1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Yên Bái sẽ tiếp tục làm rõ về những khối tài sản của ông Phạm Sỹ Quý

(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam khẳng định, trong năm 2018 Tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục thanh tra, làm rõ về tài sản của ông Phạm Sỹ Quý - nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái. Những vi phạm xây dựng tại khu “biệt phủ” sẽ được rà soát dựa trên quy hoạch của TP Yên Bái để xử lý.

Ông Bùi Ngọc Lam - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ phát biểu tại buổi công bố kết luận thanh tra tại Yên Bái.
Ông Bùi Ngọc Lam - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ phát biểu tại buổi công bố kết luận thanh tra tại Yên Bái.

- Thưa ông, đối chiếu với những sai phạm đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra trong kết luận thanh tra về quản lý đất đai, cấp phép xây dựng tại khu đất tại tổ 42, 52 phường Minh Tân (TP. Yên Bái) và việc chấp hành pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập của ông Phạm Sỹ Quý - nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái thì việc UBND tỉnh Yên Bái vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ đã xử lý kỷ luật 14 cán bộ có liên quan đã thỏa đáng hay chưa?

Tôi nghĩ rằng không còn cán bộ nào có thể đứng ngoài vòng trách nhiệm theo kết luận của Thanh tra Chính phủ cả (ông Bùi Ngọc Lam là người ký kết luận thanh tra - PV). Chủ tịch UBND phường Minh Tân cũng đã bị xử lý kỷ luật. Tỉnh Yên Bái đã xử lý dứt khoát, bất kể mọi trường hợp.

Số tiền xử phạt đối với những vi phạm trật tự xây dựng cũng không ít. Riêng chỗ xây dựng trái phép và không phép là 507 triệu đồng và nộp phạt chậm nộp thuế hơn 51 triệu đồng.

Ngoài ra, Yên Bái đã ban hành các văn bản chấn chỉnh về việc chi phí đào đất, san lấp mặt bằng như kết luận thanh tra. Đã chấn chỉnh công tác quản lý về trật tự đô thị.

- Việc Yên Bái “tập trung” xử phạt hành chính để tồn tại những công trình vi phạm trật tự xây dựng trong khu biệt phủ của gia đình ông Phạm Sỹ Quý có phù hợp và thực hiện đúng với những nội dung kiến nghị của Thanh tra Chính phủ?

Những cái nào cho phạt thì phạt, cái nào phải điều chỉnh quy hoạch thì bây giờ phải điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với thực tế. Cái đó thì có những cái làm được ngay, nhưng có những cái phải rà soát lại quy hoạch.

Cái nào phù hợp với quy hoạch thì để, còn cái nào không phù hợp với quy hoạch thì phải xử lý theo quy định. Tỉnh Yên Bái đang tiếp tục chỉ đạo làm cái quy hoạch đó.

Vì quy hoạch liên quan tới tài chính, đánh giá tổng thể nên không thể làm ngay được. Có những cái làm ngay nhưng có những cái chưa thể làm ngay được. Nó phải theo trình tự thủ tục nhất định.

- Vậy những công trình xây dựng không phép gây bức xúc dư luận mà Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra tại cụm “biệt phủ” của gia đình ông Phạm Sỹ Quý có bị tháo dỡ?

Cũng phải xem xét dựa trên quy hoạch hoạch TP Yên Bái. Nếu quy hoạch của TP Yên Bái cái đó không phù hợp thì phải xem xét. Hiện nay TP Yên Bái đang rà soát lại quy hoạch cái đó, xem cái nào phù hợp thì cho tồn tại, cái nào không phù hợp với quy hoạch chung của TP Yên Bái thì phải xử lý.

- Thanh tra Chính phủ có thẩm tra lại những nội dung báo cáo của UBND tỉnh Yên Bái?

Trước hết tôi đánh giá Yên Bái phải chịu trách nhiệm toàn bộ về việc đó. Còn Thanh tra Chính phủ có bộ phận (Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra) để chuyên về kiểm tra, đôn đốc thực hiện sau thanh tra.

Còn tôi đánh giá Yên Bái thực hiện việc này không thể có chuyện báo cáo không trung thực được. Người ta làm đàng hoàng, tôi nghĩ thế, thì không thể không làm mà báo cáo làm. Thanh tra Chính phủ có đơn vị sẽ giám sát, kiểm tra, đôn đốc thực hiện những việc đó.

Một góc khu biệt phủ hoành tráng của gia đình ông Phạm Sỹ Quý đang được phạt cho tồn tại gây bức xúc dư luận (Ảnh: Toàn Vũ).
Một góc khu biệt phủ hoành tráng của gia đình ông Phạm Sỹ Quý đang được "phạt cho tồn tại" gây bức xúc dư luận (Ảnh: Toàn Vũ).

