Rock Việt có lấy lại được lòng tin?

(Dân trí) - Có lẽ chưa bao giờ tình trạng rock Việt đáng buồn và lo lắng như hiện nay, trong khi nhạc trẻ như nấm mọc sau cơn mưa, thì nhạc rock lại lấp mình trong bóng tối.

Chẳng ai nhớ rõ Rock du nhập vào VN từ lúc nào, chẳng có ngày tháng cụ thể nào cả giống như mọi sự ngẫu nhiên của lịch sử nhưng nó thật sự phát triển vào khoảng những năm 80-90 của thế kỉ trước. Trong những năm gần đây rock thế giới đang trên đà phát triển với các tên tuổi như Linkin Park, Blink 182, Green Day, cô gái trẻ trung xinh đẹp Arvil… thì ở VN nhạc Rock dường như đang tách nhịp với nhịp đập chung của thế giới.

 

Có lẽ chưa bao giờ tình trạng rock Việt đáng buồn và lo lắng như hiện nay, trong khi nhạc trẻ như nấm mọc sau cơn mưa thì nhạc rock lại lấp mình trong bòng tối. Nhớ “đại hội rock việt” ngày 29/11/2003 đã đánh dấu sự có mặt trở lại của đàn anh Automega, từ đó cho đến nay những người yêu rock khó có thể kiếm được một đêm rock thực thụ. Các show rock diễn ra vô cùng nhỏ giọt, nhưng để có được một show rock “chính nghĩa” thì nhà tổ chức phải tốn một thời gian khá dài để lo các thủ tục. Theo một nhà tổ chức chuyên nghiệp: “Chúng tôi phải chuẩn bị mất 6 tháng để có được một đêm rock theo đúng nghĩa của nó”. Phải chăng nhạc rock không làm hài lòng các nhà đầu tư, không làm lay động các nhà thẩm định nghệ thuật?

 

Thực tế, với những “tín đồ rock” thì việc đến với rock không vì một bất kì một lý do nào, họ muốn có một sân chơi với thể loại nhạc gai góc và cá tính. “Tôi tổ chức show rock nào cũng lỗ, xong show rock lại lo đi trả nợ bạn bè,nhưng cái mục đính chính của tôi là tụ tập được những người yêu rock và cùng nhau chia sẻ”, một thủ lĩnh của rock đã nói như vậy. Để có một sân chơi Rock đã khó nhưng để có được 1 tờ giấy phép để tổ chức thì lại khó gấp bội. Trong khi các teenpop dễ dàng tự bỏ tiền túi ra để tổ chức một show riêng cho mình thì các rocker phải khó khăn lắm mới mua được nhạc cụ để tập...

 

Dù đam mê rock đến điên cuồng nhưng hình như rock Việt đang bị giam cầm bởi một thứ xiềng xích vô hình nào đó.

 

Lại nghĩ thêm về chuyện… tiền. Tiền không phải là tất cả nhưng nó quan trọng, nó là thứ để nuôi sống con người. Có người nói “nghệ thuật sống không cần tiền”, đúng có thể sống nhưng không thể tồn tại mãi mãi nếu không có tiền. Bức Tường ngừng hoạt động với lý do “chẳng ai mà ôm nỗi buồn bã với cái bụng đói mà vượt qua sa mạc an toàn”.

 

Cũng chính vì mưu sinh, nhạc sĩ Lê Quang - thành viên của Da Vàng một thời cũng chuyển sang sáng tác cho thể loại nhạc trẻ và nhiều trường hợp khác nữa. Tất cả đều phải kiếm tiền, không chỉ nuôi thân mà còn phải có trách nhiệm với gia đình. Tất cả họ muốn vì rock Việt, nhưng xung quanh họ còn quá nhiều điều ràng buộc…

 

Vẫn biết ở cuộc chinh phục nào cũng có những khó khăn phía trước -  như lời ca khúc của ban nhạc Bức Tường đã viết: Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai...  Thế nhưng, câu hỏi mà các fan hâm mộ nóng lòng muốn biết, chính là: Liệu rock Việt có lấy lại được lòng tin để tiếp tục cống hiến?

 

Thuý Thanh