1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

6 nước lưu vực sông Mekong:

Tìm cách sử dụng hợp lý “vàng trắng”!

(Dân trí) - Câu chuyện khô hạn, thiếu nước ngọt đã kéo dài hơn 3 tháng qua. Nhưng đến những ngày cuối tháng 4/2016 vẫn là câu chuyện nóng, mang tính thời sự. Không chỉ ĐBSCL, mà rất nhiều nơi sản xuất nông nghiệp từ lâu đã xem nước ngọt là nguồn tài nguyên quí giá như “vàng trắng của thế kỷ 21”.

Đương đầu nhiều thách thức

Đợt khô hạn, xâm nhập mặn thế kỷ vẫn đang hoành hành ở ĐBSCL. Hơn 220.000ha lúa bị thiệt hại ở các mức độ khác nhau. Hàng triệu người dân ĐBSCL thiếu nước ngọt sinh hoạt. Nhiều hoạt động cứu trợ các thùng chứa nước ngọt đã được cộng đồng gửi đến người dân vùng “khát nước ngọt” (!).

Có nhiều yếu tố tác động đến đợt khô hạn năm nay. Song nhiều người đang hướng về cách ứng xử của con người với dòng Mekong.

Sông Mekong có dòng chảy xuyên biên giới trong khu vực Đông Nam Á, có chiều dài đứng thứ 12 trên thế giới. Nguồn nước này đóng vai trò quan trọng đối với tất cả các nước mà nó đi qua, là nguồn lực chính trong việc phát triển nông nghiệp, sản xuất năng lượng và du lịch,…


PGS. TS. Lê Anh Tuấn – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường ĐH. Cần Thơ) châu thổ sông Mekong được đánh giá là 1 trong 3 châu thổ lớn của thế giới bị đe doạ nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu

PGS. TS. Lê Anh Tuấn – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường ĐH. Cần Thơ) châu thổ sông Mekong được đánh giá là 1 trong 3 châu thổ lớn của thế giới bị đe doạ nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu

Theo PGS. TS. Lê Anh Tuấn – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường ĐH. Cần Thơ) nói: “ĐBSCL ở Việt Nam là khu vực có nguồn gốc địa chất trẻ, được hình thành từ quá trình bồi tụ phù sa từ sông Mekong. Hằng năm, ĐBSCL nhận lượng nước lớn từ thượng lưu, trước khi lượng nước này đổ ra biển Đông. Nước đã giúp cho ĐBSCL trở thành vùng đất ngập nước lớn nhất và là nơi sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản lớn nhất Việt Nam”.

Tuy nhiên, châu thổ sông Mekong được đánh giá là 1 trong 3 châu thổ lớn của thế giới bị đe doạ nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu. Theo đó, diễn biến mới nhất ở vùng hạ lưu sông Mekong, nhất là khu vực ĐBSCL là xu hướng hạn, mặn xảy ra ngày càng nghiêm trọng chưa từng có.

Ngoài ra, theo dự báo đến năm 2020, ĐBSCL sẽ bị ngập khoảng 1/3 diện tích nếu mực nước biển dâng lên khoảng 1m, ước tính đến thập niên 50 của thế kỷ XXI khoảng 1 triệu người sẽ có nguy cơ mất nơi ở.

Sử dụng nước hợp lý

Bà Tôn Nữ Thị Ninh – Chủ tịch Quỹ Hoà bình và Phát triển Việt Nam tại TP HCM, Phó chủ tịch Uỷ ban Hoà Bình Việt Nam cho biết, nước là yếu tố quan trọng, liên quan đến sinh hoạt từng con người nhưng nguồn lực hiện tại có hạn. Vì vậy, vì tương lai loài người phải sử dụng có trách nhiệm. “Sông Mekong có mối liên hệ với nhiều nước. Đòi hỏi sự góp sức của các bên có liên quan, các quốc gia... để giải quyết về nguồn nước trong thời gian tới” – bà Ninh nói.

Tìm cách sử dụng hợp lý “vàng trắng”! - 2

Ông Iain Menzies - Chuyên gia cao cấp khu vực về Nước và hệ thống Vệ sinh cũng thông tin: Sông Mekong là tài sản chung của 6 quốc gia như Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Để sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, các quốc gia ven sông trên phải có sự hợp tác, công bằng dựa trên những hiểu biết khoa học tiên tiến nhất, có sự phối hợp tham vấn phù hợp nhất về việc cân bằng các yếu tố khác nhau sẽ xảy ra khi quản lý tài nguyên nước.

GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Trân – Nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội cho rằng, đã đến lúc, 6 nước trong lưu vực phải ngồi lại xây dựng một cơ chế sử dụng nguồn nước, phải có hành động, dự án cụ thể trong đó quyền và lợi ích của mỗi quốc gia phải đi đôi với trách nhiệm và nghĩa vụ đối với cả lưu vực, với tinh thần hợp tác để cùng phát triển.

Tìm cách sử dụng hợp lý “vàng trắng”! - 3

GS.Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ: "6 nước có liên quan đến việc sử dụng nguồn nước trên sông Mekong có thể phải ngồi lại với nhau, cùng đưa ra quyết định chung".

Đồng tình với các ý kiến trên, GS.Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ nhấn mạnh: “6 nước có liên quan đến việc sử dụng nguồn nước trên sông Mekong có thể phải ngồi lại với nhau, cùng đưa ra quyết định chung. Tuy nhiên, việc hợp tác này có sự ràng buộc và tuân thủ những vấn đề chung đã đưa ra”. Riêng ở ĐBSCL – vựa lúa ĐBSCL, GS. Xuân cho rằng nên tập trung gieo sạ lúa ở khu vực không bị ảnh hưởng bởi mặn như An Giang, Đồng Tháp nhưng phải có sự kết hợp với biện pháp sử dụng tiết kiệm nguồn nước.

Việt Nam phải tiếp tục tuyên truyền và đấu tranh để các nước thượng nguồn sông mekong ứng xử có trách nhiệm với nguồn nước từ con sông. Và hơn bao giờ hết, vựa lúa ĐBSCL phải tự cứu mình khi định lượng và đưa ra những giải pháp tối ưu để sử dụng “vàng trắng” một cách có hiệu quả. Nói như một nhà khoa học Trường ĐH Cần Thơ: “ĐBSCL nên có sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng hợp lý, bớt quá nặng trồng lúa. Vì để có 1 tấn lúa, cần đến 4.500 – 5.000m3 nước! Cần phải tính toán: Đánh giá 1m3 nước được bao nhiều tiền thay vì đánh giá trên năng suất. Đây là cách để chúng ta tăng nhận thức về tài nguyên”!

Phạm Tâm

Tìm cách sử dụng hợp lý “vàng trắng”! - 4