- Thưa ông, sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra, đã có nhiều dư luận cho rằng gia đình ông Phạm Sỹ Quý còn sở hữu những tài sản khác khá lớn ở địa phương này nhưng chưa được nêu trong bản kê khai tài sản hoặc bị cơ quan thanh tra “điểm tên”. Thanh tra Chính phủ có tiếp nhận những phản ánh này của dư luận và có đề ra phương thức nào để kiểm tra bổ sung?

Chỗ này Thanh tra Chính phủ chỉ kiểm tra ở khu vực đất ở phường Minh Tân đó thôi, nên kết luận chủ yếu ở khía cạnh đó. Còn trong kết luận của chúng tôi có nói một ý rằng tỉnh Yên Bái cần tăng cường thanh tra pháp luật về phòng chống tham nhũng, đặc biệt là việc kê khai và minh bạch tài sản, thu nhập rồi.

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cũng đã bổ sung vào kế hoạch thanh tra năm 2018 về việc này rồi. Trách nhiệm của địa phương sẽ phải làm những công việc còn lại.

Tôi biết Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy đã phê duyệt vào kế hoạch thanh tra năm 2018, thanh tra về phòng chống tham nhũng, trách nhiệm của người đứng đầu, đặc biệt là công tác minh bạch, kê khai tài sản và thu nhập.

- Thanh tra Chính phủ sẽ có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những việc này?

Đây mới là báo cáo của tỉnh Yên Bái gửi Thủ tướng Chính phủ và Thanh tra Chính phủ. Sau này khi Thanh tra Chính phủ kiểm tra, đôn đốc thực hiện sau thanh tra thì chúng tôi sẽ có báo cáo riêng gửi Thủ tướng Chính phủ.

-Xin cảm ơn ông !

Khối tài sản rất lớn

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, năm 2014 ông Phạm Sỹ Quý đã không kê khai 1.200 m2 đất ở, gần 60.000 m2 đất nông nghiệp bà Hoàng Thị Huệ (vợ ông Quý) đứng tên; không kê khai tiền vay ngân hàng 3,8 tỷ đồng.

Năm 2015, ông Phạm Sỹ Quý không kê khai trên 13.111 m2 đất ở, gần 42.000 m2 đất nông nghiệp bà Huệ đứng tên; không kê khai khoản vay ngân hàng trên 6,3 tỷ đồng và tiền bố mẹ cho 1,9 tỷ đồng.

Sau khi được bổ nhiệm Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái vào năm 2016 ông Phạm Sỹ Quý đã kê khai thiếu gần 4.900 m2 đất ở, 27.500 m2 đất nông nghiệp đứng tên bà Huệ; không kê khai tiền vay ngân hàng trên 9,1 tỷ đồng và nợ bạn bè 60 cây vàng.

Qua kiểm tra, Thanh tra Chính phủ phát hiện gia đình ông Phạm Sỹ Quý đã ký 4 hợp đồng tín dụng, vay tiền của ngân hàng. Đến ngày 31/12/2016, gia đình ông Quý còn nợ ngân hàng 9,154 tỷ đồng (có xác nhận của ngân hàng).

Những công trình vi phạm xây dựng

Trên cơ sở hồ sơ xin cấp phép xây dựng của hộ gia đình bà Hoàng Thị Huệ (vợ ông Phạm Sỹ Qúy) tại khu đất có diện tích 1.088 m2 đất ở, 33.074 m2 đất nông nghiệp (đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) thuộc tổ 42 phường Minh Tân (TP Yên Bái), Thanh tra Chính phủ cho biết, ngày 24/3/2016, UBND TP Yên Bái cấp giấy phép xây dựng 3 tầng, với diện tích xây dựng tầng 1: 200 m2; tổng diện tích sàn: 500 m2.

Đến thời điểm thanh tra, bà Huệ đã xây dựng nhà 3 tầng và 1 tum, diện tích xây dựng tầng 1 là 262,5 m2, tổng diện tích sàn là 845,9 m2. Như vậy, bà Huệ đã xây thêm 1 tum, vượt diện tích 345,9 m2 sàn xây dựng so với giấy phép xây dựng được cấp.

Ngoài ra, khu “biệt phủ” đã xây dựng một số công trình không phép (chỉ có xác nhận của UBND phường), gồm : 1 nhà thờ gỗ cũ, 1 nhà sàn gỗ cũ, 1 cây cầu bắc qua hồ nước, 1 căn nhà mái bằng làm bếp (đang xây dựng), là vi phạm quy định về đầu tư xây dựng.

Thế Kha (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm