2% trẻ bị yêu cầu nói chuyện sex khi truy cập internet
(Dân trí) - Cứ 100 trẻ em truy cập internet thì có 1 em bị dụ dỗ gửi ảnh/video bộ phận nhạy cảm, 1 trẻ bị chia sẻ hình ảnh nhạy cảm, 2 trẻ bị yêu cầu trò chuyện tình dục…
Hầu hết trẻ bị bắt nạt trên mạng đều không kể cho cha mẹ
Ngày 14/10, tại TPHCM, Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã tổ chức Hội nghị tập huấn bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
Tại hội nghị, bà Phạm Thị Thủy - Phụ trách Phòng Phát triển và tham gia của trẻ em (Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) - thông tin về sự phát triển nhanh chóng tỷ lệ tiếp cận internet, tham gia mạng xã hội của trẻ em thời gian gần đây. Từ đó, kéo theo nhiều rủi ro, nguy hiểm trên môi trường mạng rình rập quanh các em.
Bà Thủy cho biết, chỉ 36% trẻ em được khảo sát (hầu hết là trẻ lớn, độ tuổi 16-17) trả lời là được dạy cách đảm bảo an toàn trên mạng, còn trẻ nhỏ thì hầu như không được người lớn dạy bảo cách bảo vệ mình.
Trong khi đó, một nghiên cứu tại 13 quốc gia của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (Unicef) cho thấy: Cứ 100 trẻ em truy cập internet thì có 1 em bị dụ dỗ gửi ảnh/video bộ phận nhạy cảm; 1 trẻ bị chia sẻ hình ảnh nhạy cảm, 2 trẻ bị yêu cầu trò chuyện tình dục…
Những đối tượng xấu có thể tiếp cận trẻ thông qua mạng xã hội, dùng các thủ đoạn như trò truyện giới tính; đề nghị cho tiền/quà để đổi lấy video/hình ảnh nhạy cảm/thực hiện hành vi tình dục; mời tham gia các cuộc thi sắc đẹp giả mạo để lấy hình ảnh nhạy cảm…
Đó là chưa kể đến việc trẻ có thể bị tổn thương khi sử dụng mạng xã hội như: bị người lạ, hay chính bạn bè bắt nạt trên mạng; vô tình xem hình ảnh quảng cáo không phù hợp…
Bà Phạm Thị Thủy cho biết: "Điều quan trọng là hầu hết trẻ bị ảnh hưởng không tiết lộ ai là thủ phạm. Việc trẻ không muốn nói ra thủ phạm là do lo sợ tiết lộ sẽ có hậu quả không tốt".
Bà Phạm Thị Thủy nhận định: "Internet và mạng xã hội đã đem lại cho trẻ em nhiều giá trị tích cực, giúp trẻ tìm hiểu thế giới một cách dễ dàng, giao lưu với nhiều người… Mạng xã hội cũng gây ra những tác động tiêu cực như: tiếp cận với thông tin giả, truy cập vào những nội dung xấu độc... Nguy hiểm hơn là các em chưa ý thức được hết những nguy cơ rình rập khi sử dụng mạng xã hội".
Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là vô cùng cấp thiết
Theo bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng phòng Kiểm định của Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT, Bộ Thông tin và Truyền thông), các khảo sát cho thấy nhiều cha mẹ chưa đủ kiến thức, chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng.
Trong khi đó, môi trường mạng không có ranh giới quốc gia, trẻ em Việt Nam vẫn có thể bị tội phạm từ các nước khác tấn công qua mạng xã hội. Trên thế giới, cứ mỗi phút có khoảng 700.000 đối tượng cố tìm cách kết nối với trẻ em thông qua môi trường mạng để xâm hại.
Bà Đinh Thị Như Hoa cho rằng: "Cấm trẻ sử dụng thiết bị công nghệ, tiếp cận internet là điều không thể. Nhưng khi trẻ sử dụng thì việc bảo vệ con trên môi trường mạng là vô cùng cấp thiết. Cha mẹ cần có kiến thức về những rủi ro thường gặp, dạy trẻ những kỹ năng cần có để bảo vệ mình trên môi trường mạng".
Theo bà Như Hoa, trẻ tham gia mạng xã hội có thể gặp rất nhiều rủi ro như lọt thông tin cá nhân để các đối tượng xấu lợi dụng; tiếp cận thông tin không phù hợp với lứa tuổi, nội dung độc hại; kết bạn xấu, bị bắt nạt, xâm hại tình dục trên môi trường mạng…
Đó là chưa kể nhiều em bị nghiện internet, nghiện game; bị dụ dỗ tham gia selfie (ảnh tự chụp) và livestream (biểu diễn trực tiếp) không an toàn, tham gia các thử thách nguy hiểm lan truyền trên mạng xã hội…
Từ việc xác định các rủi ro, bà Đinh Thị Như Hoa khuyên các bậc phụ huynh cần phải hướng dẫn con trẻ các kỹ năng cần có khi tham gia mạng xã hội như: Quản lý thông tin cá nhân của mình trên mạng, quản lý thời gian sử dụng thiết bị công nghệ, biết cách nhận biết rủi ro và phải biết chia sẻ, nhờ sự hỗ trợ của cha mẹ.
Bà Đinh Thị Như Hoa cũng giới thiệu nhiều biện pháp công nghệ cài đặt trên thiết bị trẻ sử dụng để hạn chế nội dung xấu, độc như: công cụ sẵn có trên hệ điều hành hoặc trên các trình duyệt; các ứng dụng bảo vệ hỗ trợ và thiết bị mạng bảo vệ giám sát…
Tuy nhiên, bà Như Hoa cho rằng: "Dù cha mẹ giám sát kỹ như thế nào, công nghệ có nhiều đến đâu thì cũng không hiệu quả bằng việc nâng cao nhận thức của trẻ về sử dụng mạng an toàn. Đó là cách bảo vệ trẻ hoàn hảo nhất!".