1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thượng tướng Tô Lâm: Với mạng xã hội, ngôi nhà của mình không còn là của mình!

(Dân trí) - Theo Thượng tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an chia sẻ, Phó Thủ tướng Singapore từng nói với ông “thậm chí ngôi nhà của mình cũng không còn là của mình nữa rồi, vì ứng dụng rất nhiều công nghệ tiên tiến, người hàng xóm có thể xâm nhập vào nhà mình, có thể biết được mọi bí mật nhà mình...”.

Ứng dụng công nghệ, hàng xóm có thể xâm nhập vào nhà mình

Ngày 13/11, thảo luận tại tổ về Luật An ninh mạng và Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Bộ trưởng Công an Tô Lâm – đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo cả 2 đạo luật cho biết, an ninh mạng là vấn đề rất khó, được xác định là vấn đề an ninh phi truyền thống, đang là sự quan tâm chung của quốc tế, từng quốc gia, của tất cả các diễn đàn song phương, đa phương, Liên Hợp Quốc cũng đặt vấn đề đây là vấn đề rất lớn của cộng đồng quốc gia.


Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, nếu không làm chủ được mạng xã hội, nội bộ nhiều nguy cơ mất an ninh

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, nếu không làm chủ được mạng xã hội, nội bộ nhiều nguy cơ mất an ninh

Mạng xã hội, theo Thượng tướng Tô Lâm, là cuộc chơi chung bộc lộ rất nhiều nguy cơ về mất an ninh nếu không làm chủ được, vì thực tế vấn đề đó đi vào mọi mặt đời sống xã hội tới đời sống riêng tư của con người.

Bộ trưởng Công an chia sẻ, Phó Thủ tướng Singapore từng nói với ông “thậm chí ngôi nhà của mình cũng không còn là của mình nữa rồi, vì ứng dụng rất nhiều công nghệ tiên tiến, người hàng xóm có thể xâm nhập vào nhà mình, có thể biết được mọi bí mật nhà mình thì phải làm thế nào”.

Người đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo luật so sánh, đảm bảo an ninh an toàn mạng nghĩa là làm sao, để hệ thống tuần hoàn của cơ thể không bị nghẽn mạch, cơ thể không bị đột quỵ. “Muốn vậy, dòng máu đó làm sao phải nhiều ô xy, nhiều chất dinh dưỡng thì mới nuôi được cơ thể, chứ máu đỏ thì ít, máu đen thì nhiều, ô xy ít, cacbonic nhiều thì rất nhiều vấn đề, hệ thần kinh bị ảnh hưởng ngay, cơ thể sinh bệnh ngay. Nôm na là đảm bảo an ninh mạng là làm sao chúng ta giữ được hệ tuần hoàn thông suốt” – Thượng tướng Tô Lâm nói.

Trên thực tế, theo tướng Lâm, hiện nhiều người cho rằng hệ thống thông tin hiện tại không an toàn vì có nhiều thông tin độc hại. Vậy phải xử lý thế nào để thanh lọc nó, thì xã hội mới khỏe mạnh được. Đấy là mục tiêu Bộ Công an đề ra khi xây dựng luật.

Facebook phải đặt máy chủ ở Việt Nam?

Về luật an ninh mạng, đại biểu Ngô Minh Châu (TP HCM) thống nhất cao với sự cần thiết ban hành hai đạo luật trên trong bối cảnh tội phạm lừa đảo thông qua môi trường mạng đã phát triển với mức độ ngày càng tinh vi, nghiêm trọng.

Đại biểu dẫn lại báo cáo tổng quan về kinh tế - xã hội năm 2017 của Chính phủ cũng đã nói rõ, chỉ riêng Youtube năm qua đã phải gỡ bỏ 3.000 thông tin xấu độc, còn Facebook đã khóa 6.000 tài khoản giả mạo, nhất là tài khoản của lãnh đạo Đảng Nhà nước. "Không lẽ chúng ta chịu bó tay trước tình trạng này", đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh băn khoăn.

Thẳng thắn chỉ ra hàng loạt điểm chồng chéo giữa các luật Viễn thông, Công nghệ thông tin, An toàn thông tin với Luật An ninh mạng, từ đối tượng điều chỉnh đến chức năng nhiệm vụ, đại biểu Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP HCM nhận xét, dường như do các cơ quan soạn thảo khác nhau nên đã không có sự kế thừa, thống nhất trong quá trình xây dựng luật.

“Một yêu cầu không thể không chú ý là khi ban hành, luật cần phải đảm bảo cho công dân quyền tự do; quyền sáng tạo. Tôi rất quan tâm đến quy định đặt máy chủ ở Việt Nam. Ban soạn thảo cần làm rõ khái niệm “nhà cung cấp mạng xã hội” với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, internet”, ông Dũng nói.

Quy định “đặt máy chủ”, theo đại biểu là khó chấp nhận đối với các nhà cung cấp mạng xã hội. Chẳng lẽ khi hoạt động ở 200 thị trường, Facebook lại phải đặt máy chủ ở 200 nước với đội ngũ quản lý và chi phí cực kỳ lớn? Cho nên việc quản lý tập trung là bình thường, bắt họ đặt máy chủ là không khả thi. Về mặt kỹ thuật, theo đại biểu, không nhất thiết phải đặt máy chủ mới quản lý được các tài khoản ở Việt Nam.

Giám đốc đại học Quốc gia TP HCM Huỳnh Thành Đạt cũng cho rằng quy định như Điều 34 là rất bất hợp lý, không tập đoàn, công ty nào chịu nổi. Phân tích kỹ thuật, ông Đạt cho biết, các máy chủ phải đặt ở vị trí có nhiệt độ ôn đới, hàn đới do máy chủ toả nhiệt rất lớn.

Từ ý kiến các chuyên gia, ông Đạt cho rằng không nhất thiết phải đặt máy chủ ở Việt Nam, quan trọng là cam kết cung cấp thông tin cần thiết để quản lý, không vị phạm thuần phong mỹ tục, “họ đặt máy ở đây mà không hợp tác thì cũng chịu. Cần hết sức cân nhắc”.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa phân tích thêm: “Cần rà soát lại hệ thống pháp luật hiện hành để gom lại trong 1-2 luật thôi, cho người dân dễ hiểu và chấp hành, đảm bảo quyền tự do sáng tạo, quyền bồi dưỡng trí tuệ, giải trí, kinh doanh… Bây giờ trẻ con 12-13 tuổi cũng dùng mạng thành thạo rồi, quy định quá phức tạp, lẻ mẻ chỗ này quyền, chỗ kia trách nhiệm, chỗ nọ nghĩa vụ quá thì người dân không nắm được, không thực hiện được”.

Ông Nghĩa cũng cho rằng, nhiều điều “cấm” trong luật lại không đi kèm với biện pháp chế tài, không rõ nếu vi phạm xử lý thế nào.

“Mà chúng ta muốn quy định về an ninh mạng hay là an ninh quốc gia trên không gian mạng? Tôi hiểu điều chúng ta muốn bảo vệ là an ninh quốc gia trên không gian mạng. Nói rõ như thế mới hình dung đúng về luật và có quy định phù hợp” - ông Nghĩa nhấn mạnh.

Quang Phong - Phương Thảo