Chủ tịch nước kêu gọi cộng đồng chung tay chăm sóc, bảo vệ trẻ em
(Dân trí) - Sáng nay, 31/5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung có chuyến thăm, tặng quà nhân dịp Tết thiếu nhi 1/6 tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội.
Nhân dịp Quốc tế thiếu nhi 1/6 và tháng hành động vì trẻ em năm 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã Hội Đào Ngọc Dung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, Chủ nhiệm UB Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cùng một số lãnh đạo đã tới thăm Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội tại Chương Mỹ (Hà Nội).
Tại đây, Chủ tịch nước bày tỏ xúc động với sự tận tâm của các thầy cô, cán bộ, viên chức và người lao động đang làm việc tại trung tâm.
"Các thầy cô đang ngày đêm chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và dạy văn hóa 137 cháu bé khuyết tật nặng. Thay mặt Đảng, Nhà nước, tôi chúc mừng các cháu và các thầy cô, cán bộ, viên chức, người lao động của trung tâm", Chủ tịch nước chia sẻ.
Hiện nay, Việt Nam có hơn 20 triệu trẻ em, trong đó có gần 700 nghìn trẻ khuyết tật. Địa bàn Hà Nội có gần 2 triệu trẻ dưới 16 tuổi nhưng có tới hơn 14 nghìn em có hoàn cảnh đặc biệt (12.560 trẻ trong số đó là trẻ khuyết tật). Tuy nhiên, số trẻ được chăm sóc tại các trung tâm chỉ khoảng 300 em, trên 12 nghìn trẻ khuyết tật hiện được nuôi dưỡng ngoài cộng đồng.
Động viên các cháu tại trung tâm, Chủ tịch nước mong muốn thiếu nhi trên cả nước, đặc biệt là các cháu thiếu nhi khuyết tật, trẻ mồ côi, kém may mắn, có hoàn cảnh khó khăn luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc không chỉ trong ngày quốc tế thiếu nhi.
Nhấn mạnh chủ trương bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Đây là vấn đề có tính chiến lược lâu dài của đất nước. Đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai của đất nước. Đảng, Nhà nước hết sức chăm lo công tác an sinh xã hội, trong đó trẻ em khuyết tật là đối tượng được ưu tiên với nhiều chính sách bảo trợ xã hội, trợ giúp tiếp cận y tế, giáo dục, phục hồi chức năng, miễn giảm học phí…".
Tuy nhiên, Chủ tịch nước vẫn yêu cầu các Bộ ngành, các cấp chính quyền thường xuyên giám sát, đánh giá việc thực hiện quyền trẻ em để trẻ em được bảo vệ tốt nhất. Người lãnh đạo đứng đầu nhà nước cũng chỉ đạo xử lý nghiêm các vụ việc phi phạm pháp luật về trẻ em dưới bất kì hình thức nào. Ông nhấn mạnh, những hành vi xâm hại trẻ em cần phải được xã hội lên án.
"Mọi người cần chung tay bảo vệ trẻ em, để không có những cháu bé bị đánh đập, bị đuối nước và để mọi trẻ được đến trường", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, thành phố Hà Nội tạo điều kiện tốt nhất cho Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội và các cơ sở khác trong toàn quốc hoạt động đồng thời xây dựng những chế độ chính sách tốt không chỉ cho các cháu mà cả cán bộ, nhân viên, người lao động Trung tâm đã gắn bó với công việc đặc thù này.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội 100 triệu đồng và bộ thiết bị đồ dùng học tập trị giá 200 triệu. Chủ tịch nước đồng thời kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong nước và quốc tế tiếp tục quan tâm, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khuyết tật, đóng góp vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ trẻ em.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng trao tặng quà và 50 triệu đồng tiền mặt tới Trung tâm.
Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội được thành lập từ năm 1978, tiền thân là Trường dạy chữ, dạy nghề cho người câm người điếc. Từ khi thành lập, trung tâm đã tạo điều kiện cho hơn 500 trẻ khuyết tật được tái hòa nhập cộng đồng.
Trung tâm hiện nay có nhiệm vụ tiếp nhận, chăm sóc và phục hồi chức năng, dạy văn hóa, dạy nghề cho trẻ khuyết tật toàn thành phố. Hiện trung tâm đang tiếp nhận 137 trẻ khuyết tật ở bậc tiểu học. Trong đó, 8 lớp dạy văn hóa cho trẻ khiếm thính, 3 lớp dạy văn hóa cho trẻ khuyết tật trí tuệ.
Theo lãnh đạo Trung tâm, tại đây, trẻ được học 2 buổi/ngày, từ thứ 2 tới thứ 6 hàng tuần theo chương trình giáo dục chuyên biệt. Ngoài giờ học văn hóa, các cháu còn được dạy tin học, dạy kĩ năng sống, kĩ năng tự phục vụ để giúp các cháu có khả năng tái hòa nhập cộng đồng.
Ngoài giờ học, các cháu được bố trí phòng ở phù hợp với giới tính, được hưởng chế độ nuôi dưỡng theo quy định của thành phố là 1.760.000 đồng và 350.000 đồng tiền chi khác mỗi tháng. Các cháu cũng được vui chơi các môn thể thao để rèn luyện sức khỏe.
"Sau khi học xong chương trình tiểu học ở trung tâm, một số cháu được các công ty, doanh nghiệp tiếp nhận vào đào tạo nghề, đào tạo việc làm với mức thu nhập từ 3-9 triệu đồng/tháng. Các cháu rời khỏi Trung tâm đều có khả năng tái hòa nhập cộng đồng, hòa nhập được với cuộc sống", lãnh đạo Trung tâm thông tin thêm.