Vợ ông Nguyễn Việt Tiến nói gì?

(Dân trí) - Thật bất ngờ, vợ ông Tiến, bà Trần Thị Đức, ra tận cửa mời chúng tôi vào nhà, không chút lưỡng lự. Bà cười buồn nói chúng tôi là những vị khách báo chí đầu tiên tìm đến nhà bà sau vụ việc PMU18…

“Trong mỗi thành công của người đàn ông, bao giờ cũng có bóng dáng của một người phụ nữ”, nhưng trong sự thất bại, đặc biệt là trong những vụ án thì điều đó chưa chắc. Họ có thể là đồng phạm nhưng hoàn toàn cũng có thể là nạn nhân của chính chồng mình. Thậm chí, họ đã đang và vẫn bị lừa.

 

Ở đây, chúng tôi hoàn toàn không có ý định thanh minh hay bào chữa cho những hành vi của ông Tiến. Chắc chắn ông Tiến sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những gì mình đã làm.

 

Trên tinh thần dân chủ của báo chí, chúng tôi chỉ muốn phản ánh một khía cạnh những suy nghĩ của người vợ bị can  Nguyễn Việt Tiến. Rất tiếc, dù thuyết phục thế nào, bà Đức cũng không cho chúng tôi chụp ảnh.

 

Trưa đó, chồng tôi không ngủ được!

 

Dù đã ở tuổi 56, nhưng bà Đức với dáng người nhỏ nhắn, da trắng và những đường nét thanh tú trên gương mặt khiến người đối diện có cảm nhận về “độ bền” của dáng vẻ bề ngoài trước sức ép thời gian. Bà Đức thẳng thắn: “Tôi nghĩ, với mỗi sự việc, mỗi người sẽ nghĩ khác nhau nhưng cái "ba-rem" chung trong mọi trường hợp phải là sự thật”.

 

Ngày ông Tiến có lệnh bắt, cả buổi trưa hôm ấy chồng bà không ngủ được, ngồi dậy trầm ngâm trên chiếc ghế ở bàn tiếp khách. “Nhà tôi là người có bản lĩnh nhưng hôm đó ông ấy tỏ ra rất buồn”, bà Đức kể. Cho dù báo chí đã nhận được thông tin về lệnh bắt từ khá sớm, nhưng theo bà Đức, cả bà và ông chỉ được biết trước sự việc khoảng 20 phút...

 

Bà Đức đã khóc khi cơ quan công an có mặt tại nhà và chỉ có một điều bà nói được trước khi ông bị dẫn giải: “Anh yên tâm, lúc nào mẹ con em cũng ở bên anh”.

 

Giá như cho nhà tôi một cơ hội

 

Theo bà Đức, một điều khiến bà buồn nhiều chính là sự “tảng lờ” của lãnh đạo Bộ GTVT trước những vấn đề được đặt ra với ông Tiến. “Khi dư luận bắt đầu đề cập đến những chuyện về anh Tiến thì cũng không hề có ý kiến nào từ lãnh đạo Bộ. Chồng tôi nhiều lần tâm sự, nếu cấp trên có lúc nào đó cho anh ấy một cơ hội được nói thì tốt biết mấy... Tôi tin rằng, nếu Bộ có ý kiến lúc đó thì công luận đã có cái nhìn khác hơn”.

 

Bà Đức cho rằng công luận thời gian qua thường hay “ám chỉ” và “ghép chuyện” của Bùi Tiến Dũng với chồng mình. Tuy vậy, bà không muốn nói nhiều về mối quan hệ giữa chồng bà và Bùi Tiến Dũng bởi theo bà đây là thời điểm rất nhạy cảm. Bà chỉ “tiết lộ” rằng, mối quan hệ giữa hai bên không còn thân thiết đến mức “chuyện gì cũng có thể biết về nhau” kể từ cách đây 4 năm, khi ông Tiến không trở thành Bộ trưởng.

