mỉa mai, cho là lập dị.
Cái sự "giục đẻ"
Không chỉ phụ nữ lớn tuổi chưa chồng như chị Thương mới phải đối mặt với chuyện bị giục đẻ. Tại Việt Nam, cái sự "giục đẻ" tràn lan khắp nơi, ai cũng có thể mở miệng tấn công vào phụ nữ.
Chưa lấy chồng thì khuyên "kiếm đứa con"; lấy chồng chưa qua tuần trăng mật đã nghe giục đẻ, đẻ một đứa sẽ nghe tiếp "làm đứa thứ 2 đi"; đẻ hai con gái sẽ gánh thêm cái án "kiểu gì cũng phải kiếm đứa con trai"....
Có những cặp vợ chồng suốt ngày đánh nhau sứt đầu mẻ trán, chồng ngoại tình, bỏ nhau đến nơi cũng được nghe khuyên: Tranh thủ đẻ đứa con để níu giữ, có bỏ nhau cũng lãi được đứa con.
Thậm chí có trường hợp phụ nữ không có việc làm, nuôi thân không xong, ốm đau bệnh tật, thậm chí có vấn đề về sức khỏe tâm thần... cũng được khuyên "kiếm đứa con sau còn nhờ cậy".
Thế rồi biết bao nhiêu người sinh con ra nhưng không lo được cho con, không nuôi dạy con, không bảo vệ được con, đẻ rồi vứt con chơ vơ, lạc lõng và đẩy con vào cảnh nguy hiểm. Những vụ bạo hành trẻ chấn động gần đây đều xuất phát từ chuyện vô tránh nhiệm của bố mẹ ruột. Họ ở đó, đứng ngay đó rồi mặc kệ con bị người khác bạo hành đến chết.
Trường hợp bé gái bị bố được đóng đinh vào đầu ở Hà Nội gây bức xúc, có thể thấy phần nào nỗi "nhếch nhác" của sự đẻ. Người mẹ sống không hạnh phúc, vợ chồng không công văn việc làm ổn định nhưng vẫn đến ba đứa trẻ ra đời.
Sau ly hôn, người mẹ để lại hai con cho nhà nội, ôm con gái út đến sống cùng người tình trong căn phòng trọ. Khi sự việc xảy ra, dư luận mới tá hỏa, con gái chị bị người tình của mẹ bạo hành đã nhiều lần, bị đánh gãy tay, bị bắt nuốt đinh vít, bị đóng đinh vào đầu. Và được biết, người mẹ ấy đang... mang thai đứa con thứ 4.
Nhà văn Tuệ An, tác giả "Soiree trắng không dành cho búp bê hư" chia sẻ, những khi có vụ việc bạo hành trẻ nhỏ chấn động, thương những đứa trẻ bao nhiêu, chị lại tức giận cái "sự đẻ" và "sự giục đẻ" ở xứ mình.
Khi chị chưa sinh con đã nghe người này người kia giục đẻ. Đến khi con vừa cứng cáp đôi chút lại nghe giục... đẻ tiếp. Có người không chăm nổi con của mình, gặp chị vẫn nói cho được câu rõ duyên dáng "đẻ đi cho có trai có gái mời tài"...
Theo chị Tuệ An, thành viên hội giục người khác đẻ đông vô cùng, có ở khắp nơi... Người ta chỉ giục nhau đẻ đi đẻ đi, còn đứa trẻ lớn lên được nuôi dạy, vui buồn ra sao, trách nhiệm với cuộc đời một đứa trẻ, bảo vệ chúng như thế nào thì ai quan tâm?
Chị bày tỏ, việc nuôi dạy một đứa trẻ không chỉ cần nhiều tiền mà cần rất nhiều tiền, rất nhiều tình yêu thương, rất nhiều thời gian, rất nhiều sức khỏe...
Người phụ nữ mang thai, sinh con, nuôi con là một hành trình không hề đơn giản, phải gánh chịu nhiều khó khăn cũng như cần được hỗ trợ nhiều mặt từ gia đình, xã hội.
Nếu mình không thể giúp được gì họ, chị Tuệ An cho rằng, ít nhất cũng đừng can thiệp vào việc cá nhân của họ. "Làm ơn các bạn nhé, các bạn thích làm gì cứ tự thể nghiệm, áp dụng lên đời mình, đừng chen vào cuộc đời của người khác", nữ tác giả bộc trực.