200.000 lao động bị "bùng" đóng BHXH: Tính hướng phong tỏa tài khoản DN
(Dân trí) - 200.000 lao động đang bị nợ, trốn đóng BHXH đồng nghĩa 200.000 gia đình gặp khó khăn. Nếu không sớm có biện pháp xử lý, những người này không được hưởng chế độ, kể cả lương hưu.
Nêu cảnh báo về hệ quả của việc doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) với hơn 200 nghìn người lao động, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, việc đó khiến công nhân bị ảnh hưởng quyền lợi khi doanh nghiệp đã phá sản, giải thể hoặc có chủ bỏ trốn.
Bị "đóng băng" quyền lợi, người lao động đối mặt rủi ro
Theo thống kê của công đoàn, giao thông vận tải và xây dựng là hai ngành có nhiều doanh nghiệp nợ lương, bảo hiểm. Các công ty ngành giao thông vận tải nợ gần 205 tỷ đồng tiền lương và 750 tỷ đóng BHXH; doanh nghiệp xây dựng nợ 269 tỷ tiền lương và 435 tỷ đóng BHXH.
Tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội vẫn diễn ra ở nhiều địa phương với tổng số tiền nợ (phải tính lãi) là gần 14.600 tỷ đồng, chiếm 3,4% số phải thu (theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam); tình trạng chủ doanh nghiệp "bỏ trốn" để lại khoản nợ lớn tiền lương, bảo hiểm xã hội của người lao động vẫn diễn ra, chưa có giải pháp hữu hiệu, kịp thời.
"200.000 người bị nợ BHXH đồng nghĩa hơn 200.000 gia đình gặp khó khăn. Chưa kể số lao động bị nợ BHXH không chốt được sổ BHXH thì không được hưởng lương hưu, chế độ thai sản khi sinh con cũng như không được hưởng chế độ ốm đau, tai nạn lao động khi làm việc.
Đây là vấn đề an sinh xã hội rất lớn, trong cả hiện tại và tương lai, khi hàng trăm nghìn người về hưu không biết sẽ sống bằng gì", ông Hiểu nói.
Do vậy, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã kiến nghị Thủ tướng giao Bộ LĐ-TB&XH, BHXH Việt Nam phối hợp với cơ quan này rà soát, tổng hợp báo cáo tình hình doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và trình Chính phủ báo cáo cơ quan có thẩm quyền và trình Quốc hội phương án giải quyết.
Cũng theo lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nếu hạn chế được tình trạng chậm, trốn đóng BHXH, người lao động sẽ có niềm tin hơn vào hệ thống BHXH và hạn chế rút BHXH một lần.
"Khi doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng BHXH thì chắc chắn quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng. Những trường hợp đặc biệt thường hết sức khó khăn bởi họ không chốt được sổ BHXH kể cả khi đã chuyển đến làm việc ở nơi khác. Coi như tất cả các chế độ họ đáng được hưởng sau thời gian đóng góp trước đó đều bằng không.
Hạn chế được tình trạng này, đảm bảo về quyền lợi, người lao động sẽ cân nhắc kĩ việc chọn ở lại hệ thống để được hưởng sự bảo vệ lâu dài", ông Hiểu kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền quan tâm hơn nữa để sớm tìm được phương án xử lý.
Cơ chế đặc thù hỗ trợ người bị nợ BHXH
Bàn về vấn đề giải pháp, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng cho biết, thống kê qua kênh của công đoàn cho thấy tổng số tiền nợ BHXH khoảng 22.000 tỷ đồng, tương đương hơn 5% tổng số phải thu. Số nợ này biến động tùy thời điểm.
Đặc biệt, có khoảng 3.500 tỷ đồng xuất phát từ hơn 30.000 doanh nghiệp đã phá sản, giải thể hoặc có chủ là người nước ngoài bỏ trốn, ảnh hưởng đến hơn 200.000 lao động.
"Doanh nghiệp đang hoạt động dù chậm, trốn đóng BHXH nhưng vẫn có cách giải quyết khi có chế tài buộc họ hoàn trả số tiền hoặc người lao động cần giải quyết quyền lợi thì luật pháp cho phép doanh nghiệp đó đóng khoản tiền tương ứng số nợ BHXH.
Ví dụ, doanh nghiệp nợ 500 triệu đồng tiền BHXH của 100 lao động thì có thể đóng trước cho số người lao động muốn chốt sổ BHXH để họ được đảm bảo quyền lợi thay vì đóng đầy đủ ngay lập tức 500 triệu đồng kia.
Tuy nhiên, khi doanh nghiệp phá sản, giải thể và chủ doanh nghiệp bỏ trốn thì việc xử lý rất khó vì khi thanh lý tài sản theo Luật phá sản, khoản đóng BHXH không phải khoản ưu tiên. Khi đó, quyền lợi của người lao động hầu như bị... đóng băng", ông Quảng nói.
Theo Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, vừa qua, Tổng Liên đoàn Lao động đề xuất các bên liên quan báo cáo Bộ Chính trị và trình Quốc hội quyết định chính sách đặc thù dành cho hơn 200.000 người lao động bị nợ BHXH.
Bên cạnh đó, theo ông Quảng, tới đây, khi sửa đổi Luật BHXH, cần có những điều chỉnh phù hợp để vừa xử lý được vấn nạn doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH đồng thời thu hút được người lao động tham gia bảo hiểm.
Luật BHXH sửa đổi phải đảm bảo công khai, minh bạch, người lao động biết rõ khoản đóng bảo hiểm do người lao động là bao nhiêu, doanh nghiệp đóng bao nhiêu, không nhập nhèm. Ngoài ra, cần tăng cường trách nhiệm của cơ quan chức năng. Từ đó, người lao động đóng đầy đủ mà người sử dụng lao động không đóng thì quyền lợi của người lao động vẫn được giải quyết.
"Khi sửa luật có thể nghiên cứu, bổ sung phương án phong tỏa tài khoản của doanh nghiệp chậm, trốn đóng BHXH hoặc công khai trên phương tiện thông tin đại chúng về chuyện nợ đóng bảo hiểm, thậm chí từ chối cho những doanh nghiệp trốn đóng BHXH tham gia đấu thầu.
Nhiều chế tài kết hợp cùng lúc có thể sẽ hạn chế được tình trạng doanh nghiệp nợ BHXH", ông Quảng đề xuất.
Về lâu dài, vị chuyên gia chính sách - pháp luật cho rằng, bên cạnh sửa luật, cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh các hành vi chậm, trốn đóng BHXH. Nếu phát hiện thì xử phạt ngay. Sáu tháng sau tái phạm, cơ quan chức năng có thể khởi tố theo điều 216 Bộ luật hình sự.
"Nợ năm nay biết nhưng không xử lý quyết liệt thì năm sau sẽ tăng lên nhiều lần. Tình trạng này phải giải quyết triệt để", ông Quảng khuyến cáo.