1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Vua cá sấu” lý giải sự cố diễn viên xiếc bị cá sấu cắn

(Dân trí) - “Tiết mục đưa đầu vào miệng cá sấu là nguy hiểm nhất, để thực hiện bài diễn này phải có 2 người. Một người thôi miên cho cá sấu vào trạng thái ngủ mê, khi cá há miệng to thì diễn viên còn lại nhanh chóng đưa đầu vào rồi đưa ra”.

Đó là những chia sẻ của ông Vũ Cao Thăng (59 tuổi, sống ở Ninh Bình), người được mệnh danh là “Vua cá sấu đất Bắc”, xung quanh sự việc một nam diễn viên xiếc bị cá sấu cắn khi đang biểu diễn tiết mục đưa đầu vào miệng cá sấu xảy ra tại tỉnh Hà Nam tối 11/3.

Có kinh nghiệm hơn 20 năm nuôi dưỡng, thuần phục cá sấu, ông Thăng hiểu rất rõ đặc tính của loài vật hung dữ này. Sau nhiều năm nghiên cứu, ông cũng hiểu được những điểm yếu, điểm mạnh của loài động vật gần như không có não này.


Ông Vũ Cao Thăng đang điểm huyệt một con cá sấu trong trang trại của gia đình.

Ông Vũ Cao Thăng đang điểm huyệt một con cá sấu trong trang trại của gia đình.

Ông cho biết mình có thể thôi miên cho cá sấu ngủ say để khi cho tay, đầu vào miệng cá không bị cắn, hay có thể ôm hôm loài động vật nguy hiểm này. Vì thế, những năm qua ông được nhiều diễn viên xiếc tìm đến xin được truyền lại các bí quyết để đi biểu diễn.

Đề cập đến sự cố nam diễn viên đưa đầu vào miệng cá sấu bị cắn xảy ra ở Hà Nam, ông Thăng cho hay: “Đó là sự việc đáng tiếc, là một tai nạn sơ suất nghề nghiệp không đáng có”.

Ông chia sẻ: “Tiết mục đưa tay, đầu vào miệng cá sấu là nguy hiểm nhất. Bài diễn này thường phải diễn sau cùng trong các bài diễn với cá sấu. Để thực hiện bài diễn phải có 2 người, tai nạn xảy ra có thể do người gây mê hơi kém về chuyên môn.

Theo đó, trong 2 người diễn thì một người làm động tác thôi miên cho cho cá sấu vào trạng thái ngủ mê (cá nhắm mắt mà không biết gì nữa). Để gây mê được cá thì người này phải dùng một chiếc gậy đứng ở bên rồi điểm vào huyệt ở giữa đỉnh đầu cá. Khi thấy cá nhắm mắt, há miệng thì diễn viên còn lại nhanh chóng đưa đầu vào rồi nhanh chóng đưa ra.


Một diễn viên xiếc biểu diễn tiết mục đưa đầu vào miệng cá sấu.

Một diễn viên xiếc biểu diễn tiết mục đưa đầu vào miệng cá sấu.

Cũng theo ông Thăng, thông thường khi sử dụng cá sấu để diễn xiếc thì con cá không sống được lâu. Các bài diễn xiếc giống như "tra tấn" cá chứ không thiên về dạy dỗ như những con vật khác. Cá sấu không biết nghe lời như con vật khác mà chủ yếu là diễn viên phải dùng sức để vật lộn với nó, rồi phải gây mê, điểm huyệt nó. Những động tác như vậy nếu diễn ra thường xuyên thì con cá sấu sẽ nhanh chết, chỉ trong vòng 4 - 5 tháng. Cũng có con khỏe sống được lâu hơn, nhưng trường hợp này hiếm.

Về động tác đưa đầu vào miệng cá sấu, “Vua cá sấu đất Bắc” cho hay, từ trước đến nay chưa có người nào bị cắn như sự cố ở Hà Nam. “Đây là trường hợp bị đầu tiên, tôi bán cá sấu cho các đoàn xiếc về diễn các bài này rất nhiều nhưng chưa nghe thấy sự việc này bao giờ”, ông Thăng cho hay.

Ông Thăng nói cụ thể: “Diễn xiếc với cá sấu thì bài diễn đưa đầu, đưa tay vào miệng cá sấu phải được diễn cuối cùng. Theo đó, ban đầu phải dùng gậy chọc vào người cho cá sấu tức giận, hung dữ rồi bị mất sức. Cá sấu rất khỏe nhưng mất sức cũng rất nhanh, nếu làm động tác chọc giận tốt thì khoảng 10 phút sau cá đã tương đối mệt. Cá mệt sẽ không muốn cắn nữa, lúc đó mới điểm huyệt rồi làm động tác đưa tay, đầu vào miệng cá”.


Tiết mục đưa tay vào miệng cá sấu sau khi đã thôi miên cho cá ngủ say.

Tiết mục đưa tay vào miệng cá sấu sau khi đã thôi miên cho cá ngủ say.

Ông Thăng khuyên: “Diễn xiếc với cá sấu là không được chủ quan và luôn luôn tính đến tình huống xấu nhất để đề phòng. Thường có nhiều diễn viên dùng thủ thuật khi diễn tiết mục này. Đó là sau khi thôi miên cá xong, họ sẽ dùng một chiếc gậy trong suốt chống vào miệng cá để mọi người không nhìn thấy rồi mới dám đưa đầu vào”.

Thái Bá