1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tổng thanh tra Chính phủ: “Không biết phải kê khai tài sản thế nào”

(Dân trí) - Thừa nhận khó xác định ranh giới giữa quà biếu tặng, “hoa hồng” và tiền hối lộ; quy định kê khai tài sản vẫn giậm chân vì… không biết phải khai thế nào, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền chia sẻ những “ngoắt nghéo” trong nhiệm vụ phòng chống tham nhũng.

Phân minh “hoa hồng” và hối lộ trong quản lý

Thảo luận về luật hình sự sửa đổi, liên quan đến nhóm hành vi tham ô, hối lộ, có đại biểu cho rằng luật hiện nhiều “cửa”… lách vì tiền nhận hối lộ dễ được ngụy trang an toàn bằng hình thức quà biếu tặng. Ông đánh giá thế nào về quan điểm này?

Về nguyên tắc khi được người khác biếu tặng thì anh phải báo cáo và nộp số tiền đó vào cơ quan. Còn nhận tiền rồi không báo cáo và coi đó như tiền “hoa hồng” là sai. Thực tế đã có trường hợp bị xử lý về việc nhận quà tặng nhưng không báo cáo. Gần đây là vụ Chủ tịch tỉnh Cao Bằng công khai số tiền được biếu tặng và dùng số tiền đó để hoạt động từ thiện.

Trong quy định đã nói rõ về việc công chức phải công khai việc quà tặng, quà biếu và nếu không chấp hành thì sẽ bị xem xét xử lý. Nhẹ thì ở mức kỷ luật hành chính, còn nặng, để lại hậu quả nghiêm trọng thì sẽ xử lý nghiêm.

Nhưng vấn đề làm sao để đánh giá một món quà biếu tặng đơn thuần và khoản nào là “lách”, là hoa hồng, hối lộ?

Tới đây Chính phủ sẽ có nghiên cứu, bổ sung thêm quy định về nhận quà, tặng quà trong trường hợp nào là bình thường, trường hợp nào bất thường. Ngay trong quy định hiện nay cũng còn bất cập. Ví dụ việc quy định mức tiền, số tiền nhưng nhiều khi số tiền không lớn mà vẫn nảy sinh tiêu cực.
 
Tổng thanh tra Chính phủ: “Không biết phải kê khai tài sản thế nào” - 1
Tổng Thanh tra Chính phủ: "Tôi nhận trách nhiệm về việc chậm kê khai tài sản".

Ông có kiến nghị nào về cơ chế kiểm soát, xử lý liên quan đến “hoa hồng”?

Cơ chế “hoa hồng” và hối lộ có ranh giới chưa rõ ràng. Người ta thì nói đó là “hoa hồng” còn mình thì nói là hối lộ. “Hoa hồng” thì người ta coi là bình thường còn hối lộ là phạm tội. Cái nào là “hoa hồng”, cái nào là hối lộ cũng cần rõ ràng trong cơ chế quản lý.

Việc này cần bàn kỹ với các cơ quan chức năng. Như ở một số nước khác, nhiều hành vi người ta coi là bình thường nhưng chúng ta lại coi là tham nhũng. Ví dụ ở Mỹ, từ nhân viên khách sạn đến các nhà hàng họ đều đòi tiền “bo” và coi đó là bình thường nhưng ở ta nếu một nhân viên đòi hay nhận tiền “bo”, tiền “hoa hồng” thì sẽ bị lên án ngay.  

“Bản thân tôi không biết phải kê tài sản thế nào”

Thực hiện các giải pháp phòng chống tham nhũng, theo quy định cán bộ phải kê khai tài sản nhưng việc này hiện làm rất chậm. Là cơ quan được giao triển khai đề án, Thanh tra Chính phủ có kiến giải gì?

Việc kê khai chậm này do vướng phải hai vấn đề chính là đối tượng và nội dung thực hiện. Hiện có những người không giữ chức vụ nhưng ở trong phạm vi cần phải kê khai thì vẫn còn chưa có quy định rõ ràng. Do quy định đối tượng chưa rõ nên khi triển khai chậm.

Thứ hai là ngay ở trong bảng hướng dẫn kê khai cũng còn nhiều điều rắc rối. Tôi đọc bảng kê khai nhưng cũng không biết kê khai thế nào. Ví dụ tài sản phát sinh thì kê khai nhưng tài sản giảm đi thì lại không có mục kê khai. Do vậy có thể nói tôi có 1, 2 hay 3 cái nhà nhưng cuối cùng tôi cũng chả biết tổng tài sản của tôi là bao nhiêu.

Tôi đã kiểm tra và cái này là do trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ. Tôi nhận trách nhiệm về điều đó.

Kết quả công tác thanh tra về công tác phòng chống tham nhũng ở 6 địa phương vừa qua như thế nào thưa ông?

Kiểm tra cụ thể tại các sở ngành, xã phường thì thấy việc thực hiện chưa đạt đến độ tự giác, tự làm. Mức độ tự nguyện cũng mới ở mức hưởng ứng chung chứ chưa biến thành hành động của mình, còn hạn chế và kém. Một bộ phận không nhỏ các đơn vị làm chưa đến nơi đến chốn.

Thêm nữa, xét xử các vụ việc liên quan đến tham nhũng một số nơi giải quyết chưa tốt, dứt điểm, đã có ít nhất trên 100 trường hợp cán bộ công chức bị xử lý vì vi phạm nguyên tắc đạo đức ứng xử.

Về công tác chống tham nhũng liên quan đến yếu tố nước ngoài, các dự án đầu tư trong hợp tác quốc tế, đặc biệt sau một số vụ việc phát hiện thời gian vừa qua, Thanh tra Chính phủ có đề xuất phương án nào để lành mạnh hóa lĩnh vực nhạy cảm này?

Tốt nhất là rà soát lại cơ chế sử dụng vốn đầu tư nước ngoài. Trên cơ sở quản lý chung đó mới tính đến cơ chế quản lý và đầu tư các dự án. Ví dụ mình quản lý một số dự án ODA của Nhật hay của một số nước khác thì phải phân định được trách nhiệm của đối tác bên ngoài và của ta là đến đâu.

Thường các dự án dù họ phân bổ, giải quyết vốn cho chúng ta nhưng thẩm định dự án đến khi giao nhận dự án thì phần nhiều các đối tác nước ngoài đều có sự tác động vào. Mình vay vốn ai thì đương nhiên phải ưu tiên trở lại người đó nhận thầu. Do vậy rất khó để phân định.

Hiện Bộ KH-ĐT đang xây dựng một quy định để từ đó xác định trách nhiệm của đối tác cũng như của chúng ta. Khi làm rõ được việc này thì không có việc đổ qua đổ lại lẫn nhau.

P. Thảo (ghi)