1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Vỉa hè được tổ chức như thế nào để bảo vệ người đi bộ?

(Dân trí) - Theo Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Phước Đại, giành lại vỉa hè cho người đi bộ không đơn giản chỉ là dẹp vỉa hè mà là phải tổ chức sử dụng, quản lý vỉa hè hợp lý để vừa có thể dành lối đi an toàn cho người đi bộ, vừa đảm bảo mỹ quan đô thị, vừa đáp ứng các nhu cầu khác của xã hội để phục vụ đời sống người dân.

>>Khai thác vỉa hè có thể mang về cả trăm tỷ đồng mỗi tháng?

Theo Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Phước Đại (Viện Nghiên cứu và Phát triển TPHCM), tại TPHCM, ngoài một số tuyến đường trung tâm như Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi… là có vỉa hè lý tưởng cho người đi bộ. Còn ở các tuyến đường khách tràn ngập các hoạt động sôi nổi khác, trong đó có kinh tế vỉa hè.

Vỉa hè đường Nguyễn Thái Học (bên hông cầu ông Lãnh, quận 1) bị lấn chiếm dụng buôn bán. Ảnh chụp ngày 11/4 (ảnh Đình Thảo)
Vỉa hè đường Nguyễn Thái Học (bên hông cầu ông Lãnh, quận 1) bị lấn chiếm dụng buôn bán. Ảnh chụp ngày 11/4 (ảnh Đình Thảo)

Khảo sát thực tế cho thấy hầu hết các tuyến vỉa hè đều bị chiếm dụng trên diện rộng, đến nỗi người đi bộ phải đi xuống lòng đường trong sự nguy hiểm luôn rình rập. Trong những năm qua, công tác phối hợp quản lý, xử phạt vi phạm trật tự vỉa hè giữa các cơ quan chức năng không tốt. Ngược lại, sự “bành trướng” của các “siêu thị vỉa hè”, “phố nhậu” và các “bãi giữ xe thông minh” trên nhiều tuyến vỉa hè làm bộ mặt đô thị nhếch nhác.

Từ sau Tết Nguyên đán, “chiến dịch” lập lại trật tự vỉa hè của TPHCM đã bước đầu mang lại kết quả. Song vấn đề quan trọng là công tác tổ chức vỉa hè như thế nào để đảm bảo mỹ quan đô thị, an toàn cho người đi bộ và mang lại hiệu quả kinh tế.

Vỉa hè đường Cô Giang cũng bị tái lấn chiếm buôn bán. Ảnh chụp ngày 11/4 (ảnh Đình Thảo)
Vỉa hè đường Cô Giang cũng bị tái lấn chiếm buôn bán. Ảnh chụp ngày 11/4 (ảnh Đình Thảo)

Theo báo cáo của UBND TPHCM, trên địa bàn TP có hơn 2.000/ 4.155km đường không có vỉa hè, hoặc có nhưng rất nhỏ, dưới 1m. Thực tế này làm giảm thói quen đi bộ của người dân, giảm khả năng tiếp cận và sử dụng xe buýt. Vì vậy, vấn đề đảm bảo an toàn cho người đi bộ là hết sức nan giải.

Vỉa hè đường Bà Lê Chân (quận 1) tràn ngập các quầy hàng, người đi bộ bị đẩy xuống đường.Ảnh chụp ngày 11/4 (ảnh Đình Thảo)
Vỉa hè đường Bà Lê Chân (quận 1) tràn ngập các quầy hàng, người đi bộ bị đẩy xuống đường.Ảnh chụp ngày 11/4 (ảnh Đình Thảo)

Vấn đề này, Ths Nguyễn Ngọc Phước Đại chia sẻ về một số mô hình quản lý và khai thác vỉa hè ở một số quốc gia. Ông cho biết một số tuyến đường và khu phố tại Nhật bản, mặc dù vỉa hè rất chật nhưng họ vẫn có lối đi cho người đi bộ và cảnh quan đẹp mắt.

Nhật Bản cũng quản lý chặt chẽ vỉa hè. Vỉa hè là của công cộng chứ không phải là sân trước của các nhà mặt phố hay công trình. Họ cắm mốc và phạt nghiêm việc vi phạm, vì thế không để xảy ra lấn chiếm vỉa hè, tự xây dựng vỉa hè theo ý muốn làm cho vỉa hè lúc lồi lên lõm xuống tùy theo ý của chủ nhà mặt phố, hoặc tự ý chặt cây nếu như có ảnh hưởng lối đi tiếp cận công trình.

Tổ chức không gian cho người đi bộ tại Nhật Bản (ảnh Phước Đại)
Tổ chức không gian cho người đi bộ tại Nhật Bản (ảnh Phước Đại)

Theo Ths Đại, Nhật Bản thường ngăn cách đường cho xe cơ giới (chủ yếu là ô tô) và đường đi bộ bằng một hàng rào bằng thép hoặc cây xanh được cắt xén rất đẹp. Mục đích để đảm bảo sự an toàn cho người đi bộ và không để xảy ra tình trạng lấn chiếm không gian vỉa hè.

Ở Việt Nam, việc này có thể áp dụng tại nhiều tuyến đường, đặc biệt là các tuyến mà nhiều chợ di động mọc ngay trên vỉa hè thường xuyên có nhiều vi phạm buôn bán lấn chiếm vỉa hè. Việc làm hàng rào tại một số tuyến quy định sẽ giúp các đơn vị quản lý dễ dàng hơn trong việc ngăn chặn các vi phạm trước đây, và nếu có hàng rào sẽ không có người đi đường dừng lại để giao dịch mua bán.

