Thủ tướng: Phải hạn chế xây nhà cao tầng ở trung tâm thành phố

(Dân trí) - Tại buổi họp với TPHCM về giải pháp phòng, chống ùn tắc giao thông trên địa bàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải hạn chế xây nhà cao tầng ở trung tâm thành phố khi chưa giải quyết đồng bộ vấn đề ùn tắc giao thông.

Dân số, phương tiện tăng quá nhanh

Chiều 23/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với TPHCM về giải pháp phòng, chống ùn tắc giao thông trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa báo cáo tình hình giải quyết ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa báo cáo tình hình giải quyết ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa báo cáo nhanh về tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố, công tác phục vụ Tết nguyên đán. Đồng thời, ông Khoa cũng nêu ra hàng loạt giải pháp căn cơ, lâu dài của thành phố về giải quyết ùn tắc giao thông.

Ông Khoa kiến nghị Thủ tướng cho thành phố một số cơ chế đặc thù để triển khai nhanh đối với 23 dự án cấp bách trong năm 2017. Đồng thời, cho phép thành phố giữ lại 100% tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông (khoảng 300 tỷ mỗi năm) để đầu tư lại phương tiện cho các lực lượng đảm bảo an toàn giao thông.

Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng cho biết, các dự án giao thông trọng điểm phải làm đồng loạt và nhanh thì mới hiệu quả. Ông kiến nghị Thủ tướng cho phép thành phố được áp dụng cơ chế đặc thù như từng áp dụng khi làm quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh.

“Có như vậy thì mới có thể làm nhanh được chứ hiện nay các thủ tục quá lâu. Khi thanh tra, kiểm tra đơn vị nào sai phạm thì xử lý theo quy định. Nhưng các dự án khác vẫn triển khai để kịp tiến độ. Chứ vì thanh tra mà ách tắc thì dự án sẽ rất chậm”, ông Thăng kiến nghị.

Trước kiến nghị của TPHCM, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa bày tỏ sự đồng tình với các kiến nghị của thành phố, nhất là phải rút ngắn thời gian, thủ tục đầu tư để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Ông Nghĩa cũng nêu quan điểm, để kéo giảm ùn tắc giao thông thì việc xây dựng các khu cao ốc, khu đô thị cao tầng nên chậm lại vì hạ tầng giao thông theo không kịp.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, nguồn lực hạn chế cũng là nguyên nhân khiến các dự án giao thông chậm tiến độ. Ông Đông cũng cho rằng hiện nay việc kiểm soát phát triển không gian đô thị còn nhiều hạn chế, không kiểm soát được mật độ dân cư. Việc quản lý hạn chế cộng với việc điều chỉnh quy hoạch nhiều đã tạo nên sức ép giao thông rất lớn.

Theo ông Đông, nếu không có quỹ tài chính dành cho giao thông thì không bao giờ thu hút được các nguồn vốn xã hội hóa. Cân đối nguồn vốn từ ngân sách thì rất bị động.

“Nước Nhật giàu có như thế và người ta có quỹ dành cho phát triển đường bộ. Phải xây dựng được cơ chế tài chính cho thành phố. Đây là vấn đề mấu chốt. Nguồn thu đóng ngân sách của thành phố nhiều thì phải có cơ chế đặc thù để thành phố xử lý vấn đề giao thông”, ông Đông nói.

Hạn chế dân cư đô thị?

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng tốc độ tăng dân số, phương tiện giao thông là nguyên nhân chính của mọi vấn đề liên quan đến tắc nghẽn.

Kẹt xe là nỗi ám ảnh của người dân TPHCM
Kẹt xe là nỗi ám ảnh của người dân TPHCM

“Nếu chỉ tập trung đầu tư hạ tầng thì không giải quyết được vấn đề. Phải có chính sách kéo giảm lượng phương tiện xuống cùng với việc phát triển hạ tầng. Nếu càng tăng hạ tầng, dân tăng, phương tiện tăng thì không giải quyết được vấn đề”, ông Dũng nói và cho rằng văn hóa tham gia giao thông chưa tốt của người dân cũng góp phần gây ùn tắc giao thông.

