3,3 triệu người được trợ cấp hàng tháng, không có người dân bị đói
(Dân trí) - Năm 2023, 100% đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 100% người dân bị thiếu đói, thiệt hại do thiên tai, lũ lụt được trợ giúp kịp thời, không người dân nào bị đói...
Thông tin trên được ông Tô Đức, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nêu tại hội nghị triển khai công tác bảo trợ xã hội năm 2024 diễn ra sáng 27/12.
Hoàn thành các chỉ tiêu lĩnh vực bảo trợ xã hội
Tại hội nghị, lãnh đạo Cục Bảo trợ xã hội đánh giá, năm 2023, dù cả nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, công tác bảo trợ xã hội đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH giao phó, trong đó nhiều chỉ tiêu đạt kết quả cao.
Trong đó, 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 100% người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, thiếu đói được trợ giúp đột xuất kịp thời, không người dân nào bị đói.
Hơn 90% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc kịp thời; hơn 90% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng kịp thời.
Bên cạnh đó, Cục đã chủ động hướng dẫn các địa phương theo dõi, tổng hợp tình hình thiệt hại về người chết, người mất tích, người bị thương; nhà đổ, sập, trôi, cháy, hư hỏng và tình hình thiếu lương thực, nhu yếu phẩm sinh hoạt trong dịp Tết Nguyên đán, mùa giáp hạt, lúc thiên tai… để kịp thời báo cáo cơ quan có trách nhiệm hỗ trợ theo quy định.
Về thực hiện công tác trợ giúp đột xuất, trên cơ sở đề xuất của địa phương, Cục đã tổng hợp, tham mưu để Bộ LĐ-TB&XH trình Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất cấp 21.567 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 20 tỉnh để hỗ trợ cho 256.847 lượt hộ dân với hơn 1,4 triệu lượt người dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và giáp hạt năm 2023.
Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, các cơ quan trung ương, địa phương đã vận động và huy động được 9.500 tỷ đồng, hỗ trợ cho trên 25 triệu lượt đối tượng khó khăn với mức hỗ trợ 300.000-500.000 đồng/đối tượng.
Về thực hiện chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên, đến nay, cả nước đang thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng với 3,3 triệu người, trong đó có 1,4 triệu người cao tuổi, 1,6 triệu người khuyết tật.
21.000 trẻ em đang hưởng chế độ đối với trẻ em mồ côi, mất nguồn nuôi dưỡng. 146.000 trẻ em hưởng chế độ đối với trẻ em dưới 3 tuổi. 84.000 người đang hưởng chế độ người đơn thân nuôi con dưới 16 tuổi. 76.000 đối tượng khác.
Đáng chú ý, hiện cả nước có 349.000 hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng hàng tháng.
Tại hội nghị, đại diện một số phòng chức năng của Cục đã chia sẻ những kết quả, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; các chuyên gia đóng góp ý kiến về việc nên cải thiện chính sách trợ cấp cho đối tượng bảo trợ, công tác đào tạo nghề công tác xã hội phù hợp với nhu cầu việc làm của thị trường lao động...
Theo đuổi các mục tiêu an sinh xã hội
Phát biểu kết luận hội nghị, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Tô Đức nhấn mạnh sẽ tiếp tục ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia để hoàn thiện chương trình công tác năm 2024; trước mắt tập trung vào hoạt động chăm lo Tết Giáp Thìn với các đối tượng bảo trợ xã hội và người dân.
Về nhiệm vụ công tác bảo trợ xã hội năm 2024, lãnh đạo Cục cho biết, Cục sẽ tập trung nghiên cứu, hoàn thiện đề cương luật sửa đổi đối với Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất xây dựng Nghị định về sàn an sinh xã hội quốc gia và quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bộ chỉ số giám sát an sinh xã hội quốc gia.
Cùng với việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên và đột xuất đầy đủ, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm đúng đối tượng, đúng quy định pháp luật, Cục Bảo trợ xã hội sẽ tổng hợp, nắm tình hình đời sống đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo và người bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh...
Đặc biệt, triển khai quy hoạch, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 nhằm phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội đủ năng lực, quy mô, đáp ứng nhu cầu tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ về trợ giúp xã hội, chăm sóc, nuôi dưỡng cho các đối tượng.
Ngoài ra, nhằm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo trợ xã hội, Cục Bảo trợ xã hội sẽ đôn đốc, hỗ trợ địa phương thực hiện giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực trợ giúp xã hội trên phần mềm của Bộ và phần mềm dịch vụ công liên thông của Chính phủ; cập nhật bổ sung thường xuyên cơ sở dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và xác thực định danh điện tử.