Theo ông, phương án này khá dễ thực hiện với kinh phí không cao, đặc biệt trong bối cảnh dân cư thành phố chúng ta chưa có tác phong công nghiệp cao cũng như ý thức về chấp hành các luật lệ giao thông.

Ths Đại cũng dẫn chứng về tình trạng kẹt xe tương tự như TPHCM là thủ đô Bangkok của Thái Lan. Theo ông, cho dù đã có tuyến tàu điện và nhiều đường vượt trên không nhưng nạn kẹt xe trên tuyến đường Sukhumvit (một trong những tuyến đường chính) vẫn chưa được giải quyết triệt để. Tuy nhiên, thay vì cấm để con đường trở nên thông thoáng hơn, buôn bán trên vỉa hè lại được chấp nhận và ngày càng phát triển.

Mô hình tổ chức bán hàng trên vỉa hè tại Thái Lan (ảnh Phước Đại)
Mô hình tổ chức bán hàng trên vỉa hè tại Thái Lan (ảnh Phước Đại)

Theo đó, lề đường rộng 4m sẽ bố trí 1m cho người đi bộ, còn lại là các quầy hàng. Quầy hàng được bố trí sát mép vỉa hè, hướng lưng ra đường, hướng mặt vào trong. Vì vậy, người đi bộ sẽ đi giữa dãy nhà và sạp hàng.

Buôn bán vỉa hè đã trở thành một nét văn hóa không thể thiếu của Bangkok, là một trong những lý do để người nước ngoài đến với Thái Lan và quay trở lại đây. Năm 2016, du lịch Thái Lan thu hút hơn 20 triệu lượt khách quốc tế.

Tiến sĩ Narumol Nirathron, giảng viên Đại học Thammasat, nhận xét: “Với lịch sử hơn 200 năm bán hàng rong, hoạt động này đã trở thành một nét văn hóa. Nếu biết khai thác, chính hoạt động bán hàng rong sẽ làm cho Bangkok càng thêm hấp dẫn”. Và theo một nghiên cứu của đại học này, vỉa hè Bangkok đã trở thành nơi kiếm sống của hơn nửa triệu người, tạo ra một mạng lưới phân phối dịch vụ rẻ tiền, tiện lợi không chỉ cho người dân mà còn cho cả hàng triệu khách du lịch.

Theo Ths Nguyễn Ngọc Phước Đại, mô hình này hoàn toàn có thể áp dụng trên các tuyến đường có vỉa hè rộng ở Việt Nam. Nó vừa dành lối cho người đi bộ, vừa bảo vệ họ khỏi dòng xe trên đường; đồng thời đảm bảo chỗ buôn bán tạo sinh kế cho người dân. Việc bố trí các quầy hàng quay lưng với mặt đường cũng hạn chế được tình trạng người đi đường dừng xe bất chợt để mua hàng gây ách tắc giao thông như hiện nay...

Quán cà phê vỉa hè tại thủ đô Paris, nước Pháp (ảnh Phước Đại)
Quán cà phê vỉa hè tại thủ đô Paris, nước Pháp (ảnh Phước Đại)

Còn tại Paris, vỉa hè chính là nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt thú vị nhất của hàng triệu người. Nếu không có các quán cà phê và quán ăn, hàng rong trên vỉa hè, thủ đô nước Pháp hẳn sẽ mất đi một phần hấp dẫn của mình. Ở Paris, vỉa hè ven dọc sông Seine có nhiều hàng bán sách báo cũ rất thú vị. Người ta có thể tìm thấy ở đó nét văn hoá các quốc gia qua các thời kỳ lịch sử.

Một số hình ảnh về mô hình tổ chức không gian vỉa hè do Ths Nguyễn Ngọc Phước Đại cung cấp:

Tại nước Mỹ, vỉa hè có bố trí quán cà phê; chỗ nghỉ ngơi cho người bộ hành, đi xe đạp; hệ thống cây xanh... Nhưng vẫn đảm bảo lối đi cho khách bộ hành
Tại nước Mỹ, vỉa hè có bố trí quán cà phê; chỗ nghỉ ngơi cho người bộ hành, đi xe đạp; hệ thống cây xanh... Nhưng vẫn đảm bảo lối đi cho khách bộ hành
Cách bài trí tạo điểm nhấn thẩm mỹ và cách ly phần vỉa hè cho người đi bộ với đường giao thông
Cách bài trí tạo điểm nhấn thẩm mỹ và cách ly phần vỉa hè cho người đi bộ với đường giao thông
Không gian vỉa hè tại nước Ý được tổ chức đầy tính nghệ thuật
Không gian vỉa hè tại nước Ý được tổ chức đầy tính nghệ thuật
Một mô hình tổ chức không gian dành cho người đi bộ tại Nhật Bản. Nơi đây có cả khu vực nghỉ ngơi cho người bộ hành
Một mô hình tổ chức không gian dành cho người đi bộ tại Nhật Bản. Nơi đây có cả khu vực nghỉ ngơi cho người bộ hành

Vỉa hè trên một tuyến đường tại Nhật Bản được cách ly bằng hệ thống cây xanh.

Vỉa hè trên một tuyến đường tại Nhật Bản được cách ly bằng hệ thống cây xanh.

Quốc Anh