Về giải pháp dài hạn, ông Dũng cho rằng phải hạn chế xây dựng nhà cao tầng tập trung. Càng xây nhiều nhà, dân cư tập trung đông thì mật độ giao thông lại gia tăng. “Ngoài ra, phải hạn chế ngay việc gia tăng dân số nội đô. Nếu để tự do thế này thì không bao giờ giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông”, ông Dũng thẳng thắn.

Cùng quan điểm, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho rằng, di cư, di dân là vấn đề thế giới và nước ta cũng vậy. Nơi nào có phúc lợi xã hội tốt, thu nhập cao thì người dân sẽ đổ về. Việc di cư không chỉ gây khó khăn cho giao thông mà còn ảnh hưởng rất lớn đến trật tự xã hội. Đây là thách thức lớn đối với TPHCM cũng như Hà Nội.

“Một bà bán hàng rong ở thành phố thu nhập tốt hơn một người nông dân làm ăn cần cù ở quê thì tất nhiên là người ta phải đổ xô về thành phố rồi. Càng làm đường càng tắc; càng đông dân càng xây nhà cao tầng, càng tắc”, ông Lâm dẫn chứng và cho rằng cần có chính sách về di cư vì làm nhiều đường cũng không giải quyết được vấn đề giao thông.

Hạn chế xây nhà cao tầng khu trung tâm

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ liên quan phải sớm báo cáo cơ chế, chính sách cho TPHCM đầu tư phát triển hạ tầng giao thông (ảnh: VGP)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ liên quan phải sớm báo cáo cơ chế, chính sách cho TPHCM đầu tư phát triển hạ tầng giao thông (ảnh: VGP)

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, số điểm ùn tắc, thời gian ùn tắc giao thông tại TPHCM ngày càng nghiêm trọng, phức tạp. Điều này ảnh hưởng đến đời sống người dân, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế xã hội.

Trước Tết cổ truyền, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu TPHCM giải quyết tình trạng xe “dù”, bến “cóc”. Đối với các điểm kẹt xe nghiêm trọng, trong đó có sân bay Tân Sơn Nhất, phải có khảo sát và xử lý quyết liệt. Các lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, thanh niên xung phong phải túc trực điều tiết thì chắc chắn giảm ùn tắc giao thông.

Theo Thủ tướng, một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông là số lượng phương tiện tăng quá nhanh, xe ô tô, xe máy xen lẫn nhau. “Không phải cấm quyền tự do nhưng về lâu dài phải có lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân”, Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị trong tương lai thành phố phải chú trọng phát triển xe buýt nhanh.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị thành phố ứng dụng công nghệ thông tin, cần có trung tâm chỉ huy giao thông để đưa ra các phương án xử lý, điều tiết giao thông từ xa. Đồng thời, phải xây dựng văn hóa giao thông, không còn tình trạng xe chen lấn nhau, chạy lên vỉa hè. Những trường hợp vi phạm phải xử lý thật nặng để răn đe.

Thủ tướng cơ bản đồng ý với các kiến nghị của TPHCM và yêu cầu các Bộ GTVT, Kế hoạch – Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên – Môi trường, Tài chính sau 21 ngày phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách áp dụng cho thành phố. Không để thành phố phải “chạy ra, chạy vào, thời gian còn để làm việc khác”. Các Bộ làm việc trên tinh thần tạo điều kiện cho thành phố đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nhanh chóng, hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu TP quản lý tốt vấn đề quy hoạch đô thị. TPHCM phải hạn chế xây nhà cao tầng ở khu vực trung tâm khi chưa giải quyết được vấn đề giao thông một cách đồng bộ.

Về giải quyết ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, Thủ tướng đề nghị sớm xây dựng thêm bãi đỗ tàu bay, giải quyết tình trạng kẹt xe trên tuyến đường ra sân bay, nhất là giờ cao điểm. Thủ tướng cũng đề nghị nghiên cứu cơ chế bay đêm để góp phần giảm ùn tắc giao thông.

Quốc Anh