 

“Có thể mọi người không tin nhưng trong các tệ nạn xã hội, nhà tôi ghét cờ bạc nhất, đến tú lơ khơ anh ấy cũng không biết chơi” - bà thốt lên, xót xa. Bà “dẫn” thêm: khi ông Tiến còn làm Giám đốc ở PMU18, nhiều khi cánh lái xe trong lúc chờ các sếp đã tập hợp nhau chơi tá lả nhưng hễ thấy bóng ông Tiến là “vội vơ đám cây bài, chạy nháo nhào” vì “anh ấy rất nghiêm khắc trong chuyện này”. 

 

Tôi đã bị xúc phạm ghê gớm

 

Bà Đức tâm sự, những thông tin, những câu chuyện xung quanh ông Tiến và gia đình bà được dư luận quan tâm và cả đàm tiếu khiến bà nặng nề và ức chế. Bà Đức không giấu những phản ứng gay gắt khi nói về việc có những tờ báo đã khoét sâu vào khía cạnh đời tư chồng bà với lời văn mà bản thân gia đình cảm thấy đau xót.

 

Khi được hỏi về điều thất vọng nhất thời gian qua, bà Đức liền kể đến những thông tin về ông Tiến làm lễ “rửa chức”. Cái lễ này được miêu tả: người ta tổ chức cho bốn cô gái khỏa thân ngồi vào một cái thùng, đổ bia đổ rượu vào rồi mọi người lại múc bia đó để uống, trong đó có cả nhiều quan chức cấp cao. “Tôi nghĩ, trên đất nước này, ở những nơi bẩn thỉu nhất cũng không thể có chuyện đó. Tôi thấy xấu hổ khi nói đến chuyện đó”.

 

Đau xót không kém với bà là khi được nghe chuyện ông Tiến quen biết Lương Quốc Dũng và đã cùng ông này tổ chức những cuộc săn lùng “chân dài”, tìm kiếm gái tơ, gái trẻ... để lấy “hên”. Với bà, những thông tin đó như một sự gán ghép, xúc phạm ghê gớm chứ cả gia đình bà không ai quen biết Lương Quốc Dũng.

 

Không nên làm tổn thương đến người khác

 

Cùng với chuyện liên quan đến các “chân dài” của ông Tiến là chuyện bà ghen tuông hay sự “yếu thế” của bà trong gia đình: “Sao lại bảo tôi ra tận sân tennis đánh ghen khi tôi chưa bao giờ đến sân tennis của chồng. Sao lại bảo, khi anh ấy đi làm về thường bắt tôi cởi giày, cởi tất như thể coi tôi là con sen, con ở. Việc này không những là sự đặt điều cho anh Tiến mà còn xúc phạm bản thân tôi. Buồn vô cùng!”.

 

Sau một hồi dừng câu chuyện, lau nước mắt bà Đức tiếp: “Vợ chồng tôi luôn thương yêu, tôn trọng nhau... 34 năm nay, chưa bao giờ anh ấy đánh tôi. Vậy mà...”.

 

Nhiều câu chuyện về quan hệ với người mẫu nọ, diễn viên kia của chồng cũng được bà Tiến nói “không”: “Tôi là người vợ, là người nhạy cảm nhất với chuyện đó mà tôi dám khẳng định là không thì mọi người cũng đừng nên khoét vào nữa. Những cô gái được nêu tên, chỉ mặt, theo bà, họ còn có gia đình, còn những người thân... Không nên làm tổn thương đến nhiều người như vậy”.

 

“Từ khi dư luận có những nghi ngờ đầu tiên về những việc làm của nhà tôi cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa bao giờ nghĩ khác đi về anh ấy. Những chuyện đó cũng không thể ảnh hưởng đến đời sống gia đình cũng như tình cảm vợ chồng của chúng tôi, tôi chỉ thương anh ấy hơn. Các con tôi cũng rất hiểu bố. Chúng tôi có một niềm tin gần như tuyệt đối cả về con người, về tình cảm, về công việc của nhà tôi” - bà Đức lại khóc, có lẽ với bà chừng nào còn niềm tin, còn tình yêu thương, nền móng của gia đình còn bền chặt.

 

Kim Tân  - Phương